Người lao động đến tham dự, phỏng vấn tại phiên giao dịch việc làm định kỳ hằng tuần ở Đà Nẵng – Ảnh: V.H.
Trong đó xác định trọng tâm trong việc đảm bảo an sinh xã hội là vấn đề đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.
Thực hiện hiệu quả chương trình “Có việc làm”
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP tiếp tục tăng cường mở rộng các phiên giao dịch việc làm định kỳ hằng tuần tại 3 địa điểm thuộc trung tâm, phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng tổ chức Ngày hội việc làm di động trong tháng 3-2023 thu hút gần 70 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tuyển dụng ngay tại ngày hội gần 500 vị trí việc làm.
Trong thời gian tới sẽ phối hợp với Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, huyện Hòa Vang, quận Sơn Trà… tổ chức các ngày hội việc làm để kết nối và giải quyết việc làm cho người lao động nhằm đạt mục tiêu của năm 2023 là giảm tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống dưới 3,2% và tỉ lệ lực lượng lao động qua đào tạo (có bằng cấp, chứng chỉ) đạt 53,7%.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện tốt các mục tiêu tạo việc làm cho người lao động, đáp ứng cho nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm phục hồi và phát triển kinh tế thành phố, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “Có việc làm” giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Nguyễn Đăng Hoàng – giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, sở tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy triển khai thực hiện chỉ thị số 20 năm 2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Trong đó thúc đẩy nhân rộng mô hình đưa lao động ở huyện Hòa Vang đi làm việc có thời vụ tại Hàn Quốc, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Đồng thời, sở cũng đã thực hiện kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động TP Đà Nẵng đến năm 2030, triển khai có hiệu quả chương trình “Có việc làm”, đạt mục tiêu giải quyết việc làm năm nay cho 35.000 lao động, xây dựng và triển khai phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập phục hồi nhanh kinh tế – xã hội.
Chú trọng việc đưa phần mềm kết nối giải quyết việc làm vào hoạt động, trên cơ sở này phân tích, đánh giá cơ sở dữ liệu cung cầu lao động, dự báo nguồn nhân lực cung ứng cho thị trường lao động trước mắt và lâu dài.
Nâng cao chất lượng sàn giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm, tiếp tục phối hợp tổ chức tốt 4 phiên giao dịch việc làm di động tại các quận, huyện, các trường CĐ, ĐH, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, lồng ghép các phiên giao dịch việc làm online với các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên vào cùng các phiên giao dịch việc làm định kỳ.
Công nhân làm việc ổn định tại nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô tại Khu công nghiệp Hòa Khánh – Ảnh: TẤN LỰC
Phát triển nhân lực 6 ngành mũi nhọn
Ông Nguyễn Đăng Hoàng đề cập một công tác quan trọng khác là tiếp tục triển khai việc nắm bắt thông tin về tình hình tuyển dụng, nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp (quy mô từ 100 lao động trở lên) để cung cấp cho người lao động.
Mặt khác, thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực cho khu vực tư tại một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực cho 6 ngành, lĩnh vực mũi nhọn: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp; Tài chính, ngân hàng.
Đồng thời ban hành và triển khai chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2030, chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025. Đẩy mạnh công tác đào tạo, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động.
Triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động thuộc diện chính sách xã hội và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an. Thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT.
Đồng thời phải giải quyết tốt các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng tiêu chí đào tạo lại để đưa lao động sớm trở lại thị trường lao động, bù đắp kịp thời số lao động dịch chuyển từ khu vực dịch vụ sang các khu vực khác trong thời gian dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác dạy nghề, chuyển đổi ngành nghề cho người lao động.
Triển khai thực hiện chính sách đào tạo nghề miễn phí cho lao động thuộc diện chính sách xã hội trên địa bàn TP, chú trọng đến các đối tượng thuộc gia đình chính sách, người có công với cách mạng, lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời giải tỏa, lao động bị mất việc làm…
Các đơn vị đào tạo ở TP Đà Nẵng tập trung đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin là ngành mũi nhọn – Ảnh: V.H.
Mục tiêu tỉ lệ lao động TP Đà Nẵng qua đào tạo đạt 75% năm 2025, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 61%; lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% năm 2025; phấn đấu hạ tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức dưới 3% năm 2025 và tiếp tục duy trì đến năm 2030 (bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 34.000 – 35.000 lao động); giảm tỉ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%…
Năm 2023, thành phố ủy thác cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân cho các dự án vay vốn giải quyết việc làm, đến nay đang quản lý, điều hành gần 2.950 tỉ đồng, 3 tháng đầu năm cho vay hơn 307 tỉ đồng với 4.595 dự án, giải quyết việc làm cho 4.636 lao động.