Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Biên phòng – Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, một trong những cách giúp tăng thu nhập bền vững cho người dân là nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn. Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn có đủ trình độ chuyên môn, tay nghề để có thể tham gia vào các công việc sản xuất quy mô lớn, mang tính công nghiệp là hết sức quan trọng và cấp thiết.


Ảnh minh họa.

Trong những năm qua, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, công cuộc phát triển nguồn nhân lực đã đạt được những bước chuyển biến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong tổng số 55 triệu lao động cả nước mới chỉ có 64,5% qua đào tạo, trong đó, 24,5% có bằng cấp chứng chỉ; tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Theo các chuyên gia lao động, thách thức lớn nhất của giáo dục nghề nghiệp hiện nay là vừa phải đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm; vừa đào tạo phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động (đặc biệt là ở nông thôn), vừa đào tạo lại cho người lao động trong doanh nghiệp để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Cần phải khẳng định kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong nhiều năm qua đã góp phần đưa chính sách “tam nông” của Đảng đi vào đời sống. Từ năm 2010 đến nay, đã có trên 10 triệu lao động nông thôn được học nghề; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%. Gần 1,2 triệu người đã được các doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề; trên 2,3 triệu lao động sau học nghề tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động tăng từ 10-20%. 134.845 lượt hộ đã thoát nghèo và 261.361 hộ có thu nhập cao khi có người tham gia học nghề, có việc làm.

Chính quyền các địa phương ngày càng chủ động hơn trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề hàng năm, gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã bước đầu đã quan tâm, hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình, hỗ trợ địa bàn thực tập, tuyển dụng học viên sau khóa học.

Về phía người nông dân cũng nhận thức hơn về nghề nghiệp, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, chuyển sang học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp. Học nghề đã giúp nhiều lao động nông thôn nắm vững khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi thói quen canh tác theo hướng tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập.

Tuy vậy, trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu đang tác động lớn đến lực lượng lao động Việt Nam, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế; các điều kiện đảm bảo chất lượng còn thấp. Đây chính là nguyên nhân khiến kỹ thuật, kỹ năng hành vi và các kỹ năng mềm khác của lao động Việt Nam còn yếu. Trong khi đó, công tác phối hợp đào tạo gắn với giải quyết việc làm giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp chưa thực sự phát huy được hiệu quả.

Giai đoạn 2021-2025, tổng kinh phí đầu tư công trung hạn phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp là 31.420,703 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 2016-2020. Nhưng để nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường, các bộ, ngành, địa phương cần tháo gỡ những nút thắt về chất lượng đào tạo và giải quyết việc làm; tăng cường sự gắn kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp.

Việc mở các lớp đào tạo nghề phải dựa trên nhu cầu thực tế của người lao động và người sử dụng lao động; gắn đào tạo nghề với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, với quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát huy thế mạnh của địa phương và nguồn lực lao động tại chỗ.

Hoàng Lâm