Đà NẵngViệc giao nhà chậm trễ khiến nhiều công nhân bức xúc, phản ánh đến Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, chiều 12/5.
6/15 ý kiến của công nhân đề cập đến những bất cập khi tiếp cận nhà ở xã hội tại buổi tiếp xúc cử tri do Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên đoàn lao động TP Đà Nẵng tổ chức.
Công nhân Phạm Thị Tường Vi (Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng) cho biết một số lao động mua chung cư xã hội khu E3, E4 (KCN Hòa Khánh) của Công ty Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước gần 3 năm, nhưng vẫn chưa nhận được nhà.
“Công ty hứa hẹn rất nhiều lần, đến nay vẫn không giao nhà đúng hợp đồng ký kết. Việc giao nhà chậm trễ khiến chúng tôi gặp khó khăn về kinh tế cũng như chỗ ở, vừa phải trả tiền vay ngân hàng, vừa phải trả tiền thuê nhà trọ”, chị Vi nói.
Công nhân Nguyễn Thị Xuân Ẩn (Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam) phản ánh diện tích căn hộ thuộc nhà ở xã hội công nhân KCN Hòa Cầm quá nhỏ, chỉ 16 m2, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho gia đình 3 người.
“Để có chỗ sinh hoạt tối thiểu, kính đề nghị HĐND thành phố, UBND thành phố quan tâm, tăng diện tích căn hộ để thuận lợi cho việc sinh hoạt của gia đình công nhân, nhất là các hộ có từ 3 nhân khẩu”, chị Ẩn nói.
Người dân xếp hàng mua nhà ở xã hội một dự án ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, ngày 8/5. Ảnh: Đồng Văn
Giải đáp các kiến nghị, ông Trần Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết nhà ở xã hội do Công ty Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư có 1.496 căn. Trong 1.150 căn hộ mở bán, hiện đã bán 1.131 căn, cho thuê 346 căn. Giá bán căn hộ khoảng 9,4 triệu đồng/m2, cho thuê giá 48.000 đồng/m2/tháng.
“Sau khi nhận phản ánh về việc giao nhà chậm trễ, Sở đã làm việc với chủ đầu tư, họ cam kết đến 31/8 bàn giao nhà. Chúng tôi đề nghị chủ đầu tư ghi vào biên bản, nếu đến thời hạn mà không giao nhà thì phải hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân”, ông Hoàng nói.
Nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm có 285 căn, đã xét duyệt 117 căn và cho thuê 44 căn, diện tích mỗi căn hộ chỉ 16 m2. Ông Hoàng nói Liên đoàn Lao động thành phố đã có văn bản đề nghị cải tạo, nới rộng lên thành 32 m2, đồng thời lắp thêm thang máy, kinh phí dự kiến 15,8 tỷ đồng.
Chia sẻ với công nhân khi chi phí thuê nhà chiếm 20% thu nhập hàng tháng, Phó chủ tịch TP Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết thành phố có khoảng 70.000 công nhân trong các khu công nghiệp, trong đó 40% phải thuê nhà ở, tức cần tới 28.000 căn nhà. Tuy nhiên, số nhà ở xã hội hiện tại chưa thể đáp ứng.
“Đà Nẵng đang trình Chính phủ chuyển công năng của ký túc xá phía tây thành nhà ở xã hội cho công nhân để giải quyết một phần nhu cầu”, bà Yến nói.
Tại hội nghị, nhiều công nhân phản ánh khó đáp ứng tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội với tiêu chí không đóng thuế thu nhập cá nhân; phải có tạm trú đủ 12 tháng mới được thuê, mua nhà. Ông Lê Văn Hùng (Công ty Cổ phần ôtô sông Hàn) phân tích, lao động phải làm tăng ca, tăng giờ để đảm bảo cuộc sống, nhưng khi thu nhập chạm mức bị đánh thuế thì lại không được mua nhà ở xã hội.
“Với mức thu nhập hơn 11 triệu đồng/tháng, nếu vay ngân hàng thương mại mua nhà, chi phí trả góp đã hết 2/3, số tiền còn lại không đủ trang trải sinh hoạt trong tháng. Mong Quốc hội, Chính phủ xem xét lại quy định để phù hợp với thực tiễn”, ông Hùng nói, kiến nghị người lao động chỉ cần có hợp đồng lao động từ đủ một năm trở lên thì được mua và thuê nhà ở.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã tiếp thu kiến nghị mức đóng thuế thu nhập cá nhân đối với những người thuộc diện được mua nhà ở xã hội để chuyển đến các phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trong kỳ họp sắp tới; đồng thời đề nghị UBND TP Đà Nẵng, Sở Xây dựng nghiên cứu quy định công nhân phải có tạm trú đủ 12 tháng mới được thuê, mua nhà ở xã hội.
Nguyễn Đông