Cửa tiệm của những nụ cười hạnh phúc

Biên phòng – Trong “Cửa tiệm hạnh phúc” ấy, những chị em không may khiếm khuyết một phần thân thể quây quần bên nhau, tự tay làm ra những sản phẩm tái chế để tạo thu nhập, trang trải cuộc sống và tìm cơ hội hòa nhập cộng đồng. “Cửa tiệm hạnh phúc” được duy trì với phương châm “cơ thể có thể bị khiếm khuyết nhưng nụ cười luôn tròn đầy”!


Nụ cười hạnh phúc của những phụ nữ khuyết tật trong “Cửa tiệm hạnh phúc”. Ảnh: Trúc Hà

Trao cơ hội cho người khuyết tật

Một ngày tháng Ba, chị Thái Thị Kim Cúc (43 tuổi, ở phường Cẩm Nam, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) đến “Cửa tiệm hạnh phúc” giao sản phẩm đã hoàn thiện và nhận nguyên liệu đưa về nhà để tiếp tục công việc tái chế, tạo ra sản phẩm. Chị Cúc bảo: “Làm việc tại đây, tôi không chỉ có thêm thu nhập mà còn được gặp gỡ, giao lưu với các chị em đồng cảnh ngộ. Tôi thấy yêu đời hơn, vui vẻ hơn trước”.

Hai vợ chồng chị Cúc đều là người khuyết tật, hai cô con gái của chị cũng bị chứng bại não không kiểm soát được hành vi. Để gồng gánh gia đình với vợ chồng chị chưa bao giờ là điều dễ dàng. Hôm nghe cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Cẩm Nam thông báo, chị liền đăng ký trở thành thành viên của “Cửa tiệm hạnh phúc”. Ban đầu, chị nghĩ mình tham gia để tìm kiếm cơ hội có thêm chút thu nhập cải thiện cuộc sống.

Thế nhưng, qua một thời gian, chị thấy mình “nhận” được nhiều hơn thế. Không chỉ cuộc sống cải thiện hơn trước nhờ thu nhập đều đặn từ công việc mà chị còn có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ để thấy rằng còn rất nhiều mảnh đời khó khăn hơn mình. Mọi người luôn yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Vì thương hoàn cảnh của chị, cửa tiệm dành cho chị nhiều đơn hàng hơn, có những lần chị phải nhận mang về nhà để vừa trông con, vừa làm việc. Tuy vất vả nhưng những đơn hàng hằng ngày đã giúp gia đình chị có bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng hơn.

Còn với chị Nguyễn Thị Ngọc (phường Cẩm Châu, thành phố Hội An), một thành viên khác của “Cửa tiệm hạnh phúc” chia sẻ: “Từ ngày tham gia mô hình, tôi được nhiều chị em cùng hoàn cảnh động viên nhau vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập với xã hội. Tạo được thu nhập để trang trải cuộc sống, tôi cảm thấy tự tin hơn ở bản thân mình. Trước đây, tôi sống khá khép kín, hay e ngại, nay kiếm được tiền từ chính sức lao động của mình một cách chân chính, tôi cảm thấy rất vui. Càng vui hơn khi biết mình đã góp phần rất nhỏ giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường”. Những lời chia sẻ ngắn gọn nhưng hàm chứa cả sự biết ơn mà ai cũng có thể thấy rõ trong từng lời nói, khuôn mặt biểu hiện cảm xúc của chị Ngọc. Có thể thấy, những giá trị mà “Cửa tiệm hạnh phúc” mang lại cho các thành viên hơn cả những vật chất thường ngày.

Đỗ Thị Ngọc Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Cẩm Nam cho biết, mô hình “Cửa tiệm hạnh phúc” được thành lập tháng 8/2022. Đến nay, có 10 thành viên, đều là phụ nữ khuyết tật, yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình được quản lý bởi Câu lạc bộ Vì môi trường Hội An S.E.A Club và Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Cẩm Nam. Mục tiêu chính của mô hình “Cửa tiệm hạnh phúc” là hướng đến việc tái chế nguồn tài nguyên rác thải nhựa và vải thừa, biến chúng trở thành những sản phẩm có tính ứng dụng và thẩm mỹ cao. Từ việc tạo ra các sản phẩm tái chế có thể góp phần giảm thiểu một phần nhỏ lượng rác thải ra môi trường. Song song với đó, việc làm tái chế còn giúp mang lại nguồn thu nhập cho các thành viên. Tuy mới được thành lập chưa tới một năm, nhưng những hiệu quả ban đầu khiến cho Ban điều hành vững thêm niềm tin để duy trì, phát triển hướng tới mục tiêu ngày càng nhiều người yếu thế, khuyết tật được giúp đỡ.

Chị Nguyễn Lan Châu (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: “Trong lần đến Hội An, tôi đi dạo thì bất chợt bị thu hút bởi cái biển “Cửa tiệm hạnh phúc”. Tôi đã ghé vào vì tò mò xem “có gì trong đó”, xem “hạnh phúc là gì” và vô cùng bất ngờ với những gì đã thấy. Các chị thật khéo tay, chăm chỉ và đặc biệt là rất lạc quan, yêu đời dù bản thân bị khiếm khuyết cơ thể. Tôi cũng thấy mình thật may mắn và trân trọng giá trị cuộc sống hơn. Khi bước ra khỏi cửa tiệm, chúng tôi ai cũng hạnh phúc dù chỉ mua một vài đồ lưu niệm nhỏ”.

Vòng tròn sẻ chia

“Cửa tiệm hạnh phúc” khởi sự là một vòng tròn chia sẻ. Nơi các chị em khuyết tật, yếu thế tại phường Cẩm Nam cùng chia sẻ những câu chuyện, khó khăn trong cuộc sống, trở thành chỗ dựa tinh thần, động viên nhau cùng vươn lên. Thông thường, các chị gặp phải khó khăn trong việc di chuyển, vận động, số khác sức khỏe yếu, không có công việc ổn định. Vì thế, hầu hết các chị chỉ ở nhà lo việc con cái, mang nhiều mặc cảm và tự ti cũng như không đủ điều kiện hoặc các tiêu chí để có thể kiếm được một công việc thực sự phù hợp. “Cửa tiệm hạnh phúc” xác định là một mô hình kinh doanh, nơi quyền lợi của các thành viên đi đôi với trách nhiệm. Các thành viên mong muốn các sản phẩm được cạnh tranh công bằng trên thị trường về giá cả lẫn chất lượng.


Những sản phẩm tái chế của phụ nữ khuyết tật thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng. Ảnh: Trúc Hà

Tại cửa tiệm, các banner quảng cáo, túi nilon, lưới đánh cá, vải vụn từ các hiệu may tại địa phương… được thu gom và phân loại, làm sạch, sau đó được may vá hoặc tái chế thủ công. Việc thu gom nguyên liệu còn được giúp sức từ các tình nguyện viên và các chị em hội viên phụ nữ của phường Cẩm Nam. Điều này thể hiện được sự kết nối và tính cộng đồng của mô hình. Và các sản phẩm của “Cửa tiệm hạnh phúc” được đa dạng và cải tiến từng ngày.

Nhiều lớp tập huấn nâng cao năng lực với sự hướng dẫn của chuyên gia được tổ chức nhằm cải tiến kỹ thuật và quy trình sản xuất cho các thành viên của mô hình. Các sản phẩm sẽ được sản xuất theo đơn đặt hàng. 100% lợi nhuận được chia đều cho các thành viên. Điều đáng mừng là số lượng đơn hàng tương đối đều đặn. Cửa tiệm hướng đến kế hoạch ký kết hợp đồng, trả lương cho các thành viên dựa theo năng lực và khả năng lao động theo giờ.

Những mặt hàng tái chế ở “Cửa tiệm hạnh phúc” rất đa dạng, như túi đựng tài liệu, túi vải, túi đi chợ, tạp dề, khẩu trang…, đây đều là những sản phẩm có thể ứng dụng được trong cuộc sống hằng ngày.

“Trong tương lai, cửa tiệm hướng đến tập trung đa dạng sản phẩm, thử nghiệm tạo ra các sản phẩm từ chất liệu mới như lưới đánh cá bỏ đi của người dân, túi nilon, hộp nhựa… Ngoài ra, cửa tiệm còn mong muốn phát triển các sản phẩm mang nét độc đáo văn hóa của địa phương như lồng đèn, các bộ trò chơi dân gian và tổ chức các hoạt động trải nghiệm như workshop làm đồ tái chế, hoạt động giáo dục cho trẻ em thông qua việc cùng tạo ra các sản phẩm tái chế đơn giản để khơi dậy tình yêu môi trường cho các em” – bà Đỗ Thị Ngọc Thảo cho biết.

Trúc Hà – Thùy Dương