Năm nay, ngày Giỗ tổ Hùng Vương rơi vào thứ Bảy, 29/4 Dương lịch, nối liền với dịp nghỉ lễ ngày Chiến thắng, chủ nhật, 30/4 và ngày Quốc tế lao động, thứ hai, 1/5.
Theo kế hoạch đã được Chính phủ duyệt, ngày 29 và 30/4 nghỉ lễ trùng với ngày nghỉ cuối tuần nên người lao động được nghỉ bù vào ngày thứ ba, thứ tư của tuần tiếp theo đó.
Như vậy, dịp này, người lao động trong đó có nhân viên ngân hàng sẽ được nghỉ tổng cộng 5 ngày, từ thứ bảy, ngày 29/4/2023 đến hết thứ tư, ngày 3/5/2023.
Theo thông báo, nhiều ngân hàng sẽ mở cửa giao dịch trở lại bình thường từ thứ Năm, ngày 4/5.
Như vậy, dịp lễ này nhân viên ngân hàng có thể nghỉ tối đa 5 ngày, ngoại trừ một số ít ngân hàng vẫn mở cửa giao dịch sáng thứ bảy thì nhân viên sẽ phải đi làm vào thời gian này để giải quyết công việc.
Theo lịch nghỉ lễ , Tết năm 2023, đây cũng là kỳ nghỉ dài thứ hai trong năm với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Quy định nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được áp dụng từ năm 2007. Theo Bộ luật Lao động năm 2019 hiện hành, tổng số ngày nghỉ lễ, Tết của người lao động trong năm theo quy định là 11 ngày.
Tiếp sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động sẽ được nghỉ Quốc khánh năm 2023 trong 4 ngày liên tục.
Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người đó.
Với quy định này, việc có thưởng cho người lao động hay không sẽ được xác định dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người đó. Điều này được quyết định bởi người sử dụng lao động.
Do đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn thưởng hoặc không thưởng cho người lao động nhân dịp nghỉ ngày Chiến thắng 30/4 và Quốc tế lao động 1/5.
Tuy nhiên, nếu quy chế thưởng của doanh nghiệp hoặc trong các thỏa thuận khác với người lao động có ghi nhận về việc thưởng tiền hoặc hiện vật vào dịp này, doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng cam kết.