“Nhớ” những hợp đồng vài tỷ
Đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ Tết 2023, anh N.Đ.L. (43 tuổi, ngụ tại TPHCM) chưa nhận được bất kỳ dự án, công trình xây dựng nào. Anh L. làm trong lĩnh vực xây dựng, với vị trí là nhà thầu được 23 năm. Kể từ đợt suy thoái kinh tế năm 2007 đến nay, giờ doanh nghiệp của anh lại rơi vào cảnh không có việc để làm như hiện tại.
Nhân sự ngành xây dựng lao đao trước tình trạng thiếu công trình thi công, thiếu việc làm cho thợ (Ảnh minh họa: T.N.).
Trong quý I/2023, anh L. đã báo giá, làm việc với hơn 30 chủ nhà mà chẳng thể đặt bút ký bất kỳ hợp đồng nào trong khi cùng kỳ năm ngoái, công ty vẫn đều đặn làm 2 dự án/tháng.
“Khoảng từ cuối tháng 11/2022 tôi đã thấy nhiều dấu hiệu bất thường. Thời điểm cuối năm đáng ra là lúc nhận hợp đồng sửa chữa rất nhiều. Thế nhưng thực tế, tình trạng thiếu đơn hàng đã bắt đầu và kéo dài liên tục”, anh L. thở dài nói.
Theo nam nhà thầu, thị trường xây dựng gặp khó khăn khi người dân thắt chặt kinh tế, hạn chế tối đa việc sửa chữa hay xây dựng nhà cửa nên các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành không có dự án làm.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh trên thị trường về giá nguyên vật liệu, thuê nhân công… ngày càng găng khiến anh L. đau đầu, bạc tóc.
“Đội chúng tôi có 10 người, giờ chỉ giữ lại được 3 người. Không có việc nên phải giải tán bớt nhân sự, giờ cố gắng gồng giữ 3 người thợ cứng, duy trì mức lương một nửa so với khi có việc”, anh L. chia sẻ.
Thợ xây ngày càng chật vật hơn, thu nhập không đủ sống khi chủ thầu không nhận được công trình hoặc việc thi công bị ngưng trệ vì thiếu vốn (Ảnh minh họa: Đ.P.).
Trước đó, mỗi thợ xây trong đội của anh L. có việc làm đều đặn. Mỗi ngày, một nhân công được trả 500.000-600.000 đồng. Kể từ khi không có đơn hàng, thợ chính của anh vẫn phải đi phụ những việc nhỏ lẻ kiếm được ở các công trình, với thu nhập chỉ còn 200.000-250.000 đồng/ngày.
Không dừng lại ở đó, anh L. đã phải “xuống thang” nhiều lần, thay vì chỉ nhận các dự án lớn như xây nhà, căn hộ chung cư… với giá trị hợp đồng vài ba tỷ đồng, giờ đây anh phải nhận gia công một căn phòng, sửa chữa một… góc nhà với giá chỉ còn 3-5 triệu đồng, cố lắm mới có chỗ lên được hơn 10 triệu.
“Bây giờ không có sự lựa chọn nào khác, dù hợp đồng có nhỏ mức nào tôi cũng sẽ nhận. Bởi làm như vậy thì mới có thêm chi phí gồng gánh, trả nhân công”, anh L. bộc bạch.
Chị Đ.T.T.Q. (quê tại An Giang, 42 tuổi) cho biết, có lời mời của nhà thầu nên chị lên Đồng Nai làm thợ xây. Tuy nhiên, vừa làm được 2 ngày đã rơi vào cảnh “ngày làm, ngày nghỉ”.
“Tôi không biết vì sao bỗng dưng chủ thầu báo không còn công trình nữa. Công việc bất ổn, lương cũng giảm, còn có 250.000 đồng/ngày làm việc. Với số tiền đó, tôi không thể xoay xở được”, chị Q. nói.
Khoảng thời gian đó chị Q. nói là khó quên nhất, khi thu nhập không có, nhưng các chi phí như nhà trọ, ăn uống… chị vẫn phải cắn răng đóng đủ.
“Lúc đó tôi sống lay lắt lắm, có gì ăn nấy. Ở quê gia đình cũng phải gửi đồ lên “tiếp tế” để tôi đỡ được đôi chút chi phí tại thành phố”, chị Q. thở dài.
Kỳ vọng đến hết năm
Bám trụ ở Đồng Nai được 3 tháng kể từ ngày bị giảm việc, chị Q. đành cùng chồng về quê, tìm công việc mới. Mà không chỉ vợ chồng chị, đồng nghiệp trong công trình nơi chị làm việc đã giải tán gần hết, mọi người quay về quê chờ đợi, hi vọng đến hết năm có thể đi làm trở lại.
Chị Q. chia sẻ, nhà thầu nơi chị làm việc hiện cũng đang ráo riết tìm công trình để cố giữ việc làm cho nhân công. Bản thân chị cũng mong mỏi trong năm nay, lĩnh vực xây dựng phục hồi để vợ chồng chị quay lại.
“Ở quê thì chỉ có thể làm những việc lặt vặt thôi. Bản thân tôi cũng muốn tới các tỉnh thành khác để làm việc, tạo thêm thu nhập. Không phải riêng tôi, nhiều thợ xây khác cũng đang cảnh ngóng việc. Tôi đã hơn 40 tuổi rồi, giờ chỉ hi vọng vào các công việc thời vụ này chứ không thể làm công nhân nữa”, chị Q. nói.
Cả chủ thầu và thợ xây đều mong đến giữa năm 2023, thị trường sôi nổi trở lại (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).
Những khó khăn trong công việc đang khiến anh L. khó khăn, chật vật lo cuộc sống gia đình. Anh L. liên tục phải vay mượn tiền từ bạn bè, ngân hàng để duy trì công việc, sinh hoạt đời sống. Đến nay, anh đã mang nợ mấy trăm triệu.
Hiểu đây là tình trạng khó khăn chung, bản thân anh L. cũng chủ động gồng gánh, chỉ mong cho sớm qua cảnh này. Đến tháng 6/2023, nếu không thể trụ được trong ngành, anh dự định chuyển sang làm quán cà phê, quán ăn nhỏ để kiếm sống, nuôi gia đình.
Nam nhà thầu xây dựng cho hay, thời điểm còn ổn định, công việc cho anh L. nguồn thu nhập tốt. Nhớ lại thời điểm năm 2007 từng phá sản vì không có công trình như hiện nay, anh nhẩm tính, đến năm 2010 đã “phất” lại, nhanh chóng mua nhà, mua xe khi công việc thuận lợi.
“Ngành này trước sau gì cũng sẽ hồi phục, quan trọng là bản thân mình có vượt qua được khoảng thời gian phải gồng gánh như này hay không thôi. Không chỉ riêng tôi, các đồng nghiệp cũng đang gặp tình trạng tương tự. Nhiều người hàng ngày đi khắp nơi tìm kiếm đối tác đến tận khuya, nhưng vẫn tay trắng ra về”, anh L. rầu rĩ.