Trên cánh đồng Tha Lọt (xã An Cư, huyện Tịnh Biên), bà con Khmer thu hoạch lúa vụ thu đông. Ảnh: Phương Nghi
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên rõ rệt
Vào các phum, sóc của đồng bào Khmer An Giang, dễ dàng nhận ra bức tranh nông thôn đã hoàn toàn thay đổi. Rõ nhất là hệ thống giao thông đã thông suốt, không chỉ tạo điều kiện cho việc đi lại giữa các xã, thị trấn thuận tiện, mà còn hỗ trợ nhân dân vận chuyển hàng hóa nông sản miền núi về đồng bằng, về trung tâm huyện, chợ lỵ… Sở dĩ có được kết quả đó là do, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh An Giang thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về giảm nghèo, đa dạng hóa các giải pháp hỗ trợ, giúp người nghèo nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Men Pholly Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết: “Để hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, An Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp giúp hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo. Thực hiện hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội tại huyện nghèo, trong năm 2022, An Giang thực hiện nâng cấp 17 công trình, bảo dưỡng 15 công trình, với tổng vốn đầu tư trên 66 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ 60 tỷ đồng).
Để đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, tỉnh được phân bổ trên 13,6 tỷ đồng (ngân sách Trung ương gần 12,4 tỷ đồng); triển khai 27 mô hình giảm nghèo cho 810 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia và triển khai 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, hỗ trợ 263 hộ tham gia dự án (132 hộ nghèo, 109 hộ cận nghèo và 109 hộ mới thoát nghèo) với kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mở 179 lớp đào tạo nghề trình độ ngắn hạn cho gần 5.400 học viên là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng. Qua đó, giúp cho người lao động có được kiến thức, kỹ năng nghề, góp phần tạo việc làm nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
“Nếu đầu năm 2022, toàn tỉnh có 20.129 hộ nghèo (chiếm 3,82%), đến cuối năm, còn 14.872 hộ nghèo (chiếm 2,81%) theo tiêu chí nghèo đa chiều; hộ nghèo là người DTTS còn 3.161 hộ (chiếm 11,70% tổng số hộ DTTS), giảm 3,15% so với đầu năm. Hộ cận nghèo giảm còn 24.370 hộ (chiếm 4,61%), giảm 1,32% so với đầu năm” – ông Men Pholly nói.
Điển hình như gia đình chị Néang Sóc Kha, ở ấp Núi Đá (xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn). Thuộc diện hộ nghèo, nhưng nhờ được hỗ trợ dụng cụ để khôi phục nghề truyền thống nấu đường thốt nốt, nên cuộc sống gia đình chị ngày càng sung túc hơn. Chị Sóc Kha kể: “Lúc trước, cuộc sống rất bấp bênh, không có vốn nên công việc nấu đường gặp khó khăn. Nhờ Nhà nước hỗ trợ vốn mua nồi, dụng cụ nấu nên giờ mở rộng quy mô. Ngoài gần chục cây thốt nốt của gia đình, mình còn thuê thêm 20 cây thốt nốt của bà con trong sóc để lấy nước nấu đường mỗi ngày”.
Thượng tọa Chau Phrốs, Sãi cả chùa Thơm Mít (xã Vĩnh Trung, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) thì chia sẻ: “Đời sống của đồng bào Khmer vùng Bảy Núi ngày càng khá hơn, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng các chương trình dự án chính sách cho người dân tộc… Tại các xã Vĩnh Trung, Văn Giáo, An Cư, Núi Voi (thị xã Tịnh Biên)…, bà con Khmer trồng rau màu, làm lúa 2 vụ và 3 vụ nên không còn sợ đói như trước, thậm chí, nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả, cho con cái đi học đàng hoàng. Nhiều khu vực hẻo lánh được Nhà nước quan tâm phát triển tuyến đường dây điện thắp sáng và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng. Rồi bà con chung tay xây dựng xóm, ấp và phum, sóc ngày càng tiến bộ”.
Có thể khẳng định, qua thời gian thực hiện các chính sách dân tộc, với sự hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hệ thống thủy lợi và cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình phúc lợi dân sinh, đời sống vật chất, tinh thần và trình độ dân trí của đồng bào Khmer được nâng lên rõ rệt.
Nỗ lực chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh An Giang đã ban hành chương trình giảm nghèo bền vững, trọng tâm là các huyện nghèo. An Giang phấn đấu hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm bình quân 1 – 1,2%/năm; hộ nghèo DTTS giảm từ 3 – 4%/năm. Đến cuối năm 2025, huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; hộ nghèo ở huyện nghèo giảm bình quân 2%/năm.
Chị Néang Sóc Kha, nhờ được vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đã khôi phục nghề nấu đường thốt nốt nên cuộc sống ngày càng sung túc hơn. Ảnh: Phương Nghi
Theo đó, tỉnh An Giang triển khai với 7 dự án và 11 tiểu dự án. Cụ thể, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực giám sát, đánh giá chương trình… với tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 827 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 733 tỷ đồng, ngân sách địa phương hơn 73 tỷ đồng (gồm vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp), còn lại huy động các nguồn hợp pháp khác.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết: An Giang sẽ hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất – kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống ở các huyện nghèo. Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ dân trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập.
Với sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng và đời sống trong vùng đồng bào DTTS tỉnh An Giang đã thay đổi đáng kể. Đây là động lực, là niềm tin để đồng bào Khmer An Giang đồng lòng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
“An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội, nhất là người dân, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” cần tiếp tục được đổi mới, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng”.- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước khẳng định
Phương Nghi