25/05/2023 20:24
(PLVN) – Nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hoá vì hiện nay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỷ lệ giảm thuế GTGT đến 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.
Báo cáo thẩm tra, đa số đại biểu trong Ủy ban Tài chính – ngân sách tán thành việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% (từ 10% xuống 8%) theo quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội như đề nghị của Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho người dân và khu vực doanh nghiệp phục hồi và phát triển, đặc biệt trong giai đoạn kinh tế đang có những dấu hiệu suy giảm và các khu vực sản xuất, kinh doanh hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng lưu ý có ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hoá đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định của Luật Thuế GTGT vì hiện nay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỷ lệ giảm thuế GTGT đến 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.
Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể là chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.
Các chuyên gia cũng cho rằng nền kinh tế là một thực thể liên hoàn, ngành được giảm ngành không được sẽ gây khó khăn cho hoạt động kinh tế, tạo ra cách phân biệt đối xử trước những khó khăn chung của doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu thực hiện theo phương án giảm thuế cho tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% sẽ giúp đảm bảo đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho NSNN cũng như nền kinh tế.
Cụ thể, chia sẻ bên hành lang Quốc hội ngày 24/5, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân – Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, Thư ký Bí thư Thành ủy TPHCM – đồng tình với đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% của Chính phủ. Ông Ngân cho rằng, hiện nay, chỉ có chính sách tài khóa mở rộng mới có thể giúp cho nền kinh tế thoát khỏi đà suy thoái.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM.
“Chúng ta có dư địa để làm điều đó. Bởi trong nhiều năm qua, việc thu thuế của doanh nghiệp, thu thuế thu nhập cá nhân… đã làm tổng thu ngân sách tăng, góp phần giảm bội chi, giảm nợ công. Trong tình hình khó khăn hiện nay, chúng ta nên nới lỏng chính sách tài khóa để giải quyết bài toán an sinh xã hội, công ăn việc làm”, ông Ngân nói.
Cũng theo ông Ngân, nên áp dụng giảm thuế VAT cho tất cả các nhóm hàng hóa, dịch vụ bởi các ngành nghề lĩnh vực đều kết nối với nhau. Thị trường tài chính là một thị trường quan trọng góp phần giải quyết bài toàn vốn cho doanh nghiệp. “Cái gì làm dễ, thuận lợi thì nên giảm hết cho đại trà, thậm chí còn có thể kéo giảm thuế VAT sâu hơn”, ông Ngân nhấn mạnh.
Quốc hội thảo luận tại Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trả lời phỏng vấn báo chí, đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh việc giảm thuế VAT sẽ tạo thành một động lực, một cú hích cho tiêu dùng của người dân. “Tôi tin rằng nên kéo dài thời gian, có thể là một năm, hoặc chúng ta có thể tính làm sao đó cho tròn một chu kỳ như chu kỳ phát triển của hàng hóa, chu kỳ của tiêu dùng. Như vậy, mới phát huy hết tác dụng của việc giảm thuế. Nếu mà giảm được, thì mặt hàng nào đã 10% thì giảm xuống 8%, chúng ta không nên phân biệt ra, loại trừ một số mặt hàng này nọ kia. Như vậy sẽ có tính đồng bộ, tạo ra tính toàn diện trong chính sách tài khóa”.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Trương Xuân Cừ – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phân tích: “Đã là khó khăn là khó khăn chung, nếu chi li ra thì có những ngành khó khăn nhiều có những ngành khó khăn ít và có những DN khó khăn nhiều hơn. Tuy nhiên, đại đa số là khó khăn cho nên việc mở rộng các loại hình ngành nghề lĩnh vực để cùng giảm thuế 2% là cần thiết để cũng thể hiện là chính sách của chúng ta công bằng. Nếu các DN ít khó khăn hơn thì người ta cũng có lợi thế trong việc khôi phục đà tăng trưởng và đặc biệt là vấn đề hội nhập với quốc tế để hàng hóa của chúng ta cạnh tranh sẽ tốt hơn, giá thành rẻ hơn thì năng suất cao hơn thì cũng là cần thiết”./.