Biên phòng – Từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, Trà Vinh tập trung các giải pháp thực hiện hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, địa phương này giúp hộ nghèo, cận nghèo tích lũy thêm kinh nghiệm cũng như kiến thức, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chị Danh Kim Ánh sử dụng máy dệt chiếu, góp phần tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho gia đình. Ảnh: Phương Nghi
Đa dạng hóa sinh kế giúp đồng bào Khmer thoát nghèo
Với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, các địa phương trong tỉnh Trà Vinh có đông đồng bào Khmer sinh sống đã cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tế của địa phương để mang lại chiếc “cần câu”, mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào Khmer.
Trà Cú là huyện nghèo vùng sâu của tỉnh Trà Vinh, có trên 62% đồng bào Khmer sinh sống. Thời gian qua, huyện Trà Cú rất tích cực đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ hộ nghèo cải thiện thu nhập. Nhiều mô hình giảm nghèo của huyện đã chứng minh tính hiệu quả, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Điển hình như mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng lúa – khoai môn sáp – ngô của Tổ hợp tác sản xuất ấp Giồng Lớn A (xã Đại An, huyện Trà Cú), mô hình trồng lúa – ớt của Tổ hợp tác sản xuất ấp Giồng Cao (xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú)… đã giúp nhiều hộ Khmer cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững. Cùng với việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Trà Cú còn hỗ trợ các làng nghề mở rộng sản xuất để tạo việc làm cho người dân. Huyện có 3 làng nghề sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc, tầm vông tại xã Hàm Giang; làng nghề đan đát tại xã Đại An và làng nghề dệt chiếu Cà Hom tại xã Hàm Tân. Các làng nghề này đã giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động nông thôn, với mức thu nhập bình quân từ 2,5-6 triệu đồng/người/tháng.
Làng nghề dệt chiếu Cà Hom được hình thành gần 60 năm, có khoảng thời gian dài, dệt chiếu là nghề “ăn nên làm ra” của nhiều hộ Khmer nơi đây. Đối với nhiều người, đây không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là nghề truyền thống của gia đình.
Chị Danh Kim Ánh, ấp Chợ, xã Hàm Tân chia sẻ: “Để khôi phục và phát triển làng nghề, chúng tôi được chính quyền hỗ trợ đầu tư vốn mua máy dệt chiếu, sản phẩm làm ra tăng gấp đôi so với làm thủ công, giá thành bán ra cũng cạnh tranh hơn. Từ đó, đáp ứng nhu cầu thị trường về số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho người dân. Mấy tháng nay, người tiêu dùng đặt hàng mua chiếu nhiều hơn trước. Cùng với đó, các tuyến đường giao thông dẫn vào các làng nghề được bê tông hóa, nhựa hóa; hệ thống điện, nước được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh”.
Tại ấp Sóc Chùa, xã Thuận Hòa (huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh), gia đình ông Kiên Si Phol nhiều năm liền thuộc hộ nghèo, hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn. Không có nghề nghiệp ổn định, vợ chồng ông phải làm thuê. Trong lúc loay hoay tìm kế sinh nhai, năm 2018, vợ chồng ông được Tổ tiết kiệm và vay vốn của ấp hướng dẫn làm hồ sơ vay 40 triệu đồng từ chương trình cho hộ nghèo vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có vốn, gia đình ông đầu tư nuôi bò kết hợp trồng các loại hoa màu, mỗi năm thu nhập trên 60 triệu đồng.
Ông Kiên Si Phol chia sẻ: “Sau khi gia đình tích góp được ít tiền, năm 2022, tôi vay thêm 25 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ nhà ở xây dựng ngôi nhà rộng 100m2. Lúc trước khó khăn, áp lực rất lớn về kinh tế, giờ đây có nguồn thu ổn định, vợ chồng yên tâm đi làm. Từ đó, gia đình có thu nhập ổn định và đã thoát nghèo”.
Nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước không chỉ giúp người dân chí thú làm ăn, thực hành tiết kiệm, mà còn thay đổi cả tập quán, thói quen canh tác lạc hậu trước đây khi bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo
Tổng nhu cầu vốn để Trà Vinh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 là trên 278,3 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 214,1 tỷ đồng, vốn địa phương đối ứng gần 32,3 tỷ đồng, số tiền còn lại được huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Kiên Si Phol đã đầu tư chăn nuôi bò mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phương Nghi
Theo đó, tỉnh thực hiện các dự án, gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình…
Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh cho biết: “Năm 2022, với gần 24 tỷ đồng được phân bổ để thực hiện chương trình, Trà Vinh lồng ghép nhiều chương trình, dự án, các chính sách khác để hỗ trợ người nghèo cải thiện sinh kế, nâng cao mức sống như: Giải ngân các gói vay ưu đãi cho các hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; giải ngân thực hiện các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường; hỗ trợ vốn giải quyết việc làm cho hộ nghèo; sử dụng Quỹ an sinh xã hội hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo… Nhờ vậy, kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỉnh hiện còn 10.207 hộ nghèo (chiếm 3,56%); trong đó, có 6.483 hộ nghèo dân tộc Khmer (chiếm 7,19% so với số hộ dân tộc Khmer)”.
Có thể nói, trong thời gian qua, những chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Trà Vinh đã phát huy hiệu quả, nhiều hộ đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện thoát nghèo. Cuộc sống của đồng bào dân tộc hôm nay được đổi thay từng ngày, đã minh chứng cho việc triển khai thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Phương Nghi