Ngay trong nửa đầu tháng 5, TS Valencia đăng 2 bài viết về Biển Đông là: “Khi rủi ro ở Biển Đông gia tăng, các bên chỉ có một lối thoát là thỏa hiệp” (đăng trên tờ South China Morning Post) và bài “Tránh kịch bản xấu nhất cho Biển Đông” (đăng trên báo Asia Times).
Tàu chiến Trung Quốc trong một lần tập trận ở Biển Đông
Ẩn ý “cây gậy và củ cà rốt”
Về cơ bản, nội dung của 2 bài viết gần như là 1. Theo đó, tác giả cho rằng kể từ sau khi Tòa trọng tài quốc tế (PCA) ở The Hague đưa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thì Bắc Kinh đang tiếp tục gia tăng khả năng kiểm soát vùng biển này bằng tàu dân binh, hải cảnh và thậm chí bằng cả hải quân. Trung Quốc sẽ không từ bỏ yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.
Trong bối cảnh như vậy, tác giả cho rằng một số nước ở khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines và VN đang nỗ lực đẩy lùi hoạt động của Trung Quốc bằng cách tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và các cường quốc ngoài khu vực. Từ đó, TS Valencia cho rằng những hành động này sẽ đẩy căng thẳng quân sự ở Biển Đông lên cao trào, dẫn đến tình huống xấu nhất là bùng nổ xung đột quân sự.
Vị chuyên gia này khẳng định sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc đang tăng lên nhanh chóng, không thể xoay chuyển. Còn phía Mỹ thì khó có thể theo đuổi một khái niệm mơ hồ như “trật tự quốc tế”. Qua đó, TS Valencia ngầm cảnh báo các bên ở khu vực liên kết với Mỹ sẽ gánh hậu quả, “không thể làm được gì ngoài việc rên rỉ, than vãn và cầu xin Mỹ hỗ trợ về mặt quân sự”.
Từ lập luận như vậy, tác giả bài viết khẳng định chỉ có giải pháp duy nhất là phải hợp tác với Trung Quốc dựa trên những cơ sở, chương trình mà Bắc Kinh hoạch định. Trong đó, bao gồm quyền tiếp cận ưu tiên của Trung Quốc – dưới sự phối hợp của các bên – đối với một phần nguồn tài nguyên thủy sản và dầu khí.
Đánh tráo sự thật
Cách phân tích của vị chuyên gia trên không chỉ khiên cưỡng, quy chụp mà còn đổ lỗi.
Cụ thể, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Trong đó, Việt Nam không chỉ nỗ lực tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ mà còn với nhiều bên, bao gồm cả Trung Quốc. Đến nay, tất cả các chương trình hợp tác quân sự mà Việt Nam tham gia đều hướng đến chủ trương giữ gìn hòa bình, ổn định cho khu vực. Việt Nam cũng không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, và cũng không tham gia, tiến hành các hoạt động quân sự làm căng thẳng tình hình Biển Đông. Chính vì thế, hoàn toàn không hề có hành động gọi là hợp tác với Mỹ để đẩy Trung Quốc ra khỏi Biển Đông.
Giọng điệu quen thuộc
TS Valencia (ảnh) là một chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về tình hình khu vực, bao gồm vấn đề Biển Đông. Trước đây, vị chuyên gia này làm việc cho Viện Nghiên cứu quốc gia của Trung Quốc về Biển Đông, dưới thời TS Ngô Sĩ Tồn làm chủ tịch của viện này. Gần đây, TS Valencia giới thiệu đang nghiên cứu tại Viện Hợp tác hàng hải và Quản trị đại dương Huayang (Trung Quốc) – hiện do TS Ngô Sĩ Tồn làm chủ tịch.
Những năm qua, cùng với ông Ngô Sĩ Tồn còn có cộng sự Mark Valencia thường xuyên có những bài viết quy kết mọi bất ổn ở khu vực đều do Mỹ can dự và các nước trong khu vực đã “không biết điều” với Trung Quốc.
Ngược lại, chính Trung Quốc là bên liên tục tăng cường quân sự hóa để kiểm soát Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế. Bắc Kinh đã không ngừng leo thang bằng cách xây dựng hạ tầng phi pháp, triển khai vũ khí hạng nặng trên các thực thể ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Chiến đấu cơ của Trung Quốc thường xuyên có mặt ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Từ năm 2016, Bắc Kinh cũng đã triển khai hệ thống tên lửa đối không ở đảo này, rồi sau đó có thêm tên lửa tấn công tàu chiến YJ-62 và nhiều loại khí tài khác. Cũng từ năm 2016, Trung Quốc đã xây dựng đường băng dài 3.000 m, nhà chứa máy bay cỡ lớn… ở 3 đảo nhân tạo Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Sau khi có hạ tầng, Trung Quốc điều động nhiều loại máy bay quân sự, tên lửa đến khu vực này.
Những hành động đó mới chính là nguồn cơn gây căng thẳng khu vực.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn luôn hướng đến các giải pháp đối thoại để giải quyết bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế. Cũng chính vì thế, mọi giải pháp đều phải công bằng và theo luật pháp quốc tế, chứ không phải dùng sức mạnh quân sự và kinh tế để chiếm lấy quyền “ưu tiên” về khai thác thủy sản, dầu khí ở Biển Đông.