Việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất được cho là đem lại tín hiệu tích cực cho thị trường. Song trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà đầu tư vẫn đang lưỡng lự có nên chờ lãi suất cho vay bất động sản giảm tiếp hay không.
Ảnh minh hoạ
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, cho rằng giá của các bất động sản được coi là tốt khi mức giá phản ánh được đúng giá trị của sản phẩm, hợp lý với nhu cầu của người mua.
Nhiều phân khúc bất động sản thiếu nguồn cung, thanh khoản tốt, phục vụ nhu cầu ở thực giá vẫn tăng nhẹ hoặc giữ nguyên bất chấp những khó khăn chung của thị trường.
Theo chuyên gia này, lãi suất cho vay đã và đang giảm, có thể còn giảm nhẹ từ nay đến cuối năm theo tinh thần định hướng chung của Chính phủ và NHNN, tất nhiên, còn tùy thuộc vào tình hình thị trường.
Giá bất động sản hiện tại cũng đã và đang giảm nhẹ, có mức giá khá hấp dẫn so với giai đoạn trước. Ở thời điểm này, nhà đầu tư cũng có thể đa dạng danh mục lựa chọn hơn.
“Ở góc nhìn của tôi, thị trường bất động sản sẽ ấm dần và hồi phục từ quý 4.2023. Theo đó, nhà đầu tư có thể chuẩn bị sẵn tiền và danh mục bất động sản để đón cơn sóng phục hồi này”, ông Lực cho hay.
Tuy nhiên, tín dụng cho vay bất động sản vẫn khó là một nút thắt hiện nay.
Ông Lực cho biết, Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành đang đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tăng khả năng tiếp cận vốn của cả chủ đầu tư và khách hàng.
Ngày 11/3/2023 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững, trong đó có câu chuyện liên quan đến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Theo đó, các dự án chuẩn pháp lý, thanh khoản tốt, đúng tiến độ, chủ đầu tư uy tín, người mua nhà với nhu cầu thực, có thu nhập ổn định vẫn luôn có khả năng tiếp cận vốn vay.
“Do vậy, nhà đầu tư phải minh bạch thông tin, khai báo thu nhập chính xác, thiện chí hợp tác với các tổ chức tín dụng thì cung – cầu vốn mới gặp nhau được”, ông Lực nói.
GS.TS Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết cùng thời điểm này năm 2003, thị trường cũng xuống đáy, sau đó có Nghị quyết 06/2004 về một số giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.
Đó cũng là lần đầu chúng ta có nghị quyết về bất động sản. Tiếp đó là Nghị quyết 02 cứu vãn tình thế khó khăn của bất động sản. Sau năm 2013, vốn chủ sở hữu đã hết.
Thời điểm này có ba khó khăn là nguồn vốn hạn chế, pháp lý và cơ cấu thị trường. Hai điều chúng ta đang chờ đợi là nghị quyết của Chính phủ và sửa đổi ba luật.
“Cứ 10 năm một lần, thị trường bất động sản trưởng thành hơn. Thị trường đã tài chính hóa thay vì tập trung hóa”, chuyên gia này đánh giá.
Về nguồn vốn bất động sản, theo ông Chung, nếu một con tàu mới khởi hành thì bắt buộc phải lên tàu mới tới được đích. Nhưng lên tàu phải có vé, hàng hòa đủ đúng quy định của toa tàu và quan trọng là phải dám bước lên.
“Vậy thì chúng ta hành động như thế nào?” vị này đặt vấn đề.
Ông cho rằng, Nhà nước ban hành nghị quyết mới với thị trường bất động sản, gói 120.000 tỉ đồng chỉ là một trong số đó. Quan trọng là thị trường cần minh bạch, chính quy, chỉ số phải tính được.
Một điểm căn bản của thị trường bất động sản cần hướng tới là mọi giao dịch phải chính quy hóa, trừ những giao dịch mang tính cá nhân. Mọi giao dịch của doanh nghiệp bất động sản phải thông qua sàn. Ba luật phải ra đời đồng bộ, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thị trường minh bạch.
“Đối với các doanh nghiệp, muốn lên tàu thì phải mua vé, phải biết bỏ đi những thứ rườm rà, gây cản trở. Phải tin tưởng giai đoạn tới khốc liệt hơn nhưng thành công cũng cao hơn”, ông Chung nhấn mạnh.
Theo ông Đỗ Viết Chiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tình trạng khó khăn có lẽ còn tiếp tục kéo dài một thời gian nữa.
Hiện nay, Chính phủ đang tập trung xử lý để có thể trình Quốc hội Nghị quyết về ba luật liên quan thiết thực đến thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, cùng thông qua tại kỳ họp thứ VI.
“Nếu không có vấn đề gì, sáu tháng sau các luật này sẽ có hiệu lực. Liệu trong thời gian đó, các cơ quan chức năng có kịp thời ban hành các nghị định, thông tư để hướng dẫn, nhằm đưa luật vào thực tiễn hay không? Do đó, chúng ta phải xác định đây là việc lâu dài chứ không thể xong ngay”, ông Chiến nói.