Biết Hà Nội những ngày này thời tiết ẩm ương, ông Phan Hữu Cường (86 tuổi, tỉnh Nghệ An) liên tục gọi điện thoại hỏi han, kể chuyện, pha trò cho vợ vui.
Mấy năm qua, ông bà thường xuyên phải “yêu xa” do bà Nguyễn Thị Kim Liên (80 tuổi, vợ của ông Cường) đang ở nhà của con trai út. Vợ chồng con trai thường xuyên vắng nhà nên bà Liên thay con chăm lo chuyện ăn uống, học hành của các cháu. Thỉnh thoảng, ông Cường vẫn từ Nghệ An ra Hà Nội ở chơi 2 – 3 tháng cùng vợ con. Đợt này, sau Tết, ông phải về nhà lo đám giỗ, xong xuôi mọi việc thì ông lại ra với bà.
Để đỡ nhớ nhau, mỗi ngày, ông bà đều trò chuyện qua Zalo, Facebook. Những cuộc gọi kéo dài hàng giờ đồng hồ, luyên thuyên đủ chuyện vui chơi, thời sự, sức khỏe… 55 năm chung sống, ông bà chưa bao giờ to tiếng hoặc hoài nghi về tình cảm của đối phương. Ông điềm đạm, giỏi giang, bà dịu dàng, tần tảo.
Ảnh chụp bà Liên và ông Cường năm 1969.
Mối tình của ông bà kéo dài từ thời chiến đến thời bình, trải qua gian khổ rồi chạm đến bình yên. Ấy vậy, khi nhắc lại ký ức xưa, bà Liên không chút buồn bã, chỉ có giọng nói ấm áp xen lẫn nụ cười sảng khoái.
Ngày đó, ông Cường quê ở Nghệ An, còn bà Liên sinh ra tại Thái Bình. Cả hai đều lớn lên trong gia đình thuần nông, đông anh em, bữa đói nhiều hơn bữa no. Ông bà sớm nhận ra chỉ có học hành mới thoát khỏi cảnh bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Nếu như ông Cường bán kẹo lạc, làm gia sư để có tiền đóng học phí trường Đại học Y Hà Nội thì bà Liên cũng phải vượt qua nhiều khó khăn mới tốt nghiệp trường Cán bộ Y tế Thái Bình.
Năm 1965, ông Cường tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, được điều động về công tác tại Sở Y tế Thanh Hóa. Tại đây, ông được phân công về bệnh xá huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. Một thời gian sau, ông được cấp trên cử đi học Ngoại khoa, Sản khoa và chấn thương.
Tháng 3/1966, ông Cường hoàn thành chứng chỉ Ngoại khoa nên được Sở Y tế Thanh Hóa điều động về công tác tại Bệnh viện Nga Sơn, Thanh Hóa. Trong năm này, bà Liên cũng được bố trí về Bệnh viện Nga Sơn công tác.
“Chúng tôi là hai người xa lạ, cùng xa quê, gặp nhau trong bệnh viện thời chiến gian khổ, chơi thân, rồi yêu nhau lúc nào không rõ”, bà Liên kể.
Tình yêu của ông bà không có những buổi hẹn hò nhưng cứ mỗi bữa cơm, hai người lại rời bàn muộn thêm một chút. Tình yêu lớn dần qua từng lời tâm sự, chia sớt nhau cọng rau, miếng thịt.
Bà Liên cười đầy tự hào: “Ngày trẻ, tôi không đến nỗi xấu. Thế nên, mặc kệ nhiều cô gái khác vây quanh, ông chỉ ưng mỗi tôi”. Khi tình yêu chín muồi, tháng 4/1967, ông bà thống nhất đến gặp lãnh đạo của bệnh viện xin cưới. Ngay lập tức, lãnh đạo của Bệnh viện Nga Sơn đồng ý và đứng ra tổ chức đám cưới cho cả hai.
Lúc đó, đám cưới của ông bà không thể đơn giản hơn: Hai cái màn đơn khâu chung thì ra màn đôi, hai chiếc giường đơn ghép lại thành một… Ông bà được phép mua thêm 2,5m vải Hòa Bình, may thành đôi áo sơ mi mặc trong ngày cưới. Đơn vị cấp cho thuốc lá Điện Biên, kẹo socola, nước trà đãi khách. Bà Liên mua thêm lạc, dừa về làm mứt.
Đám cưới không có cỗ bàn, không chụp ảnh, cũng chẳng dựng rạp, chỉ diễn ra ở hội trường của trường học cấp 2. Vậy mà, khách mời gồm: đồng nghiệp, bạn bè, người dân… nô nức đến dự, vừa đông vui lại ấm áp thân tình.
Thời trẻ, bà Liên rất xinh xắn, dịu dàng.
Cưới được vài tháng, bà Liên được điều đến làm việc tại trường Cán bộ Y tế, rồi về công tác ở Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa. Trong khi đó, ông Cường làm Đội trưởng đội Cấp cứu lưu động, mỗi ngày đều gắn với chiếc xe cứu thương. Nơi đâu có bom đạn, bộ đội, người dân bị thương… ông đều có mặt.
Nhiều lần trong lúc làm nhiệm vụ, cả đội cấp cứu bị máy bay Mỹ rượt đuổi, tìm kiếm để ném bom. Họ phải tắt đèn xe cấp cứu đi mò trong đêm. Thậm chí, những lúc nguy cấp, mọi người phải bỏ xe nhảy xuống hầm.
“Hình ảnh bộ đội, dân quân bị thương hoặc trẻ con mất cha mất mẹ gào thét trong đêm… khiến tôi nhớ mãi”, ông Cường chia sẻ.
Chồng thường xuyên làm nhiệm vụ xa nhà, một mình bà Liên vừa công tác ở bệnh viện vừa nuôi con nhỏ. Năm 1969, bà sinh con gái đầu lòng mà không có người thân bên cạnh giúp đỡ.
Con gái được 2,5 tháng tuổi, bà đành gửi con ở nhà trẻ bệnh viện để đi làm lại. Đến năm 1971, bà Liên sinh thêm một bé trai, cuộc sống chật vật nay càng thiếu thốn hơn. May mắn, bà được hàng xóm, bạn bè săn sóc, bảo bọc chứ chồng không gần được bao nhiêu.
Nhiều đêm, bà Liên nằm ôm con thao thức chờ chồng về. Lòng bà không yên, cứ phập phồng theo từng tiếng bom rơi.
Lúc chiến tranh leo thang toàn miền Bắc, máy bay B52 oanh tạc, bà chở hai con nhỏ, đem theo làn đựng nước, cháo… đi vùng khác tránh bom. Ngày hết tiếng bom, bà lại dắt díu các con về căn nhà tập thể nghèo nàn.
Ông Cường đi mãi, đến ngày về thì thấy vợ con nheo nhóc, vất vả. Được mọi người nhắc “vợ ông ở nhà gian nan lắm, vừa làm việc vừa nuôi hai con”, ông liền đưa các con về quê nội quê ngoại sơ tán. Ngày yên tiếng súng, ông bà lại đón các con về.
Vợ chồng sum họp chưa bao lâu, ông Cường lại nhận nhiệm vụ sang Campuchia công tác. Trước khi lên đường, ông khẩn khoản xin Bộ Y tế cho bà Liên chuyển công tác về Bệnh viện tỉnh Nghệ An. Ông Cường giải thích: “Tôi đi xa, nếu ở Thanh Hóa thì vợ tôi không có họ hàng thân thích giúp đỡ. Về Nghệ An, dẫu gì cũng có bên nội hỗ trợ phần nào”.
Chồng nhận lệnh lên đường ngay trong dịp tết Nguyên đán. Dù buồn tủi nhưng bà Liên vẫn động viên ông Cường cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Vợ chồng ông Cường chụp ảnh kỷ niệm cùng các con năm 1977.
Ở nhà, bà vừa làm việc ở bệnh viện vừa tranh thủ nuôi dạy các con. Bà nhớ lúc đó khổ không kể xiết, ăn cơm độn khoai, sống trong căn nhà tập thể xập xệ. Thấy hoàn cảnh của mẹ con bà Liên khổ sở, mấy chị em sống trong khu tập thể cũng vui vẻ giúp đỡ.
Ba năm chồng đi chiến trường Campuchia, bà Liên chưa một lần yên giấc. Bà luôn đau đáu một nỗi lo: “Nếu chồng bị làm sao thì mình biết nuôi dạy các con như thế nào?”.
Cách biệt 3 năm, niềm động viên, an ủi của vợ chồng bà Liên chỉ có những cánh thư tay một chiều Campuchia – Nghệ An. Những lúc buồn nhớ vợ con, ông Cường lại viết thư gửi về hỏi han. Thư gửi đi thì khoảng 3-4 tháng mới về đến Nghệ An. Đọc những dòng thư chồng động viên, nhắn nhủ vợ cố gắng nuôi con, bà Liên lại bồi hồi xúc động.
Bà mừng mừng tủi tủi khi đọc đến câu: “Anh ở đây vẫn bình yên, em và các con cứ an tâm. Lúc nào hoàn thành nhiệm vụ, anh sẽ về”. Bà Liên rất muốn viết vài dòng kể chuyện nhà cho chồng đỡ lo nhưng chẳng biết địa chỉ nơi nào để gửi đi. Ba năm đằng đẵng, thư tay một chiều làm chỗ dựa tinh thần để bà Liên một mình nuôi con dại.
Ông Cường xa nhà liên tục nhưng chưa bao giờ bà Liên hoài nghi lòng chung thủy của bạn đời. Bà hóm hỉnh chia sẻ: “Ông chung thủy lắm, quen lâu mới biết khô khan, mấy cô gái trẻ không thích đâu. Với lại, ông nghèo như thế thì ai mà dại va vào. Lần nào đi công tác về, ông cũng mua cho tôi ít vải may quần áo, phụ tùng xe đạp… Ông lo cho mình như vậy thì lấy đâu ra chuyện có người phụ nữ khác”.
Trở về từ chiến trường Campuchia, ông Cường được Bộ Y tế quyết định cấp vượt lương do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dù có cơ hội thăng tiến sự nghiệp nhưng ông xin về Bệnh viện tỉnh Nghệ An làm việc.
“Sau bao năm đi muôn nơi, ông ấy muốn về cống hiến cho quê hương, cùng vợ nuôi dạy các con ăn học”, bà Liên cho biết.
Ban đầu, ông làm việc ở đội xe cấp cứu lưu động, rồi giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Về phía bà Liên, để phát triển kinh tế gia đình, bà xin nghỉ hưu, tập tành buôn bán.
Mới đầu, bà bán quán nước vỉa hè, thuốc lá mẹt. Những hôm sân bóng thành phố có trận đấu, bà cùng các con đi bán thuốc lá và nước chè cho khán giả. Sau đó, bà xin chung vốn cùng người em gái bán vải ở chợ Vinh.
Thời điểm đó, vợ chồng bà có với nhau 4 người con, kiếm ra bao nhiêu thì tiêu hết bấy nhiêu. Làm lụng vất vả, cân nặng của bà Liên chỉ còn 35kg. Dù khó khăn dồn dập nhưng tình cảm vợ chồng, sự yêu thương con cái của ông bà không chút lay chuyển.
Ông bà tần tảo, tiết kiệm, tăng gia sản xuất, chắt chiu từng chút nuôi dạy 4 người con ăn học thành đạt, dựng vợ cả chồng cho các con. Hiện tại, tính cả dâu rể, ông bà có tất cả 8 người con, 9 người cháu.
Nối tiếp bố mẹ, các con của ông bà đều gặp gỡ vợ hoặc chồng ở nơi làm việc, có những cặp còn làm cùng ngành. Họ tự hào khi trở thành bản sao của bố mẹ.
Bà Liên khẳng định: “Nhà tôi không có tiền bạc cho con nhưng vợ chồng tôi cố gắng lo cho mỗi đứa một cần câu cơm ngon ngon. Bây giờ, đứa nào cũng có công ăn việc làm, kinh tế gia đình ổn định”.
Con cái có gia đình riêng rơi vào cảnh khó khăn, nghề nghiệp không ổn định, ông bà không ngại khổ đứng ra chăm lo. Thậm chí, ông bà nuôi cả con dâu, con ruột, cháu nội ăn học đến nơi đến chốn. Anh Phan Hồng Sơn, con trai của ông bà chia sẻ: “Bố mẹ tôi thường đi ngủ sớm và thức dậy cùng nhau. Khi tỉnh giấc, ông bà không vội rời khỏi giường mà nằm nói chuyện.
Ông bà bàn bạc đủ chuyện nhưng chủ yếu là việc nuôi dạy con cái, định hướng nghề, dựng vợ gả chồng, đối nội đối ngoại… Chuyện gì ông bà cũng trao đổi, lắng nghe ý kiến của đối phương. 55 năm sống chung, tôi thấy hai người rất tôn trọng lẫn nhau và tâm đầu ý hợp”.
Đến lúc này, bà Liên đã có thể cười lớn, khẳng định ngày trước vợ chồng bà khổ bao nhiêu thì bây giờ thanh nhàn bấy nhiêu. Cuộc sống về già của ông bà chỉ xoay quanh con cháu, xem ti vi, điện thoại, thỉnh thoảng đi du lịch cùng các con.
Ngoài ra, ông dành thời gian làm thơ. Trong khi đó, ở tuổi 80, bà Liên vẫn có sở thích nấu ăn, chăm sóc cháu nội cháu ngoại và làm vườn. Bà cuốc đất, chăm cây mà không thấy mệt. Vườn rau của bà tươi tốt quanh năm, đủ cho cả nhà ăn và mang biếu hàng xóm.
Tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới, các con tặng ông bà cặp nhẫn cưới.
“Bà nấu ăn, trông cháu rất mát tay. Chúng tôi bận công tác thì đã có bà ở nhà cơm nước, thuốc men, quà bánh cho các cháu”, anh Sơn chia sẻ.
Đợt nghỉ lễ 30/4/2022, con cháu tập trung về chơi và bàn tính chuyện tổ chức lễ kỷ niệm 55 ngày cưới thay cho lễ mừng thọ của ông bà. Và rồi, cả nhà quyết định chọn ngày 31/12/2022 làm lễ để con cháu về đông vui.
Bà Liên kể: “Tôi và ông nhà bảo các con đợi 60 năm ngày cưới rồi hãy làm. Thế nhưng, các con bảo chúng tôi già rồi cứ 5 năm làm một lần, bù đắp lại đám cưới thời chiến thiếu thốn. Nếu sống được đến 60 năm ngày cưới thì các con còn làm to hơn nữa”.
Các con của ông bà chọn ngôi nhà ở ngoại ô Hà Nội mà anh Sơn mới hoàn thành thi công làm nơi diễn ra buổi lễ. Cả ngôi nhà được trang trí chủ đạo bằng màu xanh ngọc lục bảo.
Con cháu cũng hối thúc ông bà chuẩn bị áo cưới. Bà háo hức đi may một chiếc áo dài xanh lục bảo, còn ông tỉ mỉ lên danh sách khách mời, viết trước lời phát biểu, lo phần quà tặng cho các con.
Ngày 31/12/2022, buổi lễ 55 năm ngày cưới của ông bà diễn ra trong không gian lãng mạn, phủ đầy màu xanh ngọc lục bảo. Cô dâu mặc áo dài, quàng khăn màu xanh lục bảo đứng cạnh chú rể thắt cà vạt đồng màu. Các con cháu của cô dâu chú rể dù trong trang phục nào cũng đều thắt cà vạt và quàng khăn màu xanh lục bảo.
Bốn người con của vợ chồng bà Liên chúc mừng bố mẹ trong lễ kỷ niệm 55 ngày cưới.
Các khách mời đều vui vẻ háo hức chụp ảnh, chúc mừng, hỏi han sức khỏe lẫn nhau. Dưới ánh nến lung linh, cô dâu 80 tuổi tay trong tay cùng chú rể tuổi 86, vui vầy bên con cháu và người thân. Họ cùng ôn lại chặng đường 55 năm chia ngọt sẻ bùi bằng buổi tiệc đầm ấm.
Bữa tiệc quá vui đến mức ông Cường quên cả việc tặng quà cho các con. Qua hôm sau, khi con gái nhắc chuyện bố hứa tặng quà, ông liền đưa ra 3 cuốn sổ hồng và 1 cuốn màu xanh. Tất cả cứ ngỡ được bố tặng đất đai, tiền bạc nên khá hồi hộp. Lúc mở quà, họ cười ầm lên khi thấy bên trong chỉ có thơ của bố.
“Bố lấy đâu ra tiền mua đất cho các con, chỉ có thơ thôi”, ông vừa nói vừa nhìn vợ trìu mến. Ông cũng tặng cho bà một quyển thơ màu vàng. Bà nâng niu quyển thơ như báu vật, tựa đầu vai chồng nở nụ cười viên mãn.
Nội dung: Ngọc Lài
Thiết kế: Thu Hằng
Ảnh: Nhân vật cung cấp