Có nên xuống tiền “bắt đáy”?

Một năm trước, khi loạt thông tin các huyện ngoại thành của Hà Nội và TP.HCM lên quận và quy hoạch cao tốc, khu đô thị,…lập tức khiến giá đất nền các khu vực trên nhanh chóng tăng giá 50 – 70% thậm chí tăng cả 100% trong thời gian ngắn, việc mua bán đồng thời diễn ra tấp nập. Tuy nhiên, tính đến nay, sau một năm nhìn lại, tình trạng “chết trên đống tài sản” đang hiện hữu với nhiều nhà đầu tư đất vùng ven sử dụng đòn bẩy tài chính hoặc có dòng vốn mỏng.

Anh Phạm Xuân Tài, nhà đầu tư đang sở hữu 5 lô đất nền tại Củ Chi, cho biết đang rao bán 3 lô để thu hồi vốn. Một trong số đó nằm ở xã Tân Thông Hội, vị trí mặt tiền đường, tiềm năng lớn, được chào giá 2,7 tỷ đồng, giảm so với đỉnh sốt 1,5 tỷ đồng.

“Tôi giảm giá vì muốn bán nhanh nhằm cơ cấu lại dòng tiền đầu tư, hơn nữa cũng bám trụ ở khu vực này quá lâu rồi. Với mức giá hiện tại, khoản đầu tư vào đây vẫn lỗ do mất gần 3 năm chôn vốn”.

Còn nhớ, cách đây 1 năm, Củ Chi đón nhiều thông tin thuận lợi như lên thành phố hoặc lên quận, sắp làm dự án đường Vành đai 3, cao tốc TPHCM – Mộc Bài… Từng có lúc giá đất nền khu vực này tăng 15 – 30% theo tháng, nhưng đến nay môi giới rời đi, thị trường rơi vào cảnh đìu hiu.

Theo khảo sát, hiện giá đất mặt tiền ở Củ Chi đang được nhiều nhà đầu tư rao bán từ 20 – 25 triệu đồng/m2 (các lô diện tích tiêu chuẩn 100 – 150m2), tùy vị trí, giảm 10 – 15 % so với hồi đầu năm 2022. Các lô diện tích lớn, xa mặt đường, có giá 8 – 16 triệu đồng/m2, giảm trên 20%.

“Mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời – câu nói này chỉ đúng khi mình trường vốn, chứ còn vay ngân hàng để mua thì chỉ có lỗ nặng” – ông Hoàng Văn Linh (48 tuổi), một nhà đầu tư.