Biên phòng – Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đang thu hút nhiều sự quan tâm của người lao động bởi những điểm mới. Bên cạnh ý kiến đồng thuận, vẫn còn không ít băn khoăn về cách tính lương hưu, tuổi nghỉ hưu, các chế độ đi kèm có đủ hấp dẫn người dân không rút BHXH.
Luật BHXH sửa đổi lần này muốn bền vững cần giải quyết được những vấn đề bất cập trong đời sống hiện nay và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Ảnh minh họa
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Luật BHXH (sửa đổi) lần này gồm 5 nhóm chính sách, được chi tiết hóa thành 18 nội dung lớn với những điểm mới nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành như: Công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo. Giảm số năm đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm để hưởng lương hưu. Hướng mục tiêu đến năm 2030, trên 60% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH ở cả hình thức bắt buộc và tự nguyện…
Đây là đích đến bao phủ BHXH toàn dân nhằm giải quyết bài toán an sinh xã hội mang tính cấp thiết và lâu dài, khi dân số Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa.
Tuy nhiên, việc siết chặt điều kiện hưởng chế độ rút BHXH một lần với 2 phương án, trong đó có phương án không được rút quá 50% tổng thời gian đã đóng BHXH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Theo nhiều chuyên gia lao động, khó có phương án tối ưu tuyệt đối, thay vì mang tính áp đặt nên để người lao động được quyền lựa chọn phương án phù hợp. Luật sửa đổi cần đưa ra 2 phương án để người lao động được quyết định: Có quyền rút BHXH một lần hoặc 50% BHXH. Như vậy thì mới dung hòa được quyền lợi của cơ quan BHXH cũng như người lao động khi nghỉ việc.
Hiện nay, thách thức rất lớn đặt ra cho ngành BHXH là tình trạng rút BHXH một lần diễn ra ngày càng nhiều. Có thời điểm, số người rút còn nhiều hơn số người đóng BHXH.
Đáng lo ngại là người lao động nhận BHXH một lần ngày càng trẻ hóa, thời gian đóng BHXH thấp, nhất là lao động trong các ngành nghề dệt may, da giày, điện tử… Nếu năm 2014, độ tuổi bình quân nhận BHXH một lần xấp xỉ 40 tuổi thì đến năm 2022 độ tuổi bình quân rút BHXH một lần dưới 35 tuổi.
Nguyên nhân là nhiều lao động do mất công ăn việc làm, thu nhập giảm sút nên không ngần ngại rút số tiền tích cóp nhiều năm đóng BHXH để trang trải cuộc sống trước mắt. Nhiều lao động làm trong lĩnh vực chuyên môn không cao, không đủ sức làm việc cường độ cao trong thời gian dài, nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động sớm và mức hưởng lương hưu thấp… cũng không đủ kiên trì để thực hiện đóng BHXH đủ năm.
Đó là một trong những lí do khiến khoảng 20.000 người đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng BHXH đủ 20 năm, người lao động đã phải lựa chọn đóng một lần để hưởng lương hưu. Trong số người hưởng BHXH một lần, có 300 nghìn người đã có thời gian đóng BHXH trên 10 năm.
Những quy định hiện hành về số năm đóng BHXH tối thiểu để nhận lương hưu đang gây khó khăn cho nhiều người lao động hưởng các chế độ BHXH. Đó là khi hết tuổi lao động, lúc đau yếu, họ đứng trước nguy cơ không được bảo hiểm chi trả các chế độ an sinh mà mình đã từng tham gia, trong đó có cả chế độ tử tuất.
Mặt khác, các đề xuất nhằm bảo lưu thời gian đóng BHXH và tạo cơ hội cho những người tham gia muộn từ trên 45 tuổi được hưởng lương hưu chưa phù hợp thực tế. Bởi, người lao động trực tiếp ngoài 40 tuổi khó duy trì công việc đòi hỏi sức khỏe. Trong khi hầu hết doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước chủ yếu tuyển dụng lao động trẻ. Do đó, Luật BHXH sửa đổi cần đồng bộ với các quy định pháp luật khác để đảm bảo quyền lợi người lao động, đặc biệt là lao động lớn tuổi.
Rõ ràng, Luật BHXH sửa đổi lần này muốn bền vững cần giải quyết được những vấn đề bất cập trong đời sống hiện nay và nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân. Các chính sách cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng một cách khách quan, toàn diện và có tầm nhìn, để thu hút người lao động gắn bó, tham gia BHXH lâu dài.
Thanh Thảo