Công nhân sống chật vật vì bị nợ lương, bảo hiểm xã hội

Bị nợ lương và bảo hiểm xã hội (BHXH), không thể xin vào công ty mới, chị Thùy Dương đành chuyển qua làm thời vụ, nhận tiền công 200.000 đồng mỗi ngày.

Rời khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) về nhà ở Phú Xuyên (TP Hà Nội) khi trời tối mịt, chị Dương rẽ vào chợ mua bát canh măng 10.000 đồng ăn qua bữa. Thu nhập 200.000 đồng mỗi ngày không cho phép góa phụ 38 tuổi, nuôi ba con từ lớp 5 đến lớp 12 tiêu quá tay dù chỉ là bìa đậu phụ.

Chị Dương từng là công nhân Nhà máy Dệt 19/5 Hà Nội (khu công nghiệp Đồng Văn, Hà Nam) 16 năm. Lương tháng chỉ hơn 6 triệu đồng, chị vẫn chấp nhận mỗi ngày đi về gần 20 km vì không phải thuê trọ, có thời gian chăm ba con sau khi chồng qua đời.

Nhưng từ năm 2019, tiền lương bị chậm dù đơn hàng về đều. Khoản lương trích đóng BHXH hàng tháng vẫn bị trừ, song hệ thống chỉ ghi nhận chị đóng đến hết tháng 2/2019. Cuối năm 2022, chị thôi việc, xoay sang bán xôi thuê, phụ hồ, nhặt cỏ, ai thuê gì làm nấy miễn là có tiền đóng học cho ba con.

Bốn mẹ con chị Dương trước nhà ở Phú Xuyên (Hà Nội), tháng 2/2023. Ảnh: Minh Anh

Bốn mẹ con chị Dương trước nhà ở Phú Xuyên (Hà Nội), tháng 2/2023. Ảnh: Minh Anh

Chị Dương nằm trong số 187 lao động của Nhà máy Dệt 19/5 tại Hà Nam đang bị treo quyền lợi khi doanh nghiệp nợ 12,5 tỷ đồng đóng BHXH bắt buộc từ tháng 3/2019 đến tháng 10/2022. Trong biên bản làm việc cuối năm 2022, Công đoàn Dệt may Hà Nội đã đề nghị doanh nghiệp khắc phục tiền nợ, cùng Bảo hiểm xã hội thị xã Duy Tiên (Hà Nam) chốt sổ cho lao động muốn thôi việc được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Doanh nghiệp cam kết tới hết tháng 6/2023 sẽ đóng hết khoản nợ BHXH của năm 2020 do “sản xuất kém hiệu quả, lỗ nhiều”.

Tuy nhiên, chị Dương cho biết đến nay chưa nhận được lương, BHXH vẫn bị nợ. Chị muốn chấm dứt hợp đồng tìm việc mới song công ty không giải quyết, cũng không chốt sổ bảo hiểm. Ba tuần qua, chị xin làm thời vụ cho công ty chuyên về thiết bị xe lăn trong khu công nghiệp Đồng Văn. Chị phụ thợ chính lắp ráp, ghi thông số xe, nhận tiền công 200.000 đồng mỗi ngày.

“Đời mình đã khổ, chẳng nhẽ để con mù chữ”, chị nói, kể con trai lớp 8 đạp xe từ trường về hỏi mẹ sao chưa đóng tiền học để bị nhắc nhở, xấu hổ với bạn bè. Mỗi lần con gái xin tiền mua sách, con trai đến kỳ mua vé xe buýt tháng, chị đều mất ngủ. Họ hàng nội ngoại, những nơi có thể vay, chị đều gõ cửa vài lượt.

Điều chị Dương mong mỏi nhất là xin được ký hợp đồng chính thức để tiếp tục tham gia BHXH, chấp nhận mất trắng bốn năm công ty cũ nợ đóng BHXH. Ba năm đại dịch, chị cùng hàng trăm công nhân nhà máy không nhận được các gói trợ cấp vì doanh nghiệp nợ bảo hiểm.

Trước đề xuất cho lao động bị nợ BHXH đóng bảo hiểm tự nguyện một lần để hưởng lương hưu, chị Dương nói: “Chịu thôi, tiền chạy ăn từng bữa còn chưa có, nói gì bỏ tiền túi ra đóng bảo hiểm tự nguyện để hưởng lương hưu”.

Đồng nghiệp của chị Dương, anh Nguyễn Đức Thụy quyết định thôi việc từ cuối tháng 8/2019 sau hơn 14 năm gắn bó. Sau khi chấm dứt hợp đồng, anh nhiều lần liên hệ bộ phận nhân sự để chốt sổ bảo hiểm, nhưng không được phản hồi. Cuối cùng anh chấp nhận mất trắng 8 tháng tham gia BHXH để bắt đầu làm nhân viên kho tại nhà máy chuyên về thiết bị điều hòa ôtô. Doanh nghiệp mới là liên doanh nước ngoài, đóng BHXH đầy đủ.

Anh Thụy nói vẫn muốn đòi lại quyền lợi bảo hiểm. Những đồng nghiệp cũ đã dùng hết cách, từ tập trung đi đòi, viết đơn phản ánh lên công đoàn và giờ họ đi kiện Tổng giám đốc chi nhánh Công ty Dệt 19/5 Hà Nội tại Hà Nam.

Chị Quynh lo không có chế độ thai sản khi chuẩn bi sinh con vào cuối tháng 3 do công ty nợ đóng bảo hiểm. Ảnh: CNCC

Chị Quynh lo không có chế độ thai sản khi chuẩn bi sinh con vào cuối tháng 3 do công ty nợ đóng bảo hiểm. Ảnh: CNCC

Làm cùng Nhà máy Dệt 19/5 Hà Nội, chị Quynh, vợ anh Thụy lo mất chế độ thai sản trước ngày sinh con thứ ba. Chị muốn thôi việc dù gắn bó với nhà máy 17 năm, nhưng không nơi nào dám nhận bà bầu. Nếu thôi việc, chị cũng mất trắng 44 tháng đóng bảo hiểm bị công ty nợ.

Trước Tết, hàng chục đồng nghiệp của chị Quynh từ Hà Nam lên Hà Nội, đến trước trụ sở công ty trên đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, để đòi nợ lương lẫn bảo hiểm. Chị cũng muốn ôm bụng bầu 7 tháng đi cùng nhưng anh chị em công nhân cản lại. Hầu hết họ là công nhân có tay nghề, nhiều cặp vợ chồng làm việc hơn chục năm ở công ty.

25 Tết Nguyên đán, công nhân được trả lương tháng 8/2022. Chị Quynh cầm 6 triệu đồng dè dặt tiêu Tết và giờ không biết xoay đâu ra tiền để chuẩn bị cho kỳ sinh nở cuối tháng 3. Tiền lương tháng 9/2022 vẫn chưa thấy dù công ty hứa trả.

Sinh hoạt nhà năm người đều trông vào đồng lương của Thụy. Anh phải tăng ca, kiếm thêm việc ngoài, vay nợ bạn bè để có thêm tiền chuẩn bị cho con thứ ba chào đời. Nhiều công nhân như Thụy muốn thôi việc đi nơi khác, nhưng các công ty từ chối nhận do còn dây dưa bảo hiểm với công ty cũ. Không chốt được sổ bảo hiểm, họ đành chuyển làm thời vụ.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cộng dồn đến hết năm 2022 cả nước có hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ một đến dưới ba tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213.400 người bị “treo” sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ BHXH khó thu hồi. Số đang bị nợ BHXH chiếm 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc.

Việc chậm đóng diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp với số tiền phải tính lãi hơn 13.150 tỷ đồng, chiếm 2,91% tổng số phải thu. So với năm 2021, tiền chậm đóng tính lãi tăng thêm hơn 660 tỷ đồng. Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4.000 tỷ đồng.

Hồng Chiêu