Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng dự án gang thép Long Sơn sau khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển đáng kể và qua điểm của tỉnh sẽ không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế – xã hội.
Ngày 30/5, UBND tỉnh Bình Định tổ chức thông tin chủ trương Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho biết, đây chỉ là buổi thông tin bước đầu về dự án để người dân biết và tỉnh lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con.
Toàn cảnh buổi thông tin chủ trương về dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn. Ảnh: Báo Thanh Niên
Hồi cuối năm 2022, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu có tổng vốn đầu tư 53.500 tỷ đồng. Hiện công ty này tiếp tục đăng ký đầu tư xây dựng Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn giai đoạn 1 tại xã Hoài Mỹ với tổng vốn đầu tư dự kiến 6.800 tỷ đồng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết: “Bình Định muốn phát triển cần có các dự án lớn, đầu tàu, dẫn dắt, tạo cú hích. Theo đó, dự án đầu tàu phải phù hợp với quy hoạch tổng thể và phù hợp với quy hoạch vùng theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tổng thể dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn
Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn được xác định là một trong những dự án có vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo cú hích để phát triển kinh tế tỉnh nhà”.
Tuy nhiên, ông Phạm Anh Tuấn khẳng định, quan điểm nhất quán của tỉnh Bình Định là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế.
Hiện nay, dự án này mới triển khai các bước ban đầu, còn rất nhiều bước tiếp theo, như giai đoạn nghiên cứu, khảo sát, kiểm tra, lập dự án, phương án bảo vệ môi trường, công nghệ…; tổng hợp các nội dung này để xây dựng Đề án đầu tư trình Chính phủ, các Bộ, ban, ngành T.Ư thẩm định, phê duyệt thì dự án mới có thể triển khai được.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, dự án này muốn được tỉnh thông qua trước khi triển khai đầu tư phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, hiện đại; đảm bảo môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam; người dân bị ảnh hưởng của dự án khi tái định cư phải có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn; dự án không vi phạm phạm vi bảo vệ các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên đã được công nhận trên địa bàn; địa danh thôn Lộ Diêu và các tổ chức chính trị xã hội của thôn Lộ Diêu được giữ lại như hiện nay.
“Nếu dự án không đảm bảo các nguyên tắc nêu trên thì tỉnh Bình Định sẽ không chấp thuận thông qua việc trình đề án đầu tư”, ông Tuấn cho biết thêm.