Chàng trai Tà Ôi và giấc mơ du lịch

Biên phòng – Chọn thành phố để lập nghiệp, nhưng chàng trai 8X người Tà Ôi quyết định về quê làm du lịch để thực hiện ước mơ “cất cánh” cho vùng đất quê hương mình.


Anh Viên Đăng Phú xây dựng Homestay Hương Danh từ chính ngôi nhà của mình. Ảnh: Tiêu Dao

Thương nhớ quê nhà

Chàng trai 36 tuổi rót rượu cho khách, là loại rượu được ủ nhiều ngày của người Tà Ôi ở đất này. Là người con của đồng bào Tà Ôi ở thung lũng A Roàng (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), Viên Đăng Phú sinh ra trong câu hát điệu múa, ngủ trưa với tiếng kẽo kẹt của khung cửa dệt và lớn lên với những món ăn của núi rừng. Đăng Phú là con trai duy nhất trong nhà có 4 anh em, học nội trú khi mới lớp 6 ở dưới Đà Nẵng và đã tốt nghiệp đại học ở đó. Phú tham gia nhiều chương trình khôi phục văn hóa dân tộc mình, tổ chức du lịch tạo công việc cho người dân trong xã. Phú còn trồng hơn chục ha rừng, nuôi 20 con bò, làm thêm homestay (du lịch cộng đồng).

“Em phải về đây, bố mẹ vất vả làm nhiều thứ, cả các dự định khôi phục văn hóa của dân tộc mình nữa, nếu không sẽ ngày một mất dần, tiếc lắm” – Phú nói. Trên sàn nhà có một ít vải, cuộn sợi và các thanh gỗ tròn, Phú cho biết, đây là khung dệt zèng của người Tà Ôi. Và mẹ của Phú cũng là một trong số ít người làng còn giữ được nghề dệt này.

Phú bảo, những ngày tháng đi học, rồi đi làm ở thành phố, nhưng lòng Phú lúc nào cũng đau đáu nhớ quê hương. Ai rồi cũng chọn gắn bó với quê hương, dù đi đâu cũng sẽ trở về cội nguồn để sinh sống, lập nghiệp. Cơn sốt du lịch bùng lên ở khắp nơi, bản làng quê nhà của Phú ở thung lũng A Roàng này cũng không ngoại lệ. Nhìn du khách lui tới quê hương mình ngày càng nhiều, các nét văn hóa mới, xa lạ cứ thế lấn át và làm mai một những nét văn hóa truyền thống của đồng bào. Ngặt một nỗi, Phú hay người làng không thể cấm du khách tới đây hay cấm du khách tiếp xúc với người dân, nỗi lo mai một văn hóa cứ đau đáu trong anh, chính vì thế, anh quyết định làm du lịch.

Lúc khởi nghiệp làm du lịch, anh gặp rất nhiều khó khăn, nhưng chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho người dân phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng. “Chính quyền thường xuyên tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức của bà con về vai trò của du lịch. Cụ thể, phát triển du lịch không chỉ là kinh tế, mà còn là niềm tự hào, phát huy tiềm năng, tạo sự đồng thuận; có cơ chế, chính sách để phát huy nội lực, khai thác ngoại lực, vận động nhân dân và các nhà đầu tư, các doanh nghiệp cùng làm du lịch. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa phát triển các loại hình du lịch như: Sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa cộng đồng, cảnh quan nguyên sơ, làng nghề thủ công truyền thống… Nhờ thế, em cùng gia đình đã triển khai rất tốt mô hình của mình đến với khách du lịch gần xa” – Phú cho biết thêm.

Nuôi giấc mơ cho cộng đồng

Viên Đăng Phú là một trong những người làm kinh tế giỏi tại huyện A Lưới, vì tâm huyết với quê hương, anh đã từ bỏ sự nghiệp ở thành phố để về vùng cao A Lưới thực hiện ước mơ của mình. Đăng Phú theo học lớp hướng dẫn viên du lịch nội địa, rồi theo học lớp truyền dạy văn nghệ dân gian dân tộc Tà Ôi. Phú bảo, trước đây, khi phục vụ du khách, Phú cũng tổ chức các hoạt động văn nghệ nhưng dựa trên sự hiểu biết của mình. Khi được học các điệu múa, bài hát, kỹ năng bài bản, Phúáp dụng vào làm du lịch nhằm tái hiện rõ nét nhất bản sắc văn hóa của đồng bào mình.

Nhờ được sự hỗ trợ của chính quyền, Phú xây dựng Homestay Hương Danh từ chính ngôi nhà của mình. “Khách du lịch đông dần, anh ạ! Đoàn nước ngoài theo tour hay tự đi mô tô cá nhân, em có chương trình ngắn và dài ngày, thế thôi nhưng khách thích lắm!” – Phú hồ hởi khoe.

Viên Đăng Phú vẫn thường xuyên nhận tour và phục vụ các yêu cầu trải nghiệm văn hóa bản địa, trong đó có hoạt động vào rừng hái rau. Hầu như bữa ăn nào tại homestay của anh cũng đều dọn các món rau rừng… “Rau tàu bay giòn có thể xào hoặc luộc chấm; môn thục trộn thịt mỡ nướng trong ống tre ăn thơm nồng; rau rớn ăn giòn, vị chát nhẹ dùng để xào hoặc trộn gỏi; lá trưng cuốn nướng thịt thơm lừng; rau chua dùng để nấu canh cá suối như lá me dưới xuôi…” – Phú giải thích.

Có một điều Phú luôn tâm niệm, đó là ngay cả với khách tự do, việc kích cầu để tạo sự hấp dẫn với họ cũng là điều được người làm du lịch quan tâm. Nhưng Phú vẫn trăn trở khi thời gian lưu trú của khách vẫn còn ngắn, chủ yếu mới ở lại một đêm. Việc “giữ chân” du khách không chỉ để họ trải nghiệm đầy đủ nét đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa, ẩm thực của A Lưới, mà còn thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” trên địa bàn huyện phát triển, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân là điều một mình anh không làm được. Anh rất muốn địa phương có những kế hoạch lâu dài, những chương trình cụ thể để du lịch A Lưới phát triển, níu chân được du khách dài ngày nhằm tận hưởng, khám phá hết vẻ đẹp của đời sống con người và thiên nhiên nơi đây.

Không chỉ giúp quê hương phát triển du lịch, chàng trai 8X còn hỗ trợ nhiều người dân bản địa có thêm thu nhập. Với hơn chục héc ta rừng, nuôi bò, làm thêm homestay, giấc mơ của Phú đang dần thành hiện thực ở thung lũng A Roàng này.

Tiêu Dao