27/03/2023 12:54
(PLVN) – Luật Việc làm được Quốc hội thông qua ngày 16/11/2013 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XI, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động. Tháng 1/2023, tại Nghị quyết số 16 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Chính phủ thống nhất sự cần thiết lập đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).
Phụ nữ nông thôn, phụ nữ trung niên khó tìm việc
Theo Tổng cục Thống kê, tại vùng nông thôn, tỉ lệ phụ nữ làm việc trong ngành nông nghiệp là 63,4%. Phụ nữ nông thôn đã và đang góp phần quan trọng và tăng trưởng kinh tế và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Thời gian qua, các chính sách nhằm nâng cao quyền năng của phụ nữ nông thôn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội ngày càng hoàn thiện. Đến nay, ước tính có trên 46% lao động nữ trong tổng số lao động được học nghề theo các đề án, chương trình của Bộ LĐ-TB&XH.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương vẫn cho thấy còn nhiều thách thức trước mục tiêu tìm việc làm bền vững như tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao và tập trung ở khu vực nông thôn; chất lượng việc làm của lao động nữ nông thôn còn thấp; tính ổn định, bền vững trong việc làm và tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội không cao…
Trao đổi với truyền thông mới đây, Luật sư Đinh Đức Duy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội phân tích một số hạn chế trong triển khai thực hiện Luật Việc làm 2013: Theo quy định của Luật Việc làm 2013, lao động nông thôn được hỗ trợ kinh phí để học nghề. Thực tế, lao động nông thôn, trong đó có lao động nữ, hầu hết được đào tạo một số nghề như trồng trọt, chăn nuôi, đan lát, thủ công mỹ nghệ… Nhiều nghề này có thu nhập thấp, ví dụ nghề mây tre đan, có những người sau khi được đào tạo nghề, theo nghề, thu nhập chỉ được 10 – 20 nghìn đồng/ngày.
Theo thông tin từ Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, nhiều doanh nghiệp không muốn nhận lao động nữ trung niên, chỉ tuyển lao động dưới 35 tuổi. Hiện nay, công việc phù hợp với lao động nữ trung niên là giúp việc gia đình. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ có nhu cầu làm việc này lại ngại đi xa, chỉ muốn đi về trong ngày nên rất khó tìm việc. Tương tự, tại Bắc Ninh, hầu hết lao động nữ ngoài 35 tuổi không được doanh nghiệp tuyển dụng. Vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ nông thôn ở tỉnh Hòa Bình cũng còn nhiều khó khăn như nguồn kinh phí hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm còn hạn chế; kinh phí khảo sát trước khi mở lớp đào tạo nghề và kiểm tra, giám sát sau đào tạo nghề còn hạn chế…
Quan tâm đến lao động nữ khu vực phi chính thức
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến, với nhiều nội dung thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó có nhóm chính sách sẽ tác động đến lao động ở khu vực phi chính thức, lao động yếu thế.
Theo ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Luật Việc làm (sửa đổi) sẽ điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động, bao gồm đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có hợp đồng lao động. Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.
Ở Việt Nam, lao động khu vực phi chính thức phần lớn là lao động nữ ở các ngành nghề thiếu tính bền vững như: giúp việc gia đình, làm thuê trong các nhà hàng… Nhiều người lại không có bằng cấp, chứng chỉ nghề nên thường chịu ảnh hưởng nặng nề trên 4 khía cạnh: việc làm, thu nhập, sức khỏe và quan hệ giới trong gia đình.
Theo ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) có hướng giải pháp góp phần tạo cơ hội, điều kiện cho lao động phi chính thức, nhất là lao động nữ, được tiếp cận với chính sách chính thức hóa việc làm, được thụ hưởng các chế độ hỗ trợ về pháp lý, đào tạo nghề, tham gia BHXH tự nguyện, được cung cấp thông tin về thị trường lao động, được tư vấn, giới thiệu việc làm.
Cụ thể, với nhóm chính sách “Thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững”, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) hướng tới bổ sung các chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách; bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm cho các nhóm lao động đặc thù như người cao tuổi, người đi làm việc ở nước ngoài; việc làm cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ chuyển đổi, “chính thức hoá việc làm phi chính thức”. Bên cạnh đó, có nhóm chính sách “Phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” nhằm hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, phấn đấu đến năm 2030, đạt 35 -40%.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, dự thảo Luật định hướng bổ sung quy định về phát triển kỹ năng nghề, khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia… để tăng cơ hội cho lao động nữ được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng và tham gia đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Từ đó lao động nữ có cơ hội nâng cao trình độ, kỹ năng của bản thân để có cơ hội tìm việc tốt hơn.