Châu Á thu hút vốn đầu tư từ các gia đình giàu có, ngành bất động sản hưởng lợi lớn

Chương trình thị thực vàng hay còn gọi là thị thực đầu tư theo diện định cư đang trở thành một công cụ hiệu quả được nhiều quốc gia châu Á sử dụng để thu hút dòng vốn từ các gia đình giàu có.

Singapore

Chương trình Nhà đầu tư Toàn cầu của Singapore cung cấp quyền thường trú cho các gia đình giàu có kèm theo các yêu cầu về đầu tư và việc làm. Theo một báo cáo được công bố bởi Henley & Partners, công ty tư vấn di cư dựa trên đầu tư của Vương quốc Anh, Singapore nằm trong số 5 quốc gia hàng đầu dành cho các nhà đầu tư giàu có ở châu Á. Trong khi đó, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông dẫn đầu các thị trường có dòng vốn chuyển ra nước ngoài nhiều nhất.

Singapore đang vượt lên trên Hồng Kông trong vai trò là điểm đến hàng đầu của các văn phòng gia đình tại châu Á, vốn được coi là phương tiện đầu tư để giới siêu giàu rót vốn và chuyển giao tài sản của họ qua nhiều thế hệ.

Quốc gia Đông Nam Á này đã thu hút các ông trùm hàng tiêu dùng từ Indonesia, các tài phiệt bất động sản và chăm sóc sức khỏe từ Trung Quốc đại lục nhờ sự ổn định chính trị, ưu đãi thuế và mức sống cao. Theo báo cáo, nhà đồng sáng lập của Google – Sergey Brin, của Bridgewater Associates – Ray Dalio và của Haidilao đều ưa thích Singapore.

Singapore công bố Chương trình Nhà đầu tư Toàn cầu vào năm 2004, trao cho các nhà đầu tư quyền thường trú với khoản đầu tư ít nhất 2,5 triệu đô la Singapore (1,85 triệu USD). Người đứng đầu một văn phòng gia đình phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm và sở hữu khối tài sản đầu tư trị giá 200 triệu đô la Singapore. Các quy định đã được thắt chặt thêm kể từ tháng 04/2022.

Indonesia

Indonesia sắp công bố thêm thông tin về chương trình thị thực dài hạn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, ngành bất động sản và du lịch được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Theo đó, Indonesia sẽ yêu cầu tối thiểu là 130.000 USD tiền gửi ngân hàng và miễn thuế đối với thu nhập ở nước ngoài để cạnh tranh với kế hoạch tương tự của các nước láng giềng trong khu vực như Malaysia và Thái Lan. Kế hoạch này có thể giúp tăng giá bất động sản tại Indonesia cũng như hồi sinh ngành du lịch ở những hòn đảo nổi tiếng như Bali.

Chương trình thị thực này được dự báo có thể rất thành công với khách hàng từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, những người mong muốn có một cuộc sống hấp dẫn và chi phí sinh hoạt thấp. Thậm chí, chương trình của Indonesia có thể vượt qua thành công của Malaysia.

Malaysia

Chương trình thị thực “ngôi nhà thứ hai” của Malaysia yêu cầu tài sản tại ngân hàng tối thiểu là 1,5 triệu ringgit (334.000 USD) và ít nhất 40.000 ringgit thu nhập hàng tháng ở nước ngoài. Theo Juwai IQI, chương trình đã thu hút hơn 42.000 người nước ngoài, một phần ba trong số họ đến từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông.

Thái Lan

Thái Lan bắt đầu nhận đơn đăng ký chương trình cư trú dài hạn kể từ tháng 09/2022 với quyền cư trú lên đến 10 năm. Mục tiêu là mang lại 27 tỷ USD vốn đầu tư bằng cách thu hút những người giàu có và tài năng tới định cư tại quốc gia này.

Hồng Kông

Hồng Kông đã giới thiệu Chương trình định cư – đầu tư vốn CIES vào năm 2003, cung cấp quyền thường trú khi đầu tư số tiền tối thiểu là 10 triệu đô la Hồng Kông (1,3 triệu USD). Chương trình đã thu hút 206 tỷ đô la Hồng Kông cho thành phố này, trước khi bị đình chỉ hoạt động vào năm 2015 do các quan ngại về tình trạng đầu cơ bất động sản.

Ngoài ra, gần ba năm phải chịu các hạn chế khắc nghiệt do đại dịch Covid-19 và trước đó là nhiều tháng hỗn loạn chính trị và xã hội đã làm giảm sức hấp dẫn của Hồng Kông với tư cách là một trung tâm tài chính của khu vực và thế giới.

Chính quyền Hồng Kông đang cân nhắc việc khôi phục lại CIES với mục tiêu thu hút 20 văn phòng gia đình lớn vào năm 2025, mang lại cả nhân tài và tiền bạc đến thành phố này để vực dậy nền kinh tế đang sa sút.

Đại diện chính quyền cho biết: “Vấn đề chính là ngăn ngừa những rủi ro mà CIES mang lại, bao gồm việc đầu cơ bất động sản và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân thành phố”.

Triển vọng lớn của châu Á

Theo một báo cáo của HSBC, số lượng triệu phú đô la Mỹ ở châu Á được dự đoán sẽ đạt 76 triệu vào cuối thập kỷ này từ mức khoảng 30 triệu hiện nay. Theo ước tính của Credit Suisse, khoảng 1,9 nghìn tỷ USD ở châu Á sẽ được truyền lại cho thế hệ tiếp theo trong thập kỷ tới.

Một chuyên gia cho biết: “Chúng tôi nhận thấy mức độ quan tâm cao từ các gia đình giàu có để thành lập văn phòng gia đình tại Singapore – một thành viên của ASEAN và Hồng Kông – cửa ngõ dẫn vào Trung Quốc đại lục, từ đó xây dựng vị thế vững chắc tại châu Á”.

Báo cáo mới nhất của hai công ty Henley & Partners và Deep Knowledge Analytics cũng cho thấy số lượng người trên toàn cầu quan tâm tới các chương trình đầu tư bất động sản để định cư đã tăng 80% trong 12 tháng qua, vượt xa mức kỷ lục đạt được trong năm 2020. Điều này là do các nhà đầu tư giàu có muốn sở hữu thêm nhiều nhà ở trên toàn thế giới và đa dạng hóa danh mục đầu tư để chống lại sự biến động không ngừng của thị trường và các vấn đề chính trị. Báo cáo đồng thời nhấn mạnh nhu cầu của nhà đầu tư đối với bất động sản cao cấp đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch. Theo đó, các giao dịch trị giá 5-10 triệu Euro tăng 97%, và các giao dịch trên 10 triệu Euro tăng 90% trong năm 2021.