Tại một số công ty bất động sản, các nhân sự khối văn phòng khi bị cắt giảm sẽ được hưởng khoản đền bù hợp đồng khá lớn trong khi những người ở lại đối mặt với nguy cơ giảm lương, tăng khối lượng công việc trong thời điểm kinh doanh khó khăn.
Hình minh họa
Nghỉ Tết sớm và nhận khoản bồi thường hợp đồng
Chị T. từng làm công việc sáng tạo content (nội dung) thuộc phòng marketing tại một tập đoàn bất động sản lớn có trụ sở ở quận 1 (TP.HCM) cho biết vừa nhận được khoản bồi thường hợp đồng tương đương với 2 tháng lương sau khi nhận quyết định chấm dứt lao động vào cuối tháng 11/2022.
“Công ty mình xảy ra biến cố lớn nên cắt giảm nhân sự hàng loạt, chỉ giữ lại những người lâu năm, cộm cán. Khi nghỉ việc, mình còn 6 tháng nữa mới hết hạn hợp đồng nên được công ty đền bù với mức 2 tháng lương. Theo mình được biết thì mức bồi thương dao động từ 2-6 tháng lương tùy vào vị trí và thâm niên của nhân viên”, chị T. cho biết.
Tuy mất việc vào thời điểm cận Tết, khó tìm công việc mới nhưng chị T. vẫn thấy may mắn vì khoản bồi thường đủ để trang trải trong thời gian thất nghiệp.
“Nói thật chứ, may mà được công ty chủ động kết thúc hợp đồng, ít ra mình còn được bồi thường. Trường hợp mà tự xin nghỉ thì coi như tay trắng. Thế nên là đi làm vào thời điểm này ai cũng đùa nhau về việc “được” cho nghỉ việc. Đùa nhưng cũng có phần thật”, chị T. cho biết.
Theo chị T. không phải ai cũng khả năng trụ lại cho đến khi nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng. Bối cảnh công ty gặp khó sẽ đi kèm nhiều áp lực, trong khi lương thưởng giảm xuống thì khối lượng công việc lại tăng lên.
Ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), sau thời điểm chính sách tín dụng gây ảnh hưởng lớn đến thị trường, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Các công ty còn hoạt động phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh thậm chí buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm.
Một giám đốc công ty bất động sản ở huyện Bình Chánh hé lộ, số lượng lớn doanh nghiệp phải cắt giảm 40-50% nhân sự để để có dòng tiền cho các khoản vay đáo hạn trái phiếu. Con số này thậm chí tăng lên đến 60-70% lượng nhân sự ở những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào đòn bẩy tài chính. Số lượng nhân sự ít ỏi còn lại sẽ phải gánh khối lượng công việc lớn, tương đương với đầu việc của 2-3 người trong một thời điểm.
Ở lại và gánh việc của nhiều người
Anh Th., nhân viên truyền thông nội bộ ở một tập đoàn bất động sản ở Hà Nội, cho biết thời điểm cuối năm phải tổ chức nhiều chương trình, sự kiện nội bộ bên cạnh các hoạt động phục vụ kinh doanh nên lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nhân sự hỗ trợ khiến anh cảm thấy lao đao.
“Khối văn phòng, nhân sự nằm trong nhóm ưu tiên bị cắt giảm nên khi đến mùa sự kiện là không biết phải xoay xở như thế nào. Phải huy động thêm phòng ban khác để hỗ trợ. Mà nhờ nhiều cũng ngại vì họ cũng bận mà. Chưa kể, nhờ họ xong, lúc họ cần thì mình cũng phải bố trí thời gian giúp lại nữa, lúc bận quá không biết từ chối sao cho đỡ mất lòng”, anh Th. than phiền.
Thời điểm cuối năm sẽ diễn ra nhiều sử kiện yêu cầu lượng nhân sự lớn hỗ trợ (hình minh họa)
Chị H. nhân viên quan hệ công chúng của một công ty ở TP.Thủ Đức cũng đang suy nghĩ đến việc nghỉ việc vì luôn trong tình trạng quá tải.
“Việc mình chưa hết mà còn phải lo thêm cả việc của phòng marketing nữa. Ngày nào về đến nhà là mình bất tỉnh đến sáng, còn không có thời gian để nấu ăn cho chồng nữa”, chị H. chia sẻ.
Trong khi khối lượng công việc tăng lên, mức lương không tương xứng nên chị H. có ý định nghỉ việc. Tuy nhiên chị H. muốn cố gắng làm hết năm để nhận được khoản thưởng Tết.
“Như mình làm văn phòng nên thu nhập chính vẫn đến từ lương, thưởng Tết, nghỉ bây giờ coi như mất hết công sức cả năm. Nghe bạn bè được công ty chấm dứt hợp đồng được bồi thương mà cũng ganh tị. Mình giữ được việc nhưng sếp đòi hỏi cao, áp lực lớn, khối lượng việc nhiều, ngày nào cũng quá tải, cảm giác lương không tương xứng”, chị H. cho hay.
Chị H. đã chia sẻ với quản lý trực tiếp về việc đàm phán với lãnh đạo, đề xuất tăng lương và thăng chức để có thể phân bổ công việc hợp lý, nếu phía công ty không chấp nhận thì chị sẽ nộp đơn từ chức sau kỳ nghỉ Tết.
Tình hình kinh doang khó khăn, nhân sự bị cắt giảm, những người ở lại phải gánh khối lượng việc lớn (hình minh họa)
Trường hợp của anh X. đang làm chức vụ trưởng nhóm sản xuất sản phẩm marketing của một tập đoàn BĐS ở TP.HCM cũng đang đau đầu suy tính “đi hay ở”. Anh X. mới được tuyển vào sau một đợt “thay máu” nhân sự. Phía lãnh đạo sẵn sàng trả mức lương 1.500 USD (tương đương 35 triệu đồng) anh đề xuất nhưng yêu cầu phải đáp ứng được định mức về doanh số, nếu không sẽ chấm dứt hợp đồng.
“Tôi làm việc đã được 3 tháng, kết quả không được khả quan nhưng thay vì chấm dứt hợp đồng với tôi thì lãnh đạo lại sa thải toàn bộ đội nhóm của tôi. Giờ tôi ở lại rất khó. Chưa kể việc khó tìm tiếng nói chung với lãnh đạo, việc tìm nhân sự mới đáp ứng được yêu cầu của các sếp cũng gần như bất khả thi. Mà với mức lương công ty có thể chi trả thời điểm hiện tại thì rất khó tìm được người có năng lực“, anh X. chia sẻ.
Dù cảm thấy nản lòng nhưng anh X. chưa thể nghỉ việc do công ty vẫn chưa chi trả lương 2 tháng làm việc cho anh. Anh X. lo lắng nếu xin từ chức sẽ bị gây khó dễ, kéo dài thời gian trì hoãn chi trả lương trong khi Tết đang cận kề.