Các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét tổng thể, toàn diện giao dịch, ý chí thực sự của các bên… để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan.
Tại nhiều địa phương, số vụ việc cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản bằng giao dịch dân sự thể hiện dưới dạng hợp đồng giả cách có dấu hiệu ngày càng gia tăng.
Vay tiền nhưng che giấu bằng giao dịch dân sự khác
Hợp đồng giả cách được hiểu là hợp đồng mà các bên giao kết nhằm mục đích “che giấu đi một hợp đồng khác” và thông qua đó để trục lợi, chiếm đoạt tài sản khi có sự vi phạm nghĩa vụ trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Cho vay lãi nặng núp bóng hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có dấu hiệu gia tăng
Ninh Thuận đề nghị xử lưu động một số vụ án cho vay lãi nặng
Để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến tín dụng đen, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có công văn đề nghị VKSND, TAND tỉnh lựa chọn xét xử điểm, lưu động một số vụ án sử dụng công nghệ cao để hoạt động cho vay lãi nặng; phạm tội có tổ chức, chuyên nghiệp, côn đồ, dùng thủ đoạn tinh vi.
UBND tỉnh lưu ý nhất là các vụ án gây bức xúc trong dư luận; qua đó xử lý tận gốc loại tội phạm liên quan đến tín dụng đen nhằm giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung.
Cụ thể, các giao dịch vay mượn tiền nhưng lại được che giấu bằng một giao dịch dân sự khác như hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), cam kết chuyển QSDĐ hoặc cam kết thực hiện một nghĩa vụ nhất định không có trên thực tế…
Cơ quan chức năng khó xác định hành vi vi phạm do quá trình thực hiện rất tinh vi, các cá nhân, tổ chức cho vay nắm rõ các quy định của pháp luật đã xây dựng các hợp đồng giả cách nhằm che đậy hành vi cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản, ép nạn nhân vào bẫy “hình sự” một khi không còn khả năng chi trả.
Trước tâm lý sợ “phạm tội” của nạn nhân, các chủ nợ từng bước tiến đến cưỡng đoạt tài sản trước sự ngỡ ngàng, bức xúc của gia đình nạn nhân.
Có thể thấy cho vay lãi nặng hiện nay là một vấn nạn diễn ra ở hầu hết các địa phương trên cả nước với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi, che giấu bằng các giao dịch dân sự thể hiện bằng các hợp đồng theo quy định của pháp luật. Do đó, phần lớn những người đi vay luôn phải chịu hậu quả bất lợi về mặt pháp lý khi xảy ra tranh chấp.
Cần xem xét toàn diện giao dịch, ý chí thực sự của các bên
Khi vụ việc được các cơ quan nhà nước thụ lý thì quyền lợi của người vay cũng khó được đảm bảo vì tất cả giấy tờ giao dịch, hợp đồng đều có lợi đối với bên cho vay. Thậm chí có trường hợp người vay sợ bị đe dọa, uy hiếp danh dự, uy tín và tính mạng của mình hoặc gia đình nên không dám làm đơn tố cáo, dẫn đến những hệ lụy rất lớn cho xã hội. Đã có nhiều trường hợp không trả được nợ dẫn đến tự tử, ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, kinh tế, xã hội tại địa phương.
Khi giải quyết vụ việc, bên cạnh hợp đồng, thỏa thuận đã giao kết, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét một cách tổng thể, toàn diện về mối quan hệ giao dịch, ý chí thực sự của các bên tại thời điểm giao kết cũng như các yếu tố có liên quan như giá trị tài sản, có yêu cầu thực hiện thủ tục sang tên hay không, mục đích của việc trả lãi hằng tháng… để có thể xác định giao dịch dân sự “thật” hay chỉ là “giả cách”. Có như vậy mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên có liên quan trong giao dịch dân sự.
Đây là hồi chuông cảnh báo những người đã và đang vướng vào các đường dây cho vay lãi nặng. Trường hợp người vay bị các đối tượng lưu manh, côn đồ đe dọa, hành hung thì phải thật sự bình tĩnh, mạnh dạn tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của những cá nhân, tổ chức cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản đến cơ quan công an để đấu tranh, xử lý góp phần đẩy lùi vấn nạn nguy hiểm đang đội lốt các giao dịch dân sự này ra khỏi đời sống xã hội.
Vay tiền thành nhận đặt cọc bán nhà giá rẻ
Ông L cho ông H vay 500 triệu đồng. Ông L yêu cầu ông H viết giấy vay tiền dưới dạng “hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng QSDĐ“ đối với thửa đất bán cho ông P, nội dung xác định giá trị thửa đất là 700 triệu đồng. Đến hạn trả nợ, ông H không trả cho ông L tiền gốc và lãi. Ông L tố ông H lừa đảo.
Tại cơ quan điều tra, ông H khai vay 500 triệu đồng với lãi suất cao, trong khi ông L khai ông H nhận 500 triệu tiền cọc để bán đất và cung cấp “Hợp đồng đặt cọc” có chữ viết, chữ ký của ông H.
Xác định ông H có hành vi lừa đảo nên cơ quan điều tra khởi tố ông H. Tuy nhiên, VKS nhận định rằng có việc ông H vay tiền của ông L, được thể hiện dưới dạng “Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng QSDĐ“ vì giá trị QSDĐ giao dịch 700 triệu đồng là quá chênh lệch so với giá trị định giá tài sản (2,7 tỉ đồng) và giá trị thực tế giao dịch giữa ông H bán cho ông P (3 tỉ đồng).
Lịch sử giao dịch ngân hàng cho thấy sau khi nhận tiền vay từ ông L, những ngày sau đó ông H đã chuyển cho ông L nhiều lần, mỗi lần 5-50 triệu đồng, thể hiện việc trả lãi cho việc vay tiền như ông H đã khai…
Bẫy ngọt ngào cho vay tiền đầu tư
Anh NT quen biết bà TM qua vài giao dịch mua bán bất động sản. Bà TM đề nghị hỗ trợ tài chính cho anh NT đầu tư bất động sản và nhận đáo hạn các khoản vay khi có yêu cầu. Bà TM tính lãi 0,3%-0,5%/ngày, tùy khoản vay.
Từ năm 2020 đến giữa năm 2022, anh NT vay tiền của bà TM và đã thanh toán mức lãi như trên. Đến cuối năm 2022, bà TM tính lãi suất những khoản vay là 0,3%/ngày và lấy lãi cộng vào vốn vay gốc.
Từ khi vay của bà TM, anh NT phải trả hơn 40 tỉ đồng lãi và gốc. Cuối năm 2022, do không còn khả năng trả lãi nên anh NT xin được trả phần gốc nhưng bà TM buộc anh ký nhiều hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ủy quyền mua bán bất động sản và ô tô qua cho bà TM và những người khác do bà TM chỉ định, dù biết các tài sản này đang được thế chấp. Giá trị giao dịch trong các hợp đồng này cao hơn nhiều lần giá trị thực của tài sản. Anh NT còn bị buộc ký rằng đã nhận đủ tiền.
Sau đó, bà TM lại tố cáo anh NT lừa đảo do các tài sản đang thế chấp mà anh vẫn ký hợp đồng đặt cọc. Hiện cơ quan điều tra đang thụ lý giải quyết.