Rất nhiều du khách Nga đã trốn để ở lại và làm việc tại Bali, Indonesia mà không hề có giấy phép lao động hợp pháp – Ảnh: AL JAZEERA
Đầu tuần này, Thống đốc Bali Wayan Koster cho biết ông đã yêu cầu chính quyền trung ương ở Jakarta thắt chặt các quy định cấp thị thực cho công dân Nga và Ukraine bằng cách hủy bỏ cấp visa, khi số lượng du khách từ hai nước này phạm lỗi và làm việc chui ngày càng tăng.
Ngay sau đó, ông Sandiaga Uno, bộ trưởng Bộ Du lịch Indonesia, cũng tuyên bố sẽ xem xét yêu cầu của thống đốc Bali, tuy vậy vẫn nhận định số lượng du khách từ Nga và Ukraine gây rắc rối “vẫn chưa đáng kể”.
Việc gì cũng làm
Theo số liệu do sân bay quốc tế Bali tổng hợp, có gần 60.000 người Nga đã đến Bali trong năm 2022.
Đặc biệt, hòn đảo nay ghi nhận lên đến 20.000 người nhập cảnh mỗi tháng kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ban hành lệnh động viên một phần vào tháng 9-2022.
Các nhà chức trách địa phương cho biết một số người Nga đã tìm được các công việc như cắt tóc, trông trẻ, lái taxi, thậm chí hành nghề mại dâm, mà không hề có thị thực lao động hợp pháp.
Đầu tháng 3-2023, chính quyền tỉnh Bali tuyên bố thành lập một lực lượng đặc nhiệm bao gồm cảnh sát và các quan chức từ các cơ quan lao động, công nghiệp và thương mại để trấn áp những người lao động trái phép.
Lực lượng đặc nhiệm này sẽ tăng cường giám sát trên mạng Internet, cũng như dựng các biển báo cảnh cáo du khách không được làm việc bất hợp pháp.
Trong tuần đầu tiên, lực lượng đặc nhiệm này đã bắt giữ thành công 6 du khách Nga, trong đó có 3 người hành nghề mại dâm, 2 người hướng dẫn lái xe máy và một người là huấn luyện viên quần vợt.
Những người dân địa phương ở Bali cảm thấy bất bình khi bị các du khách từ Nga tranh mất nhiều cơ hội việc làm – Ảnh: AL JAZEERA
Dân bản địa mất việc
Anh Zee Putro, sở hữu một công ty du lịch chuyên về leo núi tại Bali, nói với Đài Al Jazeera rằng ban đầu những người Nga này liên hệ đề nghị cộng tác, mai mối khách du lịch cho công ty anh và nhận hoa hồng. Nhưng sau đó họ dần dần tự mình hướng dẫn cho các khách du lịch khác.
Anh Putro kể lần gần đây nhất anh leo lên đỉnh núi lửa Agung đã trông thấy rất nhiều hướng dẫn viên người Nga đang hành nghề mà không hề có hướng dẫn viên du lịch địa phương, mặc dù theo luật pháp Bali, các đoàn du khách nước ngoài phải do người bản địa hướng dẫn để đảm bảo an toàn.
Theo phân tích của anh, những “hướng dẫn viên” người Nga này đã leo lên đỉnh Agung trước đó với hướng dẫn viên bản địa, ghi nhớ tất cả các tuyến đường, những vấn đề về an toàn hay những yếu tố tự nhiên như gió.
“Tôi thực sự cảm thấy rất buồn khi nhiều hướng dẫn viên bản địa bị tranh mất việc làm”, anh Putro bày tỏ.
Anh Juda Purba, một huấn luyện viên lướt sóng ở Bali, cũng cho biết hiện nay người nước ngoài làm việc trên các bãi biển mà không có giấy phép lao động đã trở thành chuyện bình thường ở Bali.
“Khi chúng tôi hỏi họ có đang dạy lướt sóng hay không thì những người Nga này bảo rằng họ chỉ đang đi nghỉ mát cùng một vài người bạn, nhưng chúng tôi biết họ đang kiếm tiền từ chính công việc này”, anh Purba chia sẻ.
Anh Purba hy vọng các cơ quan chức năng sẽ để tâm nhiều hơn và có những can thiệp kịp thời để giải quyết những bất công đối với người dân bản địa, bởi những người nước ngoài này đang làm việc mà không hề phải đóng thuế.