Thời gian qua, tại địa bàn tỉnh Khánh Hoà, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện vai trò và sự ưu việt, như là giá đỡ vững chắc của hệ thống an sinh, bảo vệ người lao động trước sự giảm sút về thu nhập. Để hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa cũng như những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh, Báo Lao động và Xã hội (baodansinh.vn) đã có cuộc phỏng vấn ông Chu Văn Công, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa.
PV: Thưa ông, vai trò bảo hiểm thất nghiệp đối với lao động có ý nghĩa ra sao và thực tế thời gian qua vai trò này được chứng minh rõ nét thế nào trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa?
– Ông Chu Văn Công: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đi vào cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động, thực sự là điểm tựa của cả người lao động và người sử dụng lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, được các ngành, các cấp và xã hội đánh giá cao. Vai trò của bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động là khi người lao động không may bị mất việc làm và có đủ điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng nhằm bù đắp một phần thu nhập để duy trì cuộc sống trong thời gian đi tìm việc làm mới; được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp; được Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề để người lao động sớm quay lại thị trường lao động.
Tính đến ngày 31/12/2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa tiếp nhận 11.153 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tham mưu Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa ban hành 11.615 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó: Nam 5.491 người (chiếm tỷ lệ 47,28%), nữ 6.632 người (chiếm tỷ lệ 52,72%), lao động trong độ tuổi dưới 24 tuổi là 521 người (chiếm tỷ lệ 4,49%), lao động trong độ tuổi từ 25 tuổi đến 40 tuổi là 8.255 người (chiếm tỷ lệ 71,07%), lao động trong độ tuổi từ 40 tuổi trở lên 2.839 người (chiếm tỷ lệ 24,44%).
Ông Chu Văn Công-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa.
Số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2022 là 11.153 người, giảm 6.6% so với năm 2021 (11.940 người). Trung tâm đã thẩm định tham mưu Sở LĐ-TB&XH ban hành 11.615 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, giảm 4,06% so với năm 2021 (12.106 người). Tư vấn giới thiệu việc làm cho 100% người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2022, 999 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tìm được việc làm mới, tăng 3,3% so với năm 2021. 258 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, tăng 141,12% so với năm 2021.
Trong tháng 1/2023, số người nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp là 412 người, giảm 24,5% so với tháng 1/2022 (546 người). Đã tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm cho 100% người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thẩm định tham mưu lãnh đạo Sở ban hành 479 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề cho 31 người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề trong tháng 1 năm 2023 là gần 11 tỷ đồng.
PV: Thời gian qua việc triển khai thực hiện chi trả bảo hiểm thất nghiệp, cũng như tác động của bảo hiểm thất nghiệp đối với thị trường lao động và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn ra sao, thưa ông?
– Ông Chu Văn Công: Thời gian qua, việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp do Bảo hiểm xã hội tỉnh Khánh Hòa chi trả, sau khi có quyết định của Sở LĐ-TB&XH. Năm 2022, số tiền chi trả cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp gần 224,2 tỷ đồng, trong đó số tiền hỗ trợ học nghề cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp lhơn 1,2 tỷ đồng.
Người lao động đăng ký tư vấn bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa
Tại địa bàn tỉnh Khánh Hoà, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thể hiện vai trò và sự ưu việt của mình, như là giá đỡ vững chắc của hệ thống an sinh, bảo vệ người lao động trước sự giảm sút về thu nhập. Tác động này đặc biệt hữu ích trong giai đoạn khủng hoảng khi nhân sự bị cắt giảm ngoài mong muốn của doanh nghiệp và người lao động. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề cho người người lao động để người lao động tìm được việc làm mới,sớm quay lại thi trường lao động.
Bảo hiểm thất nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong quá trình sử dụng nhân lực của xã hội. Bảo hiểm thất nghiệp giúp đảm bảo một phần an sinh xã hội khi giải quyết được một khó khăn cho người lao động khi họ bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề…
PV: Để tiếp tục phát huy chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong đảm bảo an sinh xã hội, trong thời tới, địa phương sẽ triển khai các giải pháp gì?
Ông Chu Văn Công: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự đi vào cuộc sống, hỗ trợ tích cực cho người lao động thất nghiệp, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người lao động tích cực tham gia và đánh giá cao, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ bảo hiểm thất nghiệp, nâng cao kỹ năng tư vấn việc làm, thu thập phân tích thị trường lao động
Trong thời gian tới, để phát huy chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trước hết cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông theo các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chú trọng đến người lao động và các tổ chức công đoàn để người lao động biết để kiểm tra, giám sát, được bảo vệ quyền lợi về việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hạn chế việc người sử dụng lao động đóng không đầy đủ, nợ đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, dẫn đến khi người lao động bị mất việc làm thì không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho người động không may bị mất việc làm, có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, tránh thời gian chờ đợi.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Khánh Hòa tư vấn, hướng dẫn người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thực hiện đúng quyền lợi cũng như trách nhiệm để hạn chế người lao động nhận tiền trợ cấp thất nghiệp sai quy định; được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp tương ứng với thời gian còn lại mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp.
Từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề để tăng tỷ lệ người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tìm được việc làm mới, sớm quay lại thị trường lao động, như mục tiêu chính của chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã đặt ra.
PV: Xin cảm ơn ông!