Lương cử nhân không so nổi với người giúp việc, bán hàng rong
Tốt nghiệp một trường đại học ở TPHCM hai năm trước, Minh Thùy, 24 tuổi, vẫn đang tiếp tục tìm việc làm. Cô đi rải đơn, phỏng vấn khắp nơi nhưng chưa có kết quả. Nơi thì phỏng vấn thất bại, nơi quá xa, nơi thì công việc, môi trường không phù hợp…
Nhưng có một điểm chung ở những nơi Thùy phỏng vấn là các công ty trả lương khởi điểm cho nhân viên kinh doanh rất bèo bọt, chỉ ở mức 5 – 7 triệu đồng, thậm chí có nơi chỉ bằng đúng mức lương tối thiểu vùng, hơn 4 triệu đồng.
Nhiều giúp việc tại TPHCM nhận mức lương 10-20 triệu đồng/tháng (Ảnh: H.N).
Mới đây, đến nhà chị họ ở quận 7 chơi, Thùy “sốc” khi biết lương cho cô giúp việc nhà (54 tuổi) của gia đình là 15 triệu đồng, tất cả mọi chi phí ăn uống, sinh hoạt đều do chủ nhà lo.
Công việc hàng ngày theo Thùy là khá dễ thở, không áp lực, như lau dọn nhà cửa trong căn hộ 90m2, nấu ăn, đưa đón cháu nhỏ đi học…
Thùy từng nghe về mức lương việc này việc kia không cần học hành vẫn hơn lương cử nhân. Nhưng giờ trực tiếp thấy người thực việc thực trong gia đình mình, cô thấm cảm giác chạnh lòng, tủi thân. Trên đường về, nước mắt cô gái cứ vậy chảy dài…
“Họ không cần học hành, không mất chi phí đào tạo nhưng lương cao gấp 3 lần mình, người đã mất rất thời gian, công sức và tiền bạc để có tấm bằng đại học”, cô gái trải lòng
Mức lương giúp việc nhà 10-15 triệu đồng, thậm chí 20 triệu đồng không phải là phổ biến nhưng cũng không còn là số hiếm tại TPHCM. Đó mới là những người làm giúp việc tại gia đình nhỏ, ở chung cư, chưa nói đến các gia đình lớn hơn, ở nhà tầng, biệt thự.
Thực tế, nhiều gia đình còn tuyển giúp việc từ Philippines, Thái Lan với mức chi phí cao hơn nhiều. Mức lương giúp việc 5-7 triệu đồng/tháng những năm gần đây có thể nói đã bị “xóa sổ”.
Tại nhiều bản tin tuyển người giúp việc trên các diễn đàn, thông tin mức lương chủ nhà trả cho giúp việc 10-20 triệu đồng thường xuyên kéo theo những xôn xao, bàn tán. Mức lương của người giúp việc có thể cao gấp 2-3 lần nhiều ngành nghề khác như nhân viên kinh doanh, kế toán, nhân viên bán hàng, giáo viên…
“Khi biết mức lương nhân viên văn phòng của tôi 7 triệu đồng, rất nhiều người khuyên “đi giúp việc cho rồi!”, Xuân Dung, nhân viên văn phòng tại một công ty hóa chất ở quận Bình Thạnh, TPHCM cho hay.
Hiển nhiên, Dung chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi giúp việc nhà nhưng cô gái rất mệt mỏi với mức lương hiện tại. Nhiều lúc, cô hối hận vì mình đã… lỡ học đại học.
Không chỉ nghề giúp việc, trên mạng xã hội từng sôi sục khi “đặt lên bàn cân” so sánh mức lương cử nhân với thu nhập của cô bán hủ tiếu ngày lãi 800.000 đồng hay lương của người đứng nướng đồ ăn, cột túi mắm… cả chục triệu đồng/tháng.
Giá trị công việc không chỉ nằm ở tiền?
Ông Nguyễn Trọng Nhân, tác giả cuốn cách “Bóc phốt tài chính” cho hay, so sánh lương cử nhân thua cô chú bán hủ tiếu, cô giúp việc là câu hỏi ông từng nhận được từ nhiều bạn trẻ. Nhiều người bỏ tiền, vắt sức ra học không khỏi nản chí lẫn chạnh lòng khi so sánh với những người không phải đầu tư học vấn vẫn có thu nhập cao.
Tuy nhiên, theo ông Nhân, những so sánh như vậy là chưa toàn diện, đẩy đủ.
Người này cho rằng, người giúp việc mức lương 15-20 triệu đồng thường làm cho những gia đình giàu có, ở tại gia, giữ con cái, làm nguyên ngày và cuộc sống phụ thuộc vào gia đình đó. Muốn đàm phán tăng lương, nhảy việc đều khó, chưa nói đến vấn đề phát triển bản thân thế nào.
Ngoài ra, ông Nhân phân tích lương giúp việc 20 triệu đồng nhưng nếu trừ đi phần phải bỏ ra cho bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, loại trừ phần làm thêm giờ, ngày nghỉ thì lương chuẩn tính ra chỉ tầm 13 triệu đồng.
Cử nhân ra trường mức lương khởi điểm 5 triệu đồng, ông Nguyễn Trọng Nhân giải thích do các bạn còn phải học nghề, doanh nghiệp tốn thêm nhiều chi phí đào tạo.
Nói về công việc, ông Nguyễn Trọng Nhân bày tỏ, nhân viên văn phòng ngày làm 8 tiếng rồi về, thường mỗi tuần làm 5 ngày, mỗi năm được nghỉ phép 1-2 tuần có lương. Chế độ bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp rồi khả năng thăng tiến và tăng lương luôn rộng mở. Lương bây giờ có 5 triệu nhưng có nhiều cơ hội phát triển bản thân, tăng thu nhập lên 10-20 triệu trong tương lai.
Về câu chuyện “lương giúp việc cao hơn cử nhân”, bà Trần Mỹ Dung, phụ trách nhân sự một công ty về lĩnh vực giáo dục tại quận 3, TPHCM đưa ra góc nhìn dựa vào nhu cầu xã hội.
Theo bà Dung, nhu cầu xã hội đối với nghề giúp việc nhà rất cao, bất chấp nhân lực trong lĩnh vực này chủ yếu tự phát, phần lớn không qua đào tạo. Người giúp việc có vị trí rất quan trọng liên quan trực tiếp đến cuộc sống, sự an toàn của gia đình.
“Để có được mức lương 15-20 triệu đồng, người giúp việc cũng phải làm ‘bở hơi tai’, phải tạo ra nhiều giá trị cho chủ nhà chứ không hề dễ dàng. Họ làm việc gần như cả ngày, chăm chỉ, biết cách làm việc, cẩn thận, thật thà, đánh đổi xa nhà, xa con cái…”, bà Dung nói.
Nhiều cử nhân ra trường làm việc với mức lương thấp (Ảnh minh họa: Phạm Diện).
Trong khi đó, theo bà Dung, không phải công ty nào, vị trí nào cũng cần tuyển cử nhân, hay nói thẳng ra là “tuyển cử nhân không khó”.
Ý kiến có vẻ nghe “động chạm” nhưng không phải không có cơ sở. Theo dự báo nguồn nhân lực TPHCM trong giai đoạn 2015 – 2020 đến năm 2025, mỗi năm dự kiến nhu cầu nhân lực của thành phố khoảng 270.000 chỗ việc làm trống. Trong đó, nhu cầu đối với lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 13%, cao đẳng chiếm 15%, còn lại là “phần” của trung cấp 35%, sơ cấp nghề 20%.
Ngoài ra, theo bà Dung, giá trị công việc không chỉ nằm ở mức thu nhập. Học hành, công việc còn liên quan đến đam mê, sở thích, cơ hội phát triển bản thân, nền tảng và tư duy để nuôi dạy con cái…
Bà Dung đưa bản thân ra làm dẫn chứng, lương của bà khi mới đi làm rất thấp, thấp hơn lương giúp việc nhà và nhiều công việc phổ thông khác rất nhiều.
“Nhưng tôi và chắc chắn phần lớn mọi người, không ai chọn bỏ việc đi làm “ô sin”. Tiền rất quan trọng nhưng những giá trị công việc mang lại không chỉ được đo bằng con số nhận được trong tài khoản hàng tháng”, nữ quản lý đưa ra quan điểm.
Bà Dung cũng bày tỏ băn khoăn về mức lương tại các cơ quan, công ty hiện nay nhìn chung còn rất thấp. Điều này, làm nhiều người lao động nản chí, mất động lực và hoang mang trên con đường theo đuổi học vấn.