Đắk Nông – Hiệu quả của chương trình giải quyết việc làm tại huyện Đăk Glong

 

Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Trong 10 tháng năm 2021, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong đã hoàn thành tốt chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ được giao. Tổng dư nợ đạt trên 485 tỷ đồng, tăng hơn 66 tỷ đồng so với đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng 15.9%.


 


Từ nguồn vốn ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong, hàng nghìn hộ dân đã xây dựng được các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, để vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt kết quả phát triển rất ấn tượng.

Theo chân ông Nguyễn Văn Minh chủ tịch Hội nông dân xã Đắk RMăng, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi Chim trĩ và gà siêu trứng Ai Cập của chị Vi Thị Thanh ở Bon Rơ Sông, xã Đắk Rmăng, huyện Đắk Glong. Chị Vi Thị Thanh cho biết: Sau khi vào Đắk Nông lập nghiệp được một thời gian, nhưng cuộc sống không mấy khá giả. Vốn xuất thân trong một gia đình thuần nông, chị bắt đầu tìm tòi trên mạng xem các mô hình khởi nghiệp nông nghiệp, chị đặc biệt ấn tượng với mô nuôi Chim Trĩ và gà siêu trứng Ai Cập vì củng dể nuôi và dể tiêu thụ. Từ đó, chị Thanh đã nghiên cứu học hỏi và đi tham quan các mô hình nuôi chim trĩ và gà Ai Cập khắp các tỉnh trên cả nước. Ban đầu do vốn ít, nên chị chỉ nuôi khoảng 100 con chim trĩ và 100 con gà Ai Cập. Thấy mô hình phát huy hiệu quả, chị đã đề xuất vay 100 triệu đồng nguồn vốn cho vay Giải quyết việc làm của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong để mở rộng quy mô sản xuất.

Đến nay, mỗi tháng, gia đình chị xuất bán hơn 4.500 quả trứng chim Trĩ và 7.500 quả trứng gà Ai Cập. Với giá bán hiện nay là 3.500 đồng/quả trứng gà, 8.000 đồng/quả trứng chim Trĩ. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí chị Thanh lãi hơn 20 triệu đồng.

Để có được như ngày hôm nay, chị Vị Thị Thanh đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, Hội Nông dân xã Đắk RMăng. Đặc biệt, là nguồn vốn của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho chị mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất.

NHCSXH có chính sách ưu đãi cho vay đối với các đối tượng chính sách là rất hay, rất ý nghĩa, kịp thời đáp ứng được sự mong mỏi của người dân. Giúp họ có nguồn vốn để xây dựng các mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế, qua đó làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Đến hết tháng 10.2021, tổng dư nợ chương trình vốn vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Đăk Glong là 14,2 tỷ đồng, với 355 khách hàng đang còn dư nợ . Theo ông K’ Ngai, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đắk Glong cho biết: Chính phủ ban hành Nghị định 74 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng đối với người lao động; tối đa 2 tỉ đồng/dự án đối với cơ sở SXKD và không quá 100 triệu đồng/1 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng. Đơn vị đã chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể cấp xã tuyên truyền đến các tổ tiết kiệm và vay vốn để thông tin đến các đối tượng thụ hưởng chính sách. Phối hợp với địa phương rà soát nhu cầu vốn của người dân để đề xuất tỉnh bổ sung vốn.

Thông qua nguồn vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự mang lại hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, góp phần phát triển cơ sở SXKD vừa và nhỏ trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm hiện còn hạn chế, chưa đáp ứng được việc vay vốn của đại bộ phận người dân. Đơn vị đang tiếp tục tham mưu với tỉnh bổ sung nguồn vốn ủy thác của địa phương sang NHCSXH để triển khai thực hiện cho vay đối với bà con dân tộc trên địa bàn.

Thời gian tới, đơn vị sẽ bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện Đắk Glong để tiếp vốn vay ưu đãi cho người dân phát triển kinh tế, đồng thời tiếp tục tập trung nguồn vốn cho vay theo các chương trình; ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách vay vốn để phát triển sản xuất. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”.

 

PV/VHVN