Hội chứng “sợ hãi ngày chủ nhật”
Một tuần chỉ làm việc 4 ngày có thể giúp các nhân viên giảm bớt hội chứng “sợ hãi ngày chủ nhật”. Đó thường là cảm giác lo lắng phải đi làm vào sáng thứ 2, đặc biệt là với những người còn công việc từ tuần trước chưa xử lý xong.
Chuyên gia tâm lý học thần kinh, Tiến sĩ Susanne Cooperman cho biết, “Sunday Scaries” hay “hội chứng sợ ngày chủ nhật” là hiện tượng tâm lý ngày càng phổ biến, xuất phát từ việc con người cảm nhận được nỗi sợ dù chưa chính thức đối mặt với vấn đề.
Nhiều người lao động đối diện với hội chứng sợ ngày chủ nhật (Ảnh: Forbes).
Từ vấn đề này, Qwick, một công ty hoạt động trong lĩnh vực khách sạn tại Mỹ, quyết định cắt giảm thời gian làm việc của người lao động xuống còn 32 giờ/tuần, tương đương với 4 ngày trong tuần.
Sau hơn một năm thực hiện, 32% nhân viên công ty cho biết, họ thấy thoải mái và sẵn sàng tinh thần làm việc vào thứ 2. Số lượng nhân viên cảm thấy bị căng thẳng trong thời gian làm việc giảm 12%. Nhìn chung, người lao động cho rằng, họ có sự cải thiện đáng kể về việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Những kết quả trên phản ánh bước ngoặt lớn của công ty. Đại diện Qwick cho biết, lý do chính khiến ban lãnh đạo thực hiện chuyển đổi giờ làm việc từ tháng 4/2022 vì nhận thấy tình trạng uể oải trong công việc ở hầu hết 160 nhân viên làm việc toàn thời gian.
Mô hình làm việc 4 ngày một tuần được áp dụng tại hàng chục công ty trên khắp thế giới (Ảnh: News).
Tuy Qwick không phải là một trong những công ty tham gia nghiên cứu thử nghiệm làm việc 4 ngày một tuần do Tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global đưa ra từ năm 2022 nhưng kết quả trên phần nào phản ánh bức tranh tổng quan về tác động của việc giảm giờ làm tới doanh nghiệp và người lao động ra sao.
Được biết, Tổ chức 4 Day Week Global từng thử nghiệm cách làm này ở 33 công ty thuộc 6 quốc gia trên thế giới. Kết quả cho thấy, tuần làm việc rút ngắn mang tới “lợi ích đôi đường”. Doanh thu công ty tăng lên, còn sức khỏe và tinh thần của người lao động có cải thiện.
Tăng tương đương doanh thu và năng suất lao động
Khi đại dịch xảy ra, năm 2020, Qwick chứng kiến doanh thu giảm gần 80% chỉ sau một đêm. Điều này khiến công ty phải sa thải khoảng 65% nhân viên. Đến tháng 2/2021, Qwick chỉ còn một “đội ngũ xương xẩu” nhưng doanh thu đột ngột thay đổi.
“Đột nhiên chúng tôi kiếm gấp 3 lần doanh thu đạt trước đây với nhân sự chỉ bằng một phần ba số người từng có. Khoản thu này đến từ những thị trường cụ thể khi cuộc sống dần trở lại như trước”, bà Retta Kekic, Giám đốc tiếp thị của Qwick cho biết.
Với thử nghiệm mới, làm 4 ngày mỗi tuần, ban lãnh đạo công ty vừa muốn giảm bớt tình trạng kiệt sức, vừa hy vọng duy trì sự phát triển doanh nghiệp lâu dài. Từ khi áp dụng mô hình này, lượng đơn xin việc gửi tới công ty tăng 230% so với trước.
Tinh thần và sức khỏe người lao động được cải thiện (Ảnh: News).
Tương tự, theo Bloomberg, cuộc thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày được áp dụng tại 61 công ty ở Anh và khoảng 2.900 nhân viên tham gia từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2022. Đến nay, chỉ 3 công ty dừng thử nghiệm.
Nhân viên tham gia cho biết, mọi vấn đề được cải thiện, người lao động giảm bớt căng thẳng lo âu, chất lượng cuộc sống tốt lên. Kết quả điều tra cho thấy, không ai trong số 2.900 người lao động tham gia thử nghiệm muốn bỏ lịch làm việc 4 ngày/tuần. Thậm chí, 15% trong đó khẳng định, không có số tiền nào có thể khiến họ quay lại lịch 5 ngày làm việc như trước.
Kết quả này khá trùng khớp với dữ liệu thử nghiệm ở một số công ty có trụ sở tại Mỹ, Ireland và Australia. Nghiên cứu cho thấy, doanh thu công ty tăng, năng suất lao động tăng cao, giảm thực trạng nhân viên vắng mặt ở công sở.
Thậm chí, trong bối cảnh thị trường việc làm khó khăn, giờ đây một số công ty lại coi tuần làm việc 4 ngày là “điểm cộng” hấp dẫn trong cuộc đua thu hút nhân tài.