Chiều qua (6.5), Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM gồm ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM; ông Dương Văn Thăng, Phó chánh án TAND tối cao, Chánh án tòa án Quân sự T.Ư; bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, đã có buổi tiếp xúc cử tri công nhân, người lao động tại Q.7 về chủ đề góp ý cho dự thảo sửa đổi luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) và luật Nhà ở.
Điều kiện còn chưa thỏa đáng
Về dự thảo luật Nhà ở, chị Trần Thị Hồng Phượng, công nhân Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.7, cho rằng chính sách về nhà ở còn nhiều điểm chưa công bằng.
Cụ thể, theo dự thảo, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà lưu trú công nhân được quy định là đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Tuy nhiên, công nhân làm việc ở ngoài khu công nghiệp cũng rất mong được hỗ trợ nhà ở.
“Bản thân tôi chưa hiểu vì sao lại có sự phân biệt này. Tôi rất mong công nhân, người lao động dù đang làm ở đâu cũng đều có cơ hội tiếp cận chính sách hỗ trợ về nhà ở”, chị Phượng nói.
Chị Trần Thị Hồng Phượng góp ý tại buổi tiếp xúc cử tri
Đồng thời, dự thảo có nêu điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là người có thu nhập thấp, công nhân lao động trong khu công nghiệp phải thuộc diện “không phải nộp thuế thu nhập cá nhân”.
Theo chị Phượng, tiêu chí này “chưa công bằng, chưa thỏa đáng để phân loại đối tượng cần được hỗ trợ”.
Chị Phượng nói: “Ví dụ như bản thân tôi, không có người phụ thuộc, mức thu nhập phải đóng thuế nhưng không có nghĩa là thu nhập cao hơn những người có người phụ thuộc. Hơn nữa với mức tính thuế thu nhập hiện nay thì lương 11 triệu đồng/tháng cũng sống không dư dả tại TP.HCM”.
Vẫn loay hoay tiếp cận gói 120.000 tỉ đồng
Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, đề cập đến gói 120.000 tỉ đồng của nhà nước nhằm thúc đẩy nhà ở xã hội.
Bà Vân cho hay, người lao động rất phấn khởi và trông mong chính sách này. Tuy nhiên, tới nay, công nhân cực kỳ khó tiếp cận gói vay này. Hỏi thì ngân hàng yêu cầu ra trực tiếp để tư vấn, nhưng nếu đến ngân hàng giao dịch thì chưa chắc chỉ trong một lần mà công nhân có thể tiếp cận gói vay này.
Bà Vân cũng cho rằng, gói vay chưa phù hợp với đa số công nhân. Hiện nay có khoảng 75% công nhân làm việc trong khu chế xuất là người ngoài tỉnh. Một căn hộ nhà ở xã hội giá 1 – 1,6 tỉ đồng, công nhân muốn mua phải trả trước 50%.
“Nếu áp quy định chỉ người thu nhập thấp, dưới mức chịu thuế mới được xét mua nhà xã hội, thì những người này lấy nguồn tiền tích lũy ở đâu để trả trước. Chưa kể, 50% số tiền còn lại được vay lãi suất 8,2% mỗi năm là quá cao”, bà Vân nói.
TP.HCM sẽ tính toán có chương trình ‘bình ổn giá nhà trọ’
Phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thông qua các ý kiến của công nhân lao động, cán bộ công đoàn, tổ ĐBQH có cơ hội hiểu sâu sắc hơn đến các vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm của người lao động.
Tổ ĐBQH sẽ tổng hợp đầy đủ, báo cáo đến diễn đàn của Quốc hội để xây dựng luật sao cho khả thi nhất, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Theo ông Phan Văn Mãi, tình hình kinh tế từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay gặp nhiều khó khăn, vì vậy ông rất chia sẻ và cảm ơn những nỗ lực của doanh nghiệp đã cố gắng duy trì việc làm cho người lao động. Ông cũng cảm ơn người lao động đã cố gắng đồng hành, vượt khó.
Ông Phan Văn Mãi cho rằng, sắp tới, các đoàn thể sẽ phải tập trung, hỗ trợ nhiều hơn đối với những người lao động khó khăn.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ tính toán đưa nhà trọ vào chương trình bình ổn giá
Về vấn đề nhà ở, Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị các đơn vị có liên quan khảo sát nhu cầu của người lao động mua nhà ở xã hội, nhu cầu ở nhà lưu trú của công nhân.
TP.HCM được giao chỉ tiêu 69.000 căn nhà ở xã hội nhưng kế hoạch trước đó của TP.HCM là xây dựng 83.000 căn.
TP.HCM đang tập trung về đất đai, tín dụng để phát triển nhà lưu trú công nhân; có chính sách hỗ trợ nhà trọ, xác định tiêu chuẩn tương đối và giá cả với nhà trọ để tính toán có chương trình bình ổn giá nhà trọ.
Đồng thời, rà soát các quỹ đất, quy hoạch phát triển các loại nhà ở như nhà lưu trú, nhà tiền chế ở gần khu gần khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.
Hội nghị tiếp xúc cử tri ghi nhận nhiều ý kiến giữ nguyên phương án được rút BHXH 1 lần nếu đáp ứng đủ điều kiện. Nếu áp dụng phương án 2 (rút tối đa 50%) thì nhà nước nên áp dụng với người đóng BHXH khi luật BHXH mới có hiệu lực.
Ngoài ra, người lao động cũng kiến nghị giảm tuổi nghỉ hưu xuống còn 60 với nam và 55 với nữ; tăng mức trợ cấp thai sản đối với chính sách BHXH tự nguyện…
ĐBQH, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy, nhìn nhận rằng luật BHXH đang có nhiều ràng buộc với người tham gia. Bà cũng nêu quan điểm về một số giải pháp thỏa đáng để thu hút người lao động tham gia BHXH nhiều hơn như xây dựng lương hưu, mức trợ cấp một lần sau khi nghỉ hưu.