Thời điểm này, nông dân tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An đang vào mùa thu hoạch vụ lúa xuân hè. Thời tiết khá thuận lợi cho việc thu hoạch, phơi phóng của bà con.
Sau khi thu hoạch bằng máy, một lượng lớn rơm rạ được nông dân để lại trên ruộng. Trời nắng nóng cộng gió phơn tây nam thổi mạnh nên chỉ trong vòng một ngày, rơm đã khô. Thời điểm này, các máy thu gom cũng xuất hiện để tận dụng nguồn rơm rạ.
Anh Phạm Văn Hoan (46 tuổi, quê Ninh Bình) mang theo 3 máy gom rơm và 9 lao động vào Nghệ An để gom rơm. Nhóm lao động của anh Hoan rong ruổi từ những cánh đồng huyện này qua đồng huyện khác để tận dụng nguồn phụ phẩm này.
“Rơm người dân vứt ngoài đồng, phần lớn họ cho mình gom, có nhà thì bán. Số lượng rơm thu được nhiều hay ít phụ thuộc vào việc máy gặt trước đó gặt sâu hay nông. Trung bình mỗi sào trung bộ (500m2) thu được khoảng 10-12 cuộn rơm, mỗi cuộn nặng 16-19kg”, anh Hoan cho hay.
Kiếm mỗi ngày cả triệu đồng nhờ việc gom rơm (Video: Hoàng Lam).
Anh Hoàng Văn Anh (38 tuổi, trú xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) làm nghề thu gom rơm 10 năm nay. Mùa này, anh Anh sử dụng 4 máy gom rơm và 22 lao động cùng 2 ô tô vận tải để phục vụ cho việc gom rơm trên ruộng, vận chuyển lên xe và chở về kho bãi.
Theo anh Hoàng Văn Anh, trước đây rơm được thu gom bằng tay, năng suất không cao. Người đàn ông này sau đó đầu tư mua máy gom rơm, trị giá mỗi máy hơn 350 triệu đồng để tăng năng suất, sản lượng. Với hệ thống gom, đóng gói tự động, tốc độ, năng suất và sản lượng rơm gom được tăng vượt trội. Mỗi máy gom sẽ có 3 lao động, bao gồm một lái máy và 2 thợ phụ thay nhau chất những bó rơm đã gom, đóng gói cẩn thận.
Rơm được gom và đóng thành từng cuộn, trọng lượng 16-22kg. Thời tiết thuận lợi, sau thu hoạch 1-2 ngày là rơm đủ khô để gom. Trường hợp rơm chưa khô hoàn toàn, khi đưa về kho bãi phải tiếp tục sấy để đảm bảo độ khô, độ ẩm theo yêu cầu trước khi đóng thành khối để xuất đi.
Thu nhập của thợ gom rơm tùy vào vị trí làm việc, trong đó được chia làm 2 mức chính: Thợ lái máy và thợ phụ. Theo anh Anh, thợ lái máy được trả công 800.000 đồng/ngày. Nếu làm việc vào ban đêm, tiền công sẽ được tính theo giờ, từ 90.000 đến 100.000 đồng/giờ làm việc. Trong khi đó, tiền công của thợ phụ (phụ gom rơm trên máy và bốc vác) trả 500.000 đồng/ngày, làm việc ban đêm được tính riêng, mức 50.000 đồng/giờ.
“Tính ra, thợ lái máy có thể đạt tới thu nhập 1,2 -1,5 triệu đồng/ngày, thợ phụ khoảng 700.000 đến một triệu đồng/ngày”, anh Anh cho hay.
Anh Phạm Văn Hoan gọi công việc này là “cướp nắng”, bởi trời nắng thuận lợi cho việc thu gom rơm, sợi rơm đủ khô, màu sắc đẹp, không bị ẩm mốc trong quá trình dự trữ cũng như tốn nhiên liệu, kinh phí cho việc sấy khô.
“Rơm không thể gom vào sáng sớm, khi vẫn còn sương. Công việc của chúng tôi thường bắt đầu từ sau 8h, khi nắng bắt đầu gay gắt, rơm đủ khô và kéo dài cho đến đêm. Hôm nào mưa thì nghỉ”, anh Hoan nói.
Làm việc dưới nắng gắt, vận chuyển từng bó rơm nặng là công việc khá mất sức đối với những lao động này. Tuy nhiên, mức thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/ngày là động lực khiến họ quên đi mệt nhọc.
“Vụ mùa này thường không kéo dài do người dân phải bắt tay vào làm đất cho vụ hè thu. Thường mỗi cánh đồng chúng tôi chỉ gom rơm trong khoảng 3-4 ngày là di chuyển đến đồng khác. Các địa phương thu hoạch đồng loạt, “trùng đồng” nên nếu không tranh thủ thì lượng rơm thu được không nhiều”, anh Nguyễn Văn Nghĩa (25 tuổi, quê Ninh Bình) thông tin.
Rơm sau khi tập kết sẽ được vận chuyển lên ô tô đưa về kho bãi trước khi nhập cho các thị trường tiêu thụ. Để kịp mùa vụ, “cướp nắng” và canh máy, cả tổ dựng bạt ăn, ở ngoài đồng.
“Rơm sau khi phơi sấy, đóng thành từng khối sẽ xuất đi các trang trại chăn nuôi trong tỉnh Nghệ An hoặc vận chuyển ra một số tỉnh phía Bắc như: Hải Dương, Mộc Châu (Sơn La)… Thị trường thức ăn chăn nuôi rộng, nhu cầu lớn nên gom bao nhiêu xuất đi bấy nhiêu, không sợ ế”, anh Anh cho hay.
Vụ xuân hè thời gian thu gom ngắn nên trung bình mỗi máy gom rơm thu khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí nhân công, xăng, ăn uống… Vào vụ hè thu, thời gian thu hoạch dài hơn, do đó thu nhập từ công việc gom rơm cũng cao hơn. Kết thúc vụ thu hoạch ở Nghệ An, các tổ máy sẽ di chuyển sang các tỉnh khác để gom rơm.
Việc thu gom rơm, theo anh Hoàng Văn Anh là tận dụng phụ phẩm của nghề trồng lúa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và bảo vệ đất, bảo vệ môi trường.
“Người dân duy trì thói quen đốt rơm rạ không chỉ lãng phí nguồn thu mà còn gây ô nhiễm môi trường và thoái hóa đất canh tác”, anh Anh cho hay.