Theo quan niệm của người Việt, Rằm tháng Giêng hay còn gọi tết Nguyên Tiêu là một ngày lễ quan trọng trong năm. Việc làm lễ cúng vào ngày này rất được coi trọng.
“Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” là câu nói được ông cha truyền lại để thể hiện sự quan trọng của ngày lễ này trong năm.
Rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên trong năm mới. Đây được cho là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm. Theo quan niệm, vào thời điểm trăng mọc, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn sẽ mang lại bình an, may mắn cho cả năm.
Ảnh: Vũ Thanh Hoan
Cúng Rằm tháng Giêng vào ngày nào?
Rằm tháng Giêng năm nay trùng ngày cuối tuần Chủ nhật (tức ngày 5/2 dương lịch). Theo truyền thống, việc cúng Rằm vào chính ngày là tốt nhất.
Theo nhà khoa học Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam), Rằm tháng Giêng năm nay ngoài việc cúng chính Rằm, các gia đình có thể lựa chọn cúng vào ngày thứ Bảy (14/1 âm lịch). Ngày này là ngày Lập Xuân cũng là ngày hoàng đạo.
Chuyên gia lưu ý không nên thực hiện nghi lễ cúng vào ngày 13/1 âm lịch. Vì đây được cho là ngày xấu, không hợp với việc cúng bái.
Giờ đẹp để cúng Rằm tháng Giêng năm Quý Mão 2023
Ngày 14/1 âm lịch, khung giờ tốt gồm: Bính Thìn (7h-9h), Mậu Ngọ (11h-13h), Kỷ Mùi (13h-15h), Nhâm Tuất (19h-21h).
Ngày 15/1 âm lịch, khung giờ tốt gồm: Đinh Mão (5h-7h), Canh Ngọ (11h-13h), Nhâm Thân (15h-17h), Quý Dậu (17h-19h).
Vào ngày này, mỗi gia đình đều chuẩn bị mâm lễ cúng đầy đủ các món theo phong tục. Gia chủ ăn mặc chỉnh tề, đứng trước gia tiên bày tỏ tấm lòng thành, mong một năm sung túc, sum vầy.
>>>Xem thêm: Bài cúng Rằm tháng Giêng theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam<<<