Đủ kiểu quảng cáo, lôi kéo khách hàng
Sau gần 2 tháng triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại di động (ĐTDĐ), Cục Viễn thông, Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) cho biết đến ngày 5.5 còn hơn 1 triệu thuê bao đang bị khóa 2 chiều. Nếu đến ngày 15.5 các thuê bao này không chuẩn hóa thông tin sẽ bị thu hồi theo quy định. Việc chuẩn hóa thông tin thuê bao khách hàng được xem là một động thái của cơ quan quản lý để ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Thế nhưng trên thực tế tình trạng này vẫn diễn ra liên tục, “dội bom” người dùng. Thậm chí có nhiều khách hàng cho biết có ngày phải nhận tới cả chục cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo khác nhau.
Cuộc gọi rác, lừa đảo vẫn diễn ra khắp nơi
Chị Ngọc An (Q.7, TP.HCM) cho hay hầu như từ thứ hai đến chủ nhật ngày nào chị cũng nhận được ít nhất 2 cuộc gọi quảng cáo, ngày nhiều thì 5-6 cuộc gọi. Đa số những cuộc gọi này tự xưng là nhân viên các công ty chứng khoán trong nước mời chị tham gia mở tài khoản, giao dịch. Xen kẽ trong đó là một số cuộc gọi chào mời đầu tư chứng khoán quốc tế… “Cứ nghe điện thoại từ số lạ là hầu hết cuộc gọi quảng cáo, cuộc gọi rác. Riết rồi quá ngán không muốn nghe luôn. Lúc này nhiều nhất là cuộc gọi mời chào tự xưng từ các công ty chứng khoán. Có hôm tối thứ bảy đang ăn cơm mà cũng có cuộc gọi xưng là nhân viên chứng khoán. Tôi bực quá hét vô điện thoại sao lại có công ty chứng khoán nào làm việc tối thứ bảy mà gọi. Có thể bất động sản đang quá trầm lắng và nhiều người biết nên không nghe chào mời mua đất nền, căn hộ như trước nữa, do đó các cuộc gọi đổ qua chứng khoán”, chị Ngọc An chia sẻ.
Trong khi đó, chị Ngọc Huyền (Q.10, TP.HCM) cũng bức xúc cho hay không có ngày nào chị thoát khỏi những cuộc gọi rác hay tin nhắn rác. Nào là quảng cáo đầu tư chứng khoán lãi cao, nào là mời tham gia các diễn đàn tư vấn tài chính. Gần đây thì có một số cuộc gọi từ các trung tâm Anh ngữ giới thiệu khóa học hè cho con sắp đến. Ngoài ra cũng có những tin nhắn và cuộc gọi chào mời việc làm lương cao, dễ dàng; công ty tuyển nhân viên làm việc tại nhà… Nếu tính cả những tin nhắn quảng cáo được đăng ký có chữ “QC” đầu tin nhắn của các công ty, ngân hàng thì mỗi ngày chị nhận không dưới chục tin nhắn lẫn cuộc gọi rác. “Tưởng đợt siết thông tin SIM chính chủ vừa rồi sẽ giúp giảm bớt những cuộc gọi, tin nhắn này nhưng ai ngờ vẫn y như cũ”, chị Ngọc Huyền than.
Chiêu trò lừa đảo khắp nơi
Hôm qua, anh V.T (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đưa một đoạn nội dung mô tả những cuộc gọi đến cho anh trong những ngày gần đây và đã thu hút cả trăm bình luận với các chia sẻ tương tự. Ví dụ các cuộc gọi có nội dung kiểu “Anh ơi, em ở bên Z…- công ty giải trí mời anh nghe nhạc để nhận hoa hồng…”, “Alo, anh có biên lai phạt…”, “Alo bên TikTok đang tuyển nhân viên làm việc tại nhà, thu nhập từ 330.000 đến gần 1 triệu
đồng/ngày, anh có nhu cầu tham gia vào zalo…”. Vì biết là lừa đảo nên anh cũng hay bông đùa đáp trả lại những cuộc gọi này, và lập tức người gọi cúp điện thoại ngay. Hay như anh M.V (Q.Thủ Đức) dù đã cập nhập thông tin thuê bao điện thoại chính chủ từ lâu nhưng vẫn liên tục nhận được những cuộc gọi thông báo số điện thoại của anh sau 2 giờ nữa sẽ bị cắt vì chưa cập nhật thuê bao.
Chị Mai Trâm (Q.1, TP.HCM) cũng vừa ngán ngẩm chia sẻ trên trang cá nhân rằng “thời buổi gì mà lừa đảo mọc còn hơn nấm sau mưa”. Chị kể vừa chốt đơn mua hàng trực tuyến xong, có 5 người tự nhận là người của cửa hàng bảo chuyển khoản vào các số tài khoản khác nhau, thì mới giao hàng. Có hôm chị vừa đặt phòng khách sạn thì thấy trên Facebook hiện lên cũng tên khách sạn này với giá rẻ hơn. Thử liên hệ số điện thoại thì có nhân viên nghe mời chị lên văn phòng ký hợp đồng với giá rẻ hơn 50%. Thấy nghi ngờ nên chị nhờ đại lý gọi trực tiếp trưởng phòng marketing của khách sạn thì hóa ra đó là trang web giả mạo. Nghe nói cũng có rất nhiều người đã bị lừa. “Đủ kiểu lừa đảo, dù có tỉnh táo lanh lẹ nhưng chỉ cần một chút sơ suất là dính ngay quả lừa”, chị Mai Trâm nói. Còn chị H.Q (Q.3, TP.HCM) dạo này ít nhận điện thoại lừa đảo so với đầu năm, nhưng lại nhận được hàng loạt mail tiếng Anh dài nửa trang A4 như nhiều năm về trước. Nội dung mail xoay quanh từ việc đang kinh doanh, muốn chuyển tiền, nhờ chuyển qua tài khoản chị hay muốn làm quen…
Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cũng cảnh báo thời gian gần đây tại VN bùng nổ các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến deepfake. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè, thực hiện các cuộc gọi lừa đảo. Phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính.
Lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT) cho biết ngoài chiến dịch chuẩn hóa thông tin thuê bao, Bộ sẽ phối hợp với cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp. Đó là phối hợp Bộ Công an xử lý các cuộc gọi lừa đảo, điều tra, xử lý trạm phát sóng di động (BTS) giả; trong tháng 5 và tháng 6, Bộ TT-TT sẽ tổ chức thanh tra diện rộng về quản lý thuê bao di động với sự tham gia của sở TT-TT các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm. Sau đó, Bộ TT-TT sẽ xử lý các chủ thuê bao sở hữu nhiều SIM; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về cuộc gọi rác, không dễ dãi cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng để chống cuộc gọi rác…
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia VN, nhận định việc chuẩn hóa thông tin thuê bao khách hàng ĐTDĐ chỉ là đảm bảo người dùng có thông tin rõ ràng, phù hợp theo cơ sở dữ liệu về dân cư. Trong khi đó, VN không hạn chế về số lượng đăng ký SIM điện thoại nên một người dân có thể vẫn đăng ký rất nhiều SIM khác nhau. Sau đó họ có thể cho, tặng hay bán cho người khác sử dụng. Thậm chí có trường hợp một SIM điện thoại được trao qua tay rất nhiều người và chính chủ cũng không biết ai đang sử dụng SIM mình đứng tên và sử dụng vào mục đích gì.
Ngay cả các nhà mạng hoặc quy định hiện tại cũng không thể kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện thoại của khách hàng. Vì vậy để hạn chế được trình trạng cuộc gọi rác hay lừa đảo thì phải có giải pháp tổng thể. Đó là phải có thêm quy định cụ thể về việc trong trường hợp phát hiện điện thoại lừa đảo thì chính chủ cũng phải chịu trách nhiệm để hạn chế tình trạng đăng ký dùm, bán SIM cho người khác. Đồng thời liên quan đến các vụ lừa đảo thì cơ quan điều tra khi nhận được thông tin tố cáo của người dân cần liên hệ với ngân hàng để điều tra người nhận tiền ngay, bởi hiện nay hầu hết nạn nhân sẽ chuyển tiền vào một tài khoản cá nhân được kẻ lừa đảo chỉ định và sau đó mới rút ra hoặc chuyển sang tài khoản khác.
“Mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó có quy định rõ nếu các bên thu thập thông tin cung cấp cho bên thứ 3 thì sẽ bị xử phạt. Tôi nghĩ rằng cơ sở pháp lý cũng khá đầy đủ. Quan trọng là cần có thanh – kiểm tra và xử phạt nghiêm minh thì mới hạn chế được vấn nạn nói trên”, ông Vũ Ngọc Sơn cho hay.