25/03/2023 14:59
(PLVN) – Bản Cát Cát là một ngôi làng H’Mông cổ, được hình thành từ giữa thế kỉ 19. Nơi giữ gìn và bảo tồn những nét đẹp văn hóa độc đáo của người H’Mông. Một chốn lý tưởng cho những người muốn hưởng thụ một chuyến du lịch an yên, lánh xa nhịp sống gấp, ồn ào và bụi bặm của đô thị.
Nét văn hóa riêng biệt
Nằm cách trung tâm thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai khoảng 2km và tọa lạc dưới dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, bản Cát Cát là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất luôn được du khách ưu ái lựa chọn mỗi khi đặt chân tới Sa Pa.
Người H’Mông ở bản Cát Cát sống bằng nghề se lanh, dệt vải, chạm trổ bạc, rèn nông cụ. Ở Cát Cát khó phân định ranh giới giữa việc giữ nghề truyền thống để làm du lịch và giữ nghề truyền nối thuần túy trong gia đình, bởi đồng bào dân tộc ở đây họ thật sự đã thổi được cái “hồn” của văn hóa bản địa vào sự tinh túy của nghề…
Để hiểu hết về văn hóa của một vùng đất, hãy lắng nghe chính con người ở nơi đó kể lại. Tại bản Cát Cát, dễ dàng gặp rất nhiều người dân tộc H’Mông mến khách và được nghe họ giới thiệu về các sản phẩm làm từ làng nghề của mình như những bộ trang phục, những tấm vải nhuộm chàm, những vật dụng đan thồ đơn sơ, những bộ trang sức được làm từ bạc… Đây là niềm tự hào của người H’Mông qua bao thế kỷ.
Tất cả các sản phẩm đều được tạo ra từ sự khéo léo của đôi tay và giữ nguyên vẹn những công đoạn mà tổ tiên để lại. Phải đến đây, tận mắt chứng kiến quá trình làm nên một tấm vải thô được từ lúc se lanh, dệt vải, vẽ sáp ong bạn thấy cảm phục nền văn hóa ấy đến nhường nào. Ngoài việc bảo tồn văn hóa bản H’Mông như: se lanh, dệt vải, vẽ sáp ong,… đến với bản Cát Cát du khách có cơ hội tìm hiểu thêm về làng nghề truyền thống Đan thồ. Những sản phẩm được làm từ nguyên liệu chính là tre, trúc vô cùng bình dị gần gũi quen thuộc được kết từ những đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây tết bện đan tạo thành những vật dụng để phục vụ đời sống thường nhật.
Những sản phẩm của người dân Cát Cát đã lặng lẽ theo chân du khách về những vùng đất mới với sứ mệnh giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa đa dạng của dân tộc Việt Nam. Không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con dân tộc H’Mông, việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống cũng góp phần giảm các tệ nạn xã hội, nạn chèo kéo, ăn xin tại khu du lịch Sa Pa.
Để có thể tìm hiểu về các nghề này, bạn có thể tới tham quan làng nghề thủ công truyền thống. Những ai sinh ra ở thành thị và chưa từng một lần trải qua nếp sống ở miền quê đặc biệt là vùng núi, chắc sẽ không giấu nổi sự ngạc nhiên bởi nhịp sống bình dị tại nơi này, là đàn cừu, dê, thong dong gần suối cạn, là những đứa trẻ chân trần vui cười bên thác nước, là những cụ già an nhiên bên khung cửi…
Người trẻ hay e dè khi tìm hiểu về văn hóa, truyền thống của những vùng đất đặc thù. Nhưng không hiểu sao mỗi khi đến Cát Cát, ai cũng muốn được bước chân vào một ngôi nhà truyền thống của dân tộc H’Mông để tìm hiểu thật gần hơn một nền văn hóa riêng biệt. Khác với trung tâm thị trấn, nơi có những công trình bê tông mọc lên san sát, thì người H’Mông ở bản Cát Cát vẫn thế – hiền lành, thật thà, một lòng với tín ngưỡng và giữ được nhiều phong tục tập quán, nghi lễ hội hè trong kho tàng văn hoá của dân tộc mình.
Cũ và mới, gần gũi và khác biệt
Hơn cả một điểm đến, đó là một hành trình. Điều mà Cát Cát đem lại cho những ai đã từng đặt chân đến nơi này là một thứ cảm xúc thật khó có thể dùng ngôn từ để miêu tả. Những nét nguyên sơ xen lẫn vô vàn điều mới lạ.
Mỗi lần quay trở lại, nơi đây lại cho người ta nhiều điều thú vị hơn. Nếu ai yêu Cát Cát và tinh ý một chút thì sẽ thấy khu vườn hoa biểu tượng độ này rực rỡ hơn với những đóa hoa hồng cổ, sẽ thấy cây cầu qua suối Cát Cát mới mẻ và độc đáo hơn, sẽ thấy vườn hoa giữa bản là đã được thay bằng một loại hoa mới, sẽ thấy nhà trưng bày nhiều vật dụng được trang trí hơn một chút. Đặc biệt, sẽ thấy cây thông tình yêu độc đáo dưới chân thác Tiên Sa hùng vĩ. Mỗi lần thay đổi, là thêm một chút tỉ mỉ, một chút tinh tế, một chút chỉn chu…
Hãy cứ đến Cát Cát bằng một trái tim trần trụi nhất, để rồi nhận về những gì ban sơ nhất. Bạn sẽ thấy, Cát Cát e ấp như một cô gái H’Mông giản dị, nhưng càng nhìn càng thấy say, càng trò chuyện càng thấy cuốn hút. Hãy đi Sapa một lần trong đời, để thấy rõ Tây Bắc đẹp đến thế nào. Hãy đến Cát Cát một lần khi bạn còn trẻ, để thấy mình còn nhỏ bé ra sao. Để thấy tầm mắt của mình được mở rộng trước sự khôn cùng của một nền văn hóa đã tồn tại hàng trăm năm. Và quan trọng nhất, để thấy rằng, đôi khi chúng ta tưởng chừng mình đã đi hết những sông, núi, biển, hồ. Cát Cát còn nhắc chúng ta về một Tây Bắc mãnh liệt và say đắm đến nhường nào.