Cuộc sống mới của những đứa trẻ đến từ rừng sâu


Đại úy Nguyễn Văn Chinh trong một lần đến thăm 2 chị em Nấp và Nứt tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Vao. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Mái ấm đồn Biên phòng

Với giọng nhỏ nhẹ nhưng mạch lạc, Hồ Thị Nứt (dân tộc Pa Cô, trú tại thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) kể về câu chuyện của mình. Nhà em ở tít trên núi cao, thuộc khu vực cột mốc 625 và 626, nơi mà nếu trời nắng đẹp, người khỏe cũng phải mất gần 4 giờ đi bộ. Nơi này gần như bị cô lập, không điện sinh hoạt, không sóng điện thoại và chỉ có mấy nóc nhà. Năm 2016, chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng A Vao vận động người dân di dời về gần đồn sống tập trung, tuy nhiên, bố em là ông Hồ Văn Xúc quyết định ở lại thờ cúng, trông coi mồ mả tổ tiên. Vì ở xa trung tâm và gần như không tiếp cận với bên ngoài nên 8 chị em Nứt không biết tiếng phổ thông, không được đi học.

Sau nhiều lần thuyết thục, tháng 10/2018, ông Hồ Văn Xúc đã đồng ý với những người lính Biên phòng đưa 8 chị em Nứt về đồn để đi học. Khi mới về đồn, các em vô cùng bỡ ngỡ.

Đại úy Nguyễn Tấn Khiêm, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng A Vao, người được giao trực tiếp phụ trách việc chăm sóc 8 chị em Nứt chia sẻ: “Khi đưa các cháu về, đơn vị mượn lại điểm trường cũ ở xóm Kỳ Nơi, thôn Pa Ling để các cháu ăn ở, đảm bảo sinh hoạt, học tập. Đơn vị trang bị bàn ghế, giường, chiếu, chăn màn và các dụng cụ học tập, sinh hoạt hằng ngày đảm bảo cho các cháu. Trong giai đoạn đầu, nhận thấy các cháu còn nhiều bỡ ngỡ trong sinh hoạt, lại là người dân tộc thiểu số nên đơn vị đã cắt cử, phân công cán bộ là người Pa Cô trực tiếp quản lý, chăm sóc cho các cháu. Đây là giai đoạn khó khăn nhất vì các cháu chưa biết tiếng phổ thông, không biết đọc, biết viết, lại có lối sống như “người rừng”, luôn đi chân đất, không biết dùng đũa, chỉ ăn bốc, ngủ dưới gầm giường”.

Để các cháu quen với cuộc sống mới, cán bộ phụ trách đã hướng dẫn, chỉ bảo từng li từng tí, từ những việc nhỏ nhặt nhất. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cùng chung tay kiên trì chỉ bảo, hướng dẫn cho các cháu đánh răng, rửa mặt, quét nhà, sắp xếp đồ đạc gọn gàng…

Và 8 chị em Nứt đã được làm giấy khai sinh, sổ hộ khẩu để đảm bảo thủ tục nhập học cũng như các quyền lợi liên quan khi đi học. Đồn Biên phòng A Vao chủ động phối hợp với nhà trường, các thầy cô giáo để nắm bắt, theo dõi quá trình học tập của các cháu, tham gia các buổi họp phụ huynh do nhà trường tổ chức. Buổi tối, Đại úy Nguyễn Tấn Khiêm trực tiếp hướng dẫn các cháu học bài. Thực tế, không riêng gì anh, mà cán bộ nào có thời gian đều tham gia hỗ trợ dạy học, quan tâm giúp đỡ các cháu về mọi mặt. Lứa tuổi của các cháu cũng bằng tuổi con, tuổi cháu của nhiều anh em trong đơn vị, chính vì vậy, mọi người đều hiểu và càng yêu thương các chị em Nứt hơn.

Vào những ngày lễ, Tết, các chị em Nứt đều được tham gia các hoạt động, sinh hoạt chung cùng đơn vị và nhân dân trong địa bàn, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Tết Trung thu ai cũng có quà, được tổ chức sinh nhật. Mấy chị em đều hiểu rằng, các “bố nuôi” Biên phòng luôn cố gắng tạo không khí thật đầm ấm để các cháu cảm nhận được tình cảm gần gũi, thân mật, coi đồn Biên phòng là “gia đình thứ hai” của mình.

Những bước ngoặt mới

Nhờ các bố nuôi Biên phòng và các thầy cô giáo, từ những đứa trẻ rụt rè, ngại giao tiếp đám đông, có lối sống bản năng, dần dần chị em Nứt đã hòa nhập với cuộc sống cộng đồng. Mọi người bắt đầu thấy “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, những con chữ, con số không còn làm khó được Nứt. Khai giảng năm học mới 2022-2023, để thuận tiện cho việc học tập, chỉ huy Đồn Biên phòng A Vao quyết định để Nứt và Nấp theo học tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Vao. Nếu như trước đây, 2 chị em Nứt, Nấp khóc vì nhớ nhà thì giờ lại khóc nhớ đồn, nhớ các bố nuôi Biên phòng. Biết trường hợp “đặc biệt” của Nứt và Nấp nên Ban Giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo luôn quan tâm, động viên và tạo điều kiện tốt nhất để 2 em được sinh hoạt, học tập.


Hồ Thị Nứt thuyết trình trong “Tiết học biên giới”. Ảnh: Nguyễn Hòa Bình

Trong 8 chị em, Hồ Thị Nứt học tiếng phổ thông tốt hơn và mạnh dạn giao tiếp, kết bạn. Em cũng dành sự quan tâm đến việc làm của các bố nuôi Biên phòng. Em thường đặt các câu hỏi với các bố nuôi và từ đó, nhen nhóm trong lòng niềm tự hào khi được là người con của những người lính có nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng là xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Qua vài lần tìm hiểu, Nứt rất hứng thú với “Tiết học biên giới” do các bố nuôi tổ chức vì nó truyền tải cho học sinh trong nhà trường hiểu rõ hơn về lực lượng BĐBP, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Có lần, Thiếu tá Trần Thái Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Vao thấy Nứt đứng ngoài cửa sổ nhìn Đại úy Nguyễn Văn Chinh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Vao chạy thử Chương trình “Tiết học biên giới”, một ý tưởng chợt lóe lên trong đầu. Anh trao đổi với Đại úy Nguyễn Văn Chinh về việc “thử cho Nứt đứng lớp”. Nhận thấy niềm đam mê và khả năng của Nứt, Đại úy Nguyễn Văn Chinh rất tán thành. Anh nhanh chóng phối hợp với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở A Vao xây dựng kế hoạch tổ chức Chương trình “Tiết học biên giới” theo mô típ mới. Đại úy Nguyễn Văn Chinh chia sẻ: “Bình thường, tiết học do cán bộ Biên phòng đứng lớp, tổ chức cho học sinh đến cột mốc, vào đồn Biên phòng tham quan, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ. Từ ý tưởng của Thiếu tá Trần Văn Sơn, chúng tôi muốn “nâng tầm” về giá trị, hiệu quả của tiết học”.

Ngày 6/1 vừa qua là ngày vô cùng đặc biệt đối với Hồ Thị Nứt khi em là người trực tiếp thuyết trình trong “Tiết học biên giới” trước sự có mặt của chỉ huy Đồn Biên phòng A Vao, thầy cô giáo và hơn 70 học sinh khối trung học cơ sở. Với phong thái vô cùng tự tin, Hồ Thị Nứt đã trực tiếp lên lớp và truyền tải về nhiệm vụ của BĐBP trên biên giới xã A Vao; giới thiệu về cột mốc, các thôn trên địa bàn xã có chung đường biên giới với nước Lào; trách nhiệm của học sinh trong học tập và tham gia bảo vệ biên giới. Điều đặc biệt là trong quá trình thuyết trình, Nứt đã sáng tạo chuyển sang ngôn ngữ Pa Cô để “giải thích” với các bạn về một số khái niệm.

Tiết học kết thúc, ai cũng ngạc nhiên trước việc làm của Nứt. Đến ngay cả chính những người lính Biên phòng, người đã đồng hành, gắn bó với cô gái nhỏ suốt 4 năm qua cũng vô cùng bất ngờ. Thiếu tá Trần Văn Sơn nói với Nứt: “Bất ngờ với con quá. Nhờ có con mà “Tiết học biên giới” đến với các bạn dễ dàng hơn. Con khiến mọi người rất tự hào”.

Nhận được sự khen ngợi của các bạn, thầy cô, đặc biệt là những người cha nuôi Biên phòng, Hồ Thị Nứt rất vui và tự hứa, mình sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Trúc Hà