Công ty cho nghỉ ngày thứ bảy thì công nhân có được hưởng lương thất nghiệp không? – Minh họa: DAD
Tôi đang làm công nhân cho công ty. Bình thường tôi làm từ thứ hai đến thứ bảy nhưng nay công ty không có hàng để làm ngày thứ bảy. Hằng tháng chúng tôi có đóng bảo hiểm thất nghiệp thì ngày nghỉ đó (nghỉ thứ bảy) có được hưởng lương thất nghiệp không?
Bạn đọc Việt Quỳnh (Bình Tân, TP.HCM) gửi câu hỏi nhờ luật sư tư vấn.
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn như sau:
Liên quan đến câu hỏi này, chúng tôi sẽ giải thích 2 vấn đề cho bạn được rõ:
Luật sư Nguyễn Hồng Lĩnh
Thứ nhất, chúng ta nên hiểu rằng thất nghiệp là những người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động, có nhu cầu làm việc, đang không có việc làm, đang đi tìm việc làm.
Trường hợp của bạn là xuất phát từ việc nguồn hàng không có nên công ty có chính sách cắt giảm thời gian làm việc của công nhân (cho nghỉ vào ngày thứ bảy), ngoài việc cắt giảm thời gian làm việc thì công ty và bạn vẫn duy trì quan hệ lao động (bạn vẫn có việc làm) nên trường hợp của bạn không phải là trường hợp thất nghiệp mà được xem là bị ngừng việc.
Hiện nay, trong quy định về tiền công, tiền lương thì không có bất kỳ thuật ngữ nào gọi là “lương thất nghiệp” nhưng pháp luật có quy định về tiền lương ngừng việc, cụ thể điều 99 Bộ luật lao động năm 2019 như sau:
“Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;
3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;
b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu”.
Như vậy, nếu nguyên nhân của việc không có hàng do phía công ty thì bạn vẫn được hưởng đủ tiền lương ngừng việc theo thỏa thuận tại hợp đồng lao động.
Ngược lại nếu trường hợp công ty thiếu hàng mà không phải do lỗi của công ty có thể do biến động kinh tế, lượng đơn hàng sụt giảm thì đây được coi là nguyên nhân khách quan thì công ty sẽ thỏa thuận mức lương ngừng việc với bạn nhưng mức lương đó không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Thứ hai, việc bạn đóng tiền bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng là bạn đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo quy định tại khoản 4, điều 3 Luật việc làm năm 2013 thì: “Bảo hiểm thất nghiệp là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp” .
Bảo hiểm thất nghiệp là một chính sách bảo hiểm được thiết kế để cung cấp hỗ trợ tài chính cho những người thất nghiệp, giúp hỗ trợ san sẻ chi phí cho người lao động trong thời gian chờ tìm kiếm công việc mới.
Bạn sẽ được hưởng khoản tiền này khi bạn chấm dứt hợp đồng lao động với công ty mà có đủ thời gian tham gia bảo hiểm theo luật định. Chứ không phải việc đóng tiền bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng để được hưởng lương thất nghiệp vào ngày công ty cho bạn nghỉ làm.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân – gia đình, kinh doanh – thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế…, chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].