Biên phòng – Trong thời đại công nghệ 4.0, việc nắm bắt thông tin, giao lưu, tương tác với nhau diễn ra vô cùng thuận tiện. Không gian mạng là vô hạn trong trí tuệ con người, tuy nhiên, ở góc nhìn nào đó, nó cũng rất mong manh, biến không thành có, thiện thành ác, người “sành điệu” thành kẻ ngu ngơ. Câu chuyện của kẻ phạm tội lẫn nạn nhân trong vụ án mua bán người xảy ra trên địa bàn biên giới tỉnh Gia Lai gần 1 năm trước đã minh chứng điều đó.
Đối tượng Trần Quang Quyết bị Ban Chuyên án GL622 bắt giữ. Ảnh: Thái Kim Nga
Kẻ “lái người” mang gương mặt trẻ thơ
Ở thế hệ “2K1”, ít ai ngờ Trần Quang Quyết, trú tại thôn 7, xã Ia Đal, huyện Ia H”Drai, tỉnh Kon Tum lại trở thành tên tội phạm mua bán người đầu tiên trên biên giới tỉnh Gia Lai. Và cũng không mấy người biết rằng, trước khi trở thành tội phạm buôn người, ở tuổi đôi mươi, hắn từng 2 lần là nạn nhân của loại hình tội phạm này khi bị đẩy sang Campuchia thông qua những cuộc giao dịch ảo trên mạng xã hội. Gia đình, người thân của Quyết đã phải chạy vạy gom góp hàng trăm triệu đồng để chuộc hắn về. Giới hạn của sự được-mất, thắng-thua chỉ sau vài lần “lang thang”, tương tác trên mạng xã hội khiến Trần Quang Quyết nảy sinh lòng tham, manh nha con đường phạm tội ngay sau khi đào thoát khỏi những “ổ nhện” bên xứ lạ quê người.
Trở về Việt Nam, Trần Quang Quyết bắt tay vào “kế hoạch kiếm tiền” đúng như chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” mà hắn từng bị lừa. Đối tượng mà hắn nhắm đến là những thanh thiếu niên không có việc làm ổn định, thiếu nhiệt huyết nhưng lại thừa lòng tham. Và với sự trải nghiệm đã từng 2 lần “nếm mật nằm gai”, Trần Quang Quyết không mấy khó khăn để tìm đến những “địa chỉ” giàu tiềm năng hiện đang sinh sống ở các thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ xã Ia Đal, Quyết lân la sang khu vực nhà máy thủy điện Sê San nằm trên địa bàn xã Ia O, huyện Ia Grai (Gia Lai) để “săn mồi”. Tại đây, hắn nắm được thông tin về hàng trăm thanh niên người dân tộc thiểu số hiện đang lao động tự do tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp, công việc bấp bênh, thu nhập thấp nên rất nhiều người trong số này đang rơi vào cảnh thất nghiệp. Chỉ sau ít cuộc tương tác trên mạng xã hội, Quyết đã “tuyển dụng” được 7 thanh, thiếu niên người dân tộc thiểu số Jrai ở làng Kloong, xã Ia O sang Campuchia “làm việc”, trong đó có người mới bước qua tuổi 16.
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, dù chưa gặp mặt nhau bao giờ, nhưng cùng chung sở trường, sở đoản nên cả thủ phạm và nạn nhân đã nhanh chóng làm quen để từng bước hiện thực hóa giấc mơ “việc nhẹ, lương cao”. Có thể nói, việc lôi kéo cùng lúc 7 “con mồi” trốn sang Campuchia làm việc tại các casino (sòng bạc) đã giúp cho Quyết gần như “hoàn vốn” khi được “đối tác” bên kia biên giới hứa trả 128 triệu đồng tiền công. Ở chiều ngược lại, cũng rất nhanh chóng, tai họa ập đến với gia đình, người thân của các nạn nhân khi nhận được hàng loạt cuộc gọi đòi tiền chuộc với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi người.
Ngày 23/6/2022, Đồn Biên phòng Ia O, BĐBP Gia Lai nhận được đơn trình báo từ chị Puih N, trú tại làng Kloong, xã Ia O về việc em trai mình tên là Puih Đ và 6 người khác cùng làng bị lừa sang Campuchia làm việc, nhưng có dấu hiệu bị giam giữ trái phép và bóc lột sức lao động. Sau khi tiến hành điều tra, xác minh các thông tin liên quan, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai quyết định xác lập Chuyên án GL622 đấu tranh triệt phá đường dây mua bán người thông qua mạng xã hội.
Ranh giới giữa người “sành điệu” và kẻ ngây ngô
Có thể nói, dưới sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Bộ Tư lệnh BĐBP và cơ quan chuyên ngành cấp trên, việc đấu tranh Chuyên án GL622 đã diễn ra một cách chớp nhoáng, dù phải qua nhiều công đoạn rất phức tạp. Ban Chuyên án xác định, không chỉ nhanh chóng điều tra truy bắt thủ phạm, mà còn đẩy mạnh công tác đối ngoại, phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn Campuchia để tổ chức giải cứu các nạn nhân trong thời gian nhanh nhất.
Công dân Việt Nam bị lừa gạt, lôi kéo sang Campuchia làm việc dưới chiêu bài “việc nhẹ, lương cao” trở về nước. Ảnh minh họa: TTXVN phát
Chỉ trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Bộ Chỉ huy BĐBP Gia Lai một mặt, chỉ đạo lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy và tội phạm cùng Đồn Biên phòng Ia O khởi tố vụ án hình sự, điều tra truy bắt tội phạm; mặt khác, xác định tung tích các nạn nhân, phối hợp với lực lượng chức năng nước bạn Campuchia để tổ chức các phương án giải cứu. Cùng với đó là “chiến dịch” tuyên truyền, vận động trên khắp các địa bàn dân cư 7 xã biên giới nhằm trấn an dư luận, nâng cao nhận thức pháp luật, cảnh báo nguy cơ lừa đảo từ chiêu trò “việc nhẹ, lương cao” trên các trang mạng xã hội.
Sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng BĐBP đã nhanh chóng “hạ màn” vụ án. Thủ phạm Trần Quang Quyết đã bị bắt giữ, bàn giao cho Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng các nạn nhân sau khi được giải cứu đã ổn định tâm lý, nhận thức sâu sắc cái giá phải trả của sự non nớt, khờ khạo khi vượt biên trái phép sang Campuchia tìm “việc nhẹ, lương cao”.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và hạ tầng viễn thông như hiện nay, giới trẻ luôn là những người đi tiên phong trong việc làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhìn rõ mặt trái của mạng xã hội để lựa chọn cho mình cách tiếp cận, sử dụng hữu ích nhất. Không gian mạng trong trí tuệ con người là vô hạn, nhưng với những “tín đồ” chân ướt, chân ráo, nhìn thấp, mơ cao như các nạn nhân trong vụ án nói trên thì lại hết sức mong manh. Chỉ vài ba thao tác trên chiếc điện thoại thông minh là họ đã tự biến mình từ người “sành điệu” thành kẻ ngây ngô.
Thái Kim Nga