Biên phòng – Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác vận động quần chúng trong xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn, những năm qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Na Cô Sa, BĐBP Điện Biên đã thực hiện nhiều giải pháp và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó với nhân dân trên địa bàn đơn vị quản lý.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa tặng gạo từ mô hình “Hũ gạo chiến sĩ” cho hộ nghèo biên giới. Ảnh: Trọng Thành
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động
Đại úy Đỗ Xuân Điềm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Cô Sa cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 17,369km đường biên giới; quản lý địa bàn xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), với 1.131 hộ/6.302 nhân khẩu, trong đó, dân tộc Mông chiếm đa số. Đời sống của người dân trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn ở mức cao; trình độ dân trí của người dân không đồng đều, còn tồn tại một số tập tục lạc hậu. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Vậy nên, những năm qua, công tác dân vận luôn được Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị chú trọng triển khai, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác Biên phòng, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh.
Theo đó, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền xã Na Cô Sa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước theo hướng bám sát đặc điểm địa bàn và thực tiễn đời sống của nhân dân. Có nội dung được lồng ghép tuyên truyền tập trung tại các buổi họp thôn, bản, buổi chợ phiên, có nội dung cán bộ đơn vị sẽ đến từng nhà để tuyên truyền. Đặc biệt, nhiều nội dung tuyên truyền được thu âm bằng tiếng Mông, sau đó phát trên hệ thống loa truyền thanh của xã, loa di động của đơn vị.
Từ năm 2020 đến nay, Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã tổ chức tuyên truyền được 217 buổi, thu hút 15.857 lượt người nghe. Nội dung tuyên truyền gồm: Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Biên giới quốc gia; Luật Lâm nghiệp; Luật Cư trú; Luật Phòng chống ma túy; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Phòng, chống mua bán người; Hiệp định quy chế biên giới Việt Nam – Lào; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”; đấu tranh với các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch…
Nhờ thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức về pháp luật của nhân dân trên địa bàn ngày càng được nâng lên, bà con luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đến nay, trên địa bàn đơn vị quản lý, không còn hộ nào bị kẻ xấu dụ dỗ theo đạo trái pháp luật; không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; tình trạng tảo hôn đã giảm đáng kể. Đặc biệt, đơn vị đã vận động người dân tự nguyện giao nộp 45 khẩu súng tự chế (gồm 22 súng kíp, 23 súng hơi cồn), góp phần hạn chế những vụ tai nạn thương tâm do súng săn, vật liệu nổ gây ra.
Ngoài ra, đơn vị cũng duy trì có hiệu quả 11 Tổ tự quản an ninh trật tự, 6 Tổ tự quản đường biên, cột mốc. Thông qua các Tổ tự quản an ninh trật tự, đường biên, cột mốc, người dân trong xã dần hiểu nhau hơn, đoàn kết và tình nguyện cùng BĐBP tuần tra bảo vệ biên giới và giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản. Các Tổ tự quản đường biên, cột mốc luôn phối hợp chặt chẽ cùng Đồn Biên phòng Na Cô Sa trong trao đổi thông tin và tổ chức tuần tra, kiểm tra hiện trạng đường biên, cột mốc; tổ chức phát quang thông tầm nhìn biên giới; phát quang dấu hiệu đường biên giới quốc gia và các công trình quốc phòng – an ninh trên khu vực biên giới; tuyên truyền, vận động nhân dân không xuất nhập cảnh trái phép.
Nhiều chương trình, mô hình, hoạt động giúp đỡ nhân dân
Những năm qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Na Cô Sa cũng tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chăn nuôi tập trung; sử dụng các giống lúa nước, lúa nương cho năng suất, chất lượng cao; đưa các cây trồng mới (sa nhân, bưởi, cam, mít, mận) vào sản xuất nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương; phối hợp với Trung tâm giáo dục dạy nghề huyện Nậm Pồ tổ chức 4 lớp dạy nghề chăn nuôi lợn cho người dân trên địa bàn. Cùng với đó, vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cây giống, con giống, vốn để giúp người dân phát triển sản xuất.
Cán bộ Đồn Biên phòng Na Cô Sa và nhân dân gói bánh chưng tặng hộ nghèo trên địa bàn xã Na Cô Sa tại Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023. Ảnh: Trọng Thành
Một trong những mô hình giúp dân phát triển kinh tế được triển khai từ tháng 6/2020 và bước đầu cho thấy hiệu quả, đó là mô hình “Trồng cây sa nhân phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường”. Theo Đại úy Đỗ Xuân Điềm, thực hiện mô hình trên, đơn vị đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nậm Pồ tổ chức tập huấn cho người dân về cách tạo giống, trồng và chăm sóc cây sa nhân. Đơn vị đã mua 3.000 cây sa nhân giống để hỗ trợ người dân bản Huổi Po đưa vào sản xuất; đồng thời, thường xuyên cử cán bộ theo dõi, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Đến nay, số lượng cây sa nhân trên địa bàn đã lên đến hơn 10.000 cây. Với giá trị kinh tế như hiện nay, khi thu hoạch, dự kiến mỗi hộ gia đình sẽ có thu nhập khoảng trên 10 triệu đồng/năm và có thể thu hoạch lâu dài trong vòng từ 10 đến 13 năm.
Bên cạnh các mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đồn Biên phòng Na Cô Sa đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động, mô hình thiết thực như: Kêu gọi, kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao tặng 2.113 suất quà, với tổng trị giá 793 triệu đồng cho học sinh và nhân dân trên địa bàn xã Na Cô Sa; tặng 240kg gạo cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn theo mô hình “Hũ gạo chiến sĩ”; cắt tóc miễn phí cho hàng trăm lượt học sinh trên địa bàn theo mô hình “Tay kéo Biên phòng”; tổ chức giúp dân được 10 buổi lao động sản xuất/121 lượt cán bộ, chiến sĩ và thực hiện 70 ngày công sửa chữa 1km đường giao thông, sửa chữa 3 căn nhà.
Đơn vị cũng triển khai tổ chức tốt Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” năm 2023, với nhiều hoạt động như: Tổ chức gói, tặng 600 bánh chưng xanh và 300 suất quà cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn; tặng 2 suất quà cho các cháu học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”; tặng quà cho 2 cháu con nuôi đồn Biên phòng; cử 50 lượt cán bộ, chiến sĩ xuống ăn Tết cùng nhân dân; thăm hỏi, tặng quà chính quyền địa phương và nhân dân.
Ngoài ra, thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đơn vị đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nậm Pồ và các tổ chức, cá nhân trao tặng 490 suất quà cho hội viên phụ nữ và học sinh trên địa bàn, tặng 7 téc nước cho các nhà trường với trị giá gần 200 triệu đồng; chỉ đạo Chi đoàn đơn vị và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Na Cô Sa trao tặng 80 suất quà cho 76 hộ gia đình được đảng viên Đồn Biên phòng Na Cô Sa giúp đỡ.
Trọng Thành