Thành phố sẽ đấu giá 25 khu đất lớn và 190 lô đất chia lô trong năm 2023 để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, phục hồi kinh tế.
Gặp mặt các doanh nghiệp chiều 17/2, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, cho biết việc triển khai các thủ tục đảm bảo pháp lý thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những giải pháp để khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư.
Trong năm nay, thành phố đã phê duyệt phương án và trong quý II quyết định đấu giá 6 khu đất lớn và 60 lô đất ở chia lô. Bên cạnh đó, 11 khu đất lớn và 65 lô đất ở chia lô sẽ đấu giá vào quý III; 8 khu đất lớn và 65 lô đất ở chia lô khác sẽ đấu giá trong quý IV.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Đông
Quan tâm đến vấn đề này, ông Nakaya Yoichi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (Khu Công nghiệp Hòa Khánh), mong muốn lãnh đạo thành phố xem xét quản lý thích hợp các khu đất chưa sử dụng trong các khu công nghiệp để có thể đảm bảo thu hút được đầu tư mới.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói nền kinh tế thành phố vẫn chưa phát huy được tiềm năng và nội lực sẵn có; tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều; thu hút đầu tư còn hạn chế và tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn khi thực hiện các kết luận liên quan đến đất đai.
“Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 là khơi thông và khai thác hiệu quả lợi thế và tiềm năng của thành phố, hướng đến các nguồn lực phát triển mới, từ đó, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”, ông Quảng nói.
Dự án khu đô thị lấn biển Đa phước đang “đóng bánh” vì liên quan đến vụ án của Vũ “nhôm”. Ảnh: Nguyễn Đông
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng thành phố nên chú trọng các hoạt động nhằm phát triển các doanh nghiệp hiện tại, thay vì quá tập trung vào các hoạt động thu hút kêu gọi đầu tư ở nhiều nước. “Chúng tôi mong muốn thành phố nắm bắt hơn nữa nhu cầu cụ thể của các doanh nghiệp”, ông Ông Nakaya Yoichi nói.
Ông Nakaya Yoichi cũng kiến nghị thành phố tiếp tục kêu gọi đầu tư các ngành công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, phần lớn nguyên liệu phục vụ sản xuất ở một số công ty đang phải nhập khẩu từ nước ngoài, khiến chi phí tăng cao và tiềm ẩn rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng; đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhắc lại sự kiện trận lũ “chưa từng thấy” tháng 10/2022, ông Nakaya Yoichi nói mưa lớn đã ảnh hưởng rất lớn đến hạ tầng, hư hại nhiều tài sản và là hồi chuông báo động về những dị thường của thời tiết trên thế giới. Do đó, thành phố cần có phương án ứng phó để tạo môi trường sống an toàn và đảm bảo sản xuất cho doanh nghiệp.
Một khu đất lớn trên đường Võ Nguyên Giáp hiện đang bỏ hoang. Ảnh: Nguyễn Đông
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch vùng miền Trung của Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời Sun Group mong muốn thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, đặc biệt là giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng sạch cũng như tạo thuận lợi cho quá trình triển khai dự án.
Năm 2022, kinh tế – xã hội Đà Nẵng phục hồi khá tích cực sau ba năm ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, với tăng trưởng GRDP đạt hơn 14%, xếp thứ ba cả nước; tổng thu ngân sách đạt hơn 120% kế hoạch, du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn đạt tổng lượt khách gần 3,7 triệu. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng 28,5% và đến nay thành phố có gần 37.000 doanh nghiệp với số vốn đạt hơn 240.000 tỷ đồng.
Năm 2023, Đà Nẵng sẽ đưa vào sử dụng Bản đồ số về các dự án kêu gọi đầu tư; giải quyết dứt điểm các vướng mắc, triển khai đầu tư một số dự án động lực, trọng điểm như Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, Trung tâm phần mềm và công nghệ cao Viettel Đà Nẵng.
Ngoài ra, theo ông Hồ Kỳ Minh, thành phố sẽ tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống cấp, thoát nước, xử lý chất thải, quan trắc, bảo vệ môi trường; xử lý chất thải rắn tại bãi rác Khánh Sơn; hoàn thành các thủ tục thực hiện đầu tư Nhà máy xử lý rác 1.000 tấn và Nhà máy xử lý rác 650 tấn.
Nguyễn Đông