TP HCMĐược hỗ trợ 170 triệu đồng sau cắt giảm, nhưng chị Diễm, nhiều năm gắn bó Công ty TNHH Pou Yuen, vội kiếm việc bởi trên vai còn hai con nhỏ, cha mẹ già.
Bốn hôm kể từ khi nhận thông báo không phải đến nhà máy nữa, chị Nguyễn Thị Kiều Diễm chưa bỏ được thói quen thức giấc từ 3h. Nhà ở Tân Trụ (Long An), gần 20 năm qua, mỗi ngày chị đều dậy sớm bắt xe buýt, vượt gần 50 km đến công ty ở quận Bình Tân (TP HCM) làm việc.
Người phụ nữ 39 tuổi nói nhiều năm qua “trừ ngày ốm không gượng dậy nổi còn lại phải cố gắng đến nhà máy” bởi 5 người trong gia đình đều trông vào suất lương 11,6 triệu đồng của chị. Từ trước Tết, chị đã thấy “có điều bất an” khi công nhân nghỉ luân phiên một ngày trong tuần. Tuy nhiên, thưởng Tết tăng 30% khiến chị tạm yên tâm. Song mới đây, công ty thông báo giảm lao động.
Một tuần sau, tổ trưởng lấy ý kiến công nhân, phân loại trường hợp muốn nghỉ hoặc nguyện vọng tiếp tục làm việc để gửi lên cấp trên xem xét. “Tôi suy nghĩ nhiều lắm bởi tiếc lương thâm niên”, người mẹ đơn thân nói khi biết chắc tên mình nằm trong danh sách 2.358 công nhân bị cắt giảm. Nhưng sau khi nhận được thông tin công ty hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc chị Diễm cảm thấy “được an ủi nhiều cho bao năm thanh xuân gắn bó”.
Theo thông báo của công ty, lao động nghỉ việc sẽ nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản từ ngày 7/4. Với chị Diễm, đây là số tiền lớn nhất từ trước đến nay có được. Tự nhận mình không có khiếu buôn bán, chị dự định gửi tiết kiệm 170 triệu đồng để riêng cho hai con đi học. Nữ công nhân tính tìm công việc thời vụ nhận lương tuần, không phải đóng bảo hiểm để nhận trợ cấp thất nghiệp. Một năm sau chị sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần, dành toàn bộ tiền sửa lại căn nhà đang ở.
Công nhân Pou Yuen ở các tỉnh miền Tây đi xe đưa rước của nhà máy. Ảnh: Hữu Khoa
“Nếu không có đợt cắt giảm này chắc tôi sẽ làm đến hưu”, chị Diễm nói. Cuối năm ngoái, khi số năm đóng bảo hiểm xã hội tiệm cận 20, chị có ý định nghỉ để “rút một cục” nhưng lo lắng không tìm được việc mới nên thôi. Lần này thì khác, công ty có khoản hỗ trợ mà dẫu làm chục năm nữa chị cũng khó để dành được.
Hai hôm nay, chị đến các xưởng may gần nhà tìm việc nhưng chưa có chỗ nhận. Vài đồng nghiệp cùng đợt cắt giảm rủ nhau qua Bến Lức, cách nhà gần 20 km, kiếm cơ hội. Nếu có việc, hai người sẽ đi chung một xe máy, thay phiên nhau cầm lái. Nữ công nhân nói rằng sẽ vất vả hơn so với đi xe buýt nhưng không phải rời nhà lúc 3h, trở về khi các con đã ngủ như khi làm ở Pou Yuen. Chị sẽ được ở với gia đình nhiều hơn.
Cùng cảnh ngộ bị cắt giảm, mấy hôm nay chị Đặng Thị Kim Hường đến các cửa hàng thanh lý đồ cũ tìm mua xe bán hủ tiếu bán hàng ăn sáng. Ở tuổi 45, chị khó tìm việc mới ở các nhà máy, đặc biệt trong lúc các công ty hạn chế tuyển dụng.
Ở đợt giảm lao động của Pou Yuen, chị Hường được hỗ trợ gần 80 triệu đồng. Với số tiền này, chị trích ra một khoản sắm xe hủ tiếu, bàn ghế, còn lại gửi tiết kiệm phòng khi túng thiếu. Chị đã ngắm một đoạn vỉa hè rộng, đông người qua lại nhưng chưa có người bán ở gần khu trọ trên đường hương lộ 2, phường Bình Trị Đông, làm địa điểm mưu sinh.
“Tôi quay lại với nghề cũ trước khi vào công ty”, chị Hường nói. Hơn chục năm trước, chị có một quán hủ tiếu, bún riêu nhỏ. Tuy nhiên, việc bán buôn không thuận lợi, chị sang tiệm đi làm công nhân. Sau 10 năm, lương căn bản của chị lên được 9 triệu đồng cùng với thu nhập từ công việc thợ hồ của chồng, cuộc sống gia đình tạm ổn, đủ nuôi hai con đi học.
“Nghỉ việc cuộc sống đảo lộn hết”, chị Hường nói. Khoản thu nhập cố định từ lương của chị sẽ không còn trong khi định kỳ hàng tháng tiền nhà, tiền học phải đóng. Chưa kể chị từng bỏ nghề vì bán ế nên không khỏi lo lắng trường hợp xe hủ tiếu không có khách.
Hôm 25/2, khi làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động, chị đã có ý định rút đơn nhưng cuối cùng lại quyết định ký vào giấy tờ. Người mẹ hai con tính toán sau một năm cuộc sống không khá hơn cả gia đình sẽ quay về quê ở Long An. Chị lãnh bảo hiểm xã hội một lần làm vốn, gia đình tìm cách khác mưu sinh.
Chị Hường, chị Diễm là hai trong số hơn 2.300 công nhân Pou Yuen mất việc do nhà máy giảm lao động vì khó khăn đơn hàng. Trong số này, 83% là nữ. Nhóm trên 40 tuổi chiếm 54%, tỷ lệ này ở độ tuổi 30-40 là 39%. Gần một nửa trong số này có thời gian làm việc 10-15 năm, thâm niên 15 năm trở lên chiếm 40%.
Tổng số tiền doanh nghiệp chi trả cho người lao động mất việc là 275 tỷ đồng, người nhận cao nhất 379 triệu đồng, thấp nhất 12 triệu đồng, mức bình quân 116 triệu đồng. Phía công ty cũng mong muốn ngành lao động thành phố hỗ trợ tìm việc mới phù hợp cho công nhân.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, mức hỗ trợ 0,8 tháng lương cho mỗi năm làm việc là cao hơn quy định trợ cấp thôi việc. Theo đó, khi chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp phải chi trả cho người lao động thời gian làm việc từ năm 2009 trở về trước, mỗi năm là nửa tháng lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội nói mức hỗ trợ của Công ty Pou Yuen cao phần nào bù đắp công sức của lao động bị cắt giảm trong bối cảnh khó khăn toàn cầu. Tuy nhiên về lâu dài, công nhân cần được hỗ trợ kế sinh nhai bền vững sau khi nghỉ.
Theo ông Lộc, không phải công nhân nào cũng có khả năng dùng tiền hỗ trợ để làm vốn kinh doanh. Một vài trăm triệu đồng so với thu nhập công nhân là nhiều nhưng không biết cách quản lý sẽ nhanh hết trong khi cuộc đời còn rất dài. Những lao động ngoài 40 tuổi khó tìm được việc ở chỗ làm tốt, mà phải chấp nhận ở những xưởng sản xuất nhỏ với điều kiện sản xuất tệ hơn trước. Như vậy, cuộc sống của họ không thể khá hơn sau mất việc.
Công nhân Pou Yuen tan ca hồi giữa tháng 10/2021. Ảnh: Thành Nguyễn
Hiện có một vài tổ chức xã hội có các khóa đào tạo kinh doanh, buôn bán miễn phí cho người lao động mất việc tuổi ngoài 40. Tuy nhiên, hoạt động của các tổ chức này khá đơn lẻ, cần có đầu mối kết nối để thêm nhiều hoạt động bền vững hơn. Theo ông Lộc, chính quyền có thể tham khảo Quỹ Lao động Hàn Quốc được lập năm 1999, với mô hình hỗ trợ an sinh, đào tạo kỹ năng mới để đưa công nhân lớn tuổi trở lại thị trường với công việc phù hợp.
“Không thể ép doanh nghiệp phải sử dụng lao động khi nhu cầu của họ không còn. Vấn đề là trách nhiệm của nhà nước cần làm gì để hỗ trợ bền vững cho nhóm dễ tổn thương”, ông Lộc nói.
Lê Tuyết