Công nhân gạt nước mắt chạy xe ôm, làm giúp việc khi nhà máy đóng cửa
(Dân trí) – Nhận thông báo cho thôi việc sau hơn 10 năm làm ở nhà máy, nhiều công nhân lao đao xoay xở nơi đất khách vì đã “quá lứa”, khó lòng kiếm việc khác. Cả người lao động và chủ sử dụng đang cố cầm cự, chờ tình hình sáng sủa hơn…
Trong bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động hiện tại, phóng viên Dân trí ghi nhận thực tế đời sống của công nhân mất việc cũng như nỗ lực của cả người lao động và doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Công nhân chật vật làm thêm sau khi mất việc ở nhà máy (Ảnh: Hữu Khoa).
Cố khoác áo thợ cho đủ 20 năm đóng bảo hiểm
Chiều muộn, anh Nguyễn Công Chính (39 tuổi, ngụ tại quận Bình Tân, TPHCM) lủi thủi quay xe ra về, sau khi bị từ chối đơn xin việc lần thứ 5. “Người ta nói tôi thông cảm, nhìn hoàn cảnh tôi đáng thương nhưng vì tuổi đã cao, người ta không thể nhận vào làm được”, anh Chính giọng thảm não. Đã hơn 1 tháng, hễ có công ty nào dán thông tin tuyển người là anh khấp khởi, bỏ hết mọi việc đến ứng tuyển để rồi lại nhận những cái lắc đầu.
Không xin được việc, cũng không thể về nghỉ, anh Chính ăn vội ổ bánh mì rồi lật đật bật app (ứng dụng) gọi xe, bắt đầu “ca” xe ôm đêm, đến tờ mờ sáng. Kể từ khi bị cho thôi việc tại công ty, anh cùng nhiều đồng nghiệp thất nghiệp khác tham gia chạy xe ôm công nghệ. Nhiều tài xế nên mỗi cuốc xe cũng phải tranh nhau, tìm “đỏ mắt”.
Mỗi ngày, nỗ lực, cần mẫn lắm thì anh kiếm được 300.000 đồng, chưa trừ các khoản ăn uống, xăng xe, phí app,…
Anh Chính là 1 trong số gần 3.000 công nhân Công ty TNHH Pouyuen bị sa thải đầu năm 2023. Anh đã có gần 20 năm làm việc tại doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất TPHCM này, với mức lương 10-12 triệu đồng/tháng. Mất việc, nguồn thu nhập nuôi sống gia đình nhỏ với hai vợ chồng, 2 con và lo cho ba mẹ già ở quê đột ngột đứt.
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh & Xã hội tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Thu Hiền thông tin khái quát, trên địa bàn hiện vẫn còn những doanh nghiệp đang trong tình trạng giãn việc hoặc thỏa thuận với người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Tính chung cả quý I, trên địa bàn, số lao động thôi việc, mất việc của các doanh nghiệp lên đến 32.590 người (bao gồm lao động phổ thông và lao động có tay nghề). Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến gỗ xuất khẩu, dệt may, giày da, sản xuất hàng phụ trợ có xu hướng thỏa thuận nghỉ việc, giảm giờ làm, sắp xếp người lao động nghỉ không hưởng lương để phân bố đều việc làm cho người lao động. Đây là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất giai đoạn hiện nay.
Tín hiệu khả quan hơn là những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giày da, may mặc đã cho công nhân làm việc lại toàn thời gian (không nghỉ luân phiên) trong tháng 4. Dù vậy, hầu hết các nhà xưởng vẫn chưa thể tăng ca nên thu nhập của công nhân rất thấp).
“Lúc đó tôi mất ăn, mất ngủ và không tin được sự thật tôi thành người thất nghiệp. Bản thân tôi đã cống hiến cho công ty ngần ấy năm, giờ vẫn bị cho thôi việc, ở cái tuổi đã rất khó kiếm được việc ở công ty khác. Vợ tôi vẫn giữ được chân ở đây nhưng thu nhập chỉ gần 9 triệu đồng/tháng, không đủ lo cho cả nhà”, anh Chính nói.
Công ty đã đền bù cho anh số tiền hơn 100 triệu đồng, nhưng anh Chính hiểu số tiền cũng chỉ giúp gia đình anh cầm cự trong năm nay. Về lâu dài, không tìm được việc làm khác, cả nhà anh không trụ được. Cố gắng kiếm việc để tiếp tục cuộc sống nhưng vợ chồng anh Chính cũng tính chỉ dùi gắng đến hè, để con trẻ xong năm học. Nếu lúc đó vẫn không có việc, anh chị sẽ đưa con về lại quê, tính hướng khác.
Trở về phòng trọ khi trời đã tối muộn, chị Phạm Thị Ngọc Thắng (39 tuổi, quê Bến Tre) mệt nhoài sau khi xong mớ việc không tên đưa đón trẻ nhỏ, làm việc nhà, nấu ăn đám tiệc… cho nhà chủ. Về chưa kịp ngồi nghỉ, chị lại tiếp tục tất bật việc nấu ăn cho gia đình, chăm con, lau dọn nhà cửa.
Chị Thắng cũng là một công nhân Công ty TNHH Pouyuen nhận tin báo cho thôi việc mấy tháng trước. Hiện tại chị đi làm osin theo giờ, tính ra thu nhập được 100.000 đồng/ngày. Ngoài ra, ai thuê gì tranh thủ làm nấy, chị Thắng nhận nhiều việc khác để cầm cự, nuôi 2 con nhỏ, ba mẹ già.
Công nhân chắt chiu từng đồng, mong có việc mới ổn định cuộc sống (Ảnh: Nguyễn Vy).
80 triệu đồng tiền hỗ trợ thôi việc, chị Thắng đang cố gắng tằn tiện tối đa để trụ được lâu lâu, phòng khả năng thời gian tới vẫn khó khăn, chưa kiếm được việc làm mới.
Gần đây nhất, Công ty TNHH TKG Taekwang MTC Vina thông báo cho gần 800 công nhân nghỉ việc vì không có đơn hàng, phải dừng hoạt động. Là một trong những công nhân bị cho thôi việc, chị Liễu (46 tuổi) kể công ty thông báo nếu tự nguyện nghỉ thì sẽ được hỗ trợ nửa tháng lương cơ bản cho mỗi năm làm việc tại đây.
“Vậy là chúng tôi tự nguyện nghỉ, công ty còn cho thêm 3 tháng lương tối thiểu vùng (4.680.000 đồng/tháng). Chuyền bị nghỉ hết mà chỉ 2 người hiện đã xin được việc làm bảo vệ và công nhân ở nơi khác. Tôi cũng đi theo xin việc nhưng không được nhận vì là nữ, lại đã lớn tuổi”, chị Liễu nói.
Công nhân cố cầm cự, doanh nghiệp cố giữ chân lao động
Ở ngoài Bắc, rời quê Hòa Bình xuống Bắc Ninh (khu công nghiệp Vsip) làm công nhân được hơn 3 năm, từ tháng 6/2022, chị Đinh Thị Nguyệt nếm mùi cắt giảm giờ làm do công ty thiếu đơn hàng. Một tuần chỉ đi làm 3-4 ngày, chị Nguyệt cố gắng cầm cự.
Bước sang năm 2023, điều chị mong muốn có việc, được tăng ca trở lại không diễn ra. Dù đã gắn bó lâu dài với công ty sản xuất phụ tùng ô tô tại đây song không dùi gắng thêm được, chị quyết “dứt áo”, xuống Hà Nội tìm kiếm việc làm đều đặn, ổn định hơn.
Chị Đinh Thị Nguyệt xuống Hà Nội tìm việc làm (Ảnh: Lê Hoa).
Hành lý Nguyệt mang theo chỉ vỏn vẹn balo quần áo, chiếc nồi cơm điện và bộ hồ sơ xin việc. Trong tài khoản chỉ còn chưa tới 500.000 đồng, hơn 1 tuần nay, chị chỉ dám ăn mì tôm qua bữa. Hôm nào “sang” hơn là cắm cơm với một quả trứng hấp trong chính nồi cơm điện. Bởi đồ đạc trong phòng trọ mới chưa có gì.
Tìm việc khó khăn, chị Nguyệt phải nhờ người họ hàng xin giúp vào một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Chờ đến ngày được nhận việc, tháng này chị Nguyệt đã phải đi vay tiền để sống tạm. “Nếu nhanh thì sang đầu tháng sau mới có lương, cũng không biết lấy tiền đâu trang trải cả tháng bây giờ”, chị Nguyệt lo lắng.
Từ 1/3/2023, Công ty TNHH Hosiden Việt Nam (khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) tăng lương cho khoảng 5.500 công nhân đang làm việc, mỗi người thêm 200.000 đồng/tháng. Cùng với đó, trong những dịp nghỉ lễ, công ty vẫn giữ nguyên các chế độ đãi ngộ cho người lao động. Đó là những nỗ lực của công ty nhằm giữ chân người lao động trong bối cảnh thiếu việc, ít việc.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở của công ty thừa nhận, hết quý I/2023 vẫn còn tình trạng giảm đơn hàng, người lao động bị giảm việc. Đơn cử, đơn hàng của tháng 4 đã giảm 25% so với tháng 3. “Đương nhiên đơn hàng giảm thì quy mô về nhân lực sẽ dư dần. Tình trạng thiếu việc còn nghiêm trọng hơn trước tết Nguyên đán”, ông Tân cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn cơ sở của Công ty TNHH Hoisiden Việt Nam (Ảnh: Lê Hoa).
Co kéo đơn hàng, công ty cố gắng duy trì ca làm 8 tiếng/ngày cho công nhân. Việc ít, đương nhiên thu nhập của người lao động sẽ bị ảnh hưởng. Song, lúc này công ty rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ của người lao động.
Thu nhập trung bình năm 2022 là 7,5 triệu đồng/người/tháng, so với các công ty khác trong khu vực thì đây là nơi làm việc ổn định với người lao động. Song sau tết Nguyên đán, khoảng 700-800 người lao động đã nghỉ việc, tìm công việc mới cho thu nhập tốt hơn. Ông Tân giải thích: “Năm nào cũng vậy, sau dịp Tết công nhân sẽ nghỉ khoảng 3%. Năm nay, tình hình cũng tương tự song có điểm bất thường là ngoài tháng 3 nhân sự vẫn chưa ổn định”.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, do đơn hàng xuất khẩu giảm, tiêu dùng nội địa chưa sôi động, nên nhiều ngành bị “kéo xuống” theo chuỗi giá trị.
Theo thống kê từ những doanh nghiệp thuộc hiệp hội, việc làm của người lao động giảm gần 30%. Bên cạnh đó, tiền lương của người lao động “chững lại”, không tăng.
Ông Mạc Quốc Anh nhận định: “Chu kì của nền kinh tế sẽ tạo đáy. Khi đáy hiện nay không vượt qua được sẽ tạo ra một đáy mới, dự báo sẽ xuất hiện cuối năm 2023, đầu năm 2024. Việt Nam nằm trong chuỗi toàn cầu, nên cũng bị ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới. Chính vì vậy, thị trường lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng”.
(Còn tiếp)
Nội dung: Nguyễn Vy – Lê Hoa
Ảnh: Hữu Khoa – Lê Hoa – Nguyễn Vy
12/05/2023