Chàng trai đi 34 nước châu Âu trong một năm du học

Tùng Sơn đi qua 34 quốc gia trong hơn một năm nhưng vẫn tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ Đầu tư – Tài chính tại Vương quốc Anh, theo diện học bổng Chevening.

Nguyễn Tùng Sơn, 29 tuổi, nhận bằng tốt nghiệp tại Đại học Queen Mary London, hồi tháng 1. Ngôi trường này xếp thứ 124 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới của Times Higher Education (THE) năm 2023.

Điểm tốt nghiệp của Sơn đạt 78%. “Tại Queen Mary, điểm môn học trên 70% sẽ được loại xuất sắc. Tôi tiếc vì môn học nặng nhất với 30 tín chỉ lại chưa đạt 70%”, Sơn nói.

Dù vậy, chàng trai quê Long An hài lòng về hành trình du học, khi kịp đi qua 34 nước trong hơn một năm ở đây.

“Mình tự hào vì đã tận dụng được cơ hội mà học bổng toàn phần mang lại để vừa học tốt, vừa trải nghiệm văn hóa ở châu Âu”, Sơn nói.

Sơn trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Queen Mary London, tháng 1/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sơn trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Queen Mary London, tháng 1/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sơn là cựu sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng, trường Đại học Ngân hàng TP HCM. Tốt nghiệp năm 2016, Sơn đi làm rồi trở thành trưởng nhóm kiểm toán và tư vấn quản trị tài chính tại KPMG – một trong bốn công ty kiểm toán nổi tiếng thế giới (big 4), trụ sở tại Việt Nam.

Cũng trong thời gian này, Sơn tham gia một tổ chức phi chính phủ về hỗ trợ phát triển cộng đồng, trong vai trò thành viên hội đồng xét duyệt dự án. Năm 2020, khi đánh giá một số dự án lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho nhà dân hay xây dựng trường học, Sơn nhận ra các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án còn thiếu nhiều kỹ năng khi viết đề xuất, lập ngân sách và thuyết trình kêu gọi đầu tư.

Tuy nhiên, dù làm việc chuyên nghiệp ở một công ty big 4, kinh nghiệm của Sơn chủ yếu thiên về hoạt động của doanh nghiệp hơn là đứng dưới góc độ đầu tư.

“Đáng lẽ tôi có thể hỗ trợ họ tốt hơn, đưa ra những gợi ý thiết thực hơn nữa nhưng lại chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm”, Sơn nhớ lại.

Điều này khiến Sơn suy nghĩ nhiều. Mong muốn kết hợp chuyên môn tài chính của mình để tạo tác động xã hội thôi thúc Sơn phải đi học để nâng cao năng lực và chuyển ngành.

“Một lý do nữa là tôi cũng muốn trải nghiệm cuộc sống ở nước ngoài và đã đặt mục tiêu lấy bằng thạc sĩ trước 30 tuổi”, Sơn nói.

Điểm trung bình học tập thời đại học chỉ đạt 7,59/10 (tương đương 3/4 GPA) không phải cao, nhưng Sơn không nghĩ tới rào cản mà cố gắng làm tất cả yêu cầu của hồ sơ.

Học bổng Chevening của chính phủ Anh yêu cầu Sơn viết 4 bài luận, gồm các chủ đề Lãnh đạo, Khả năng tạo mạng lưới, Kế hoạch học tập và Mục tiêu nghề nghiệp. Sơn nhìn nhận yếu tố nổi bật của hồ sơ là sự nhất quán về mặt nghề nghiệp. Sơn học ngành tài chính, đi làm cũng trong lĩnh vực này. Vì thế, Sơn có kinh nghiệm làm việc và hoạt động ngoại khóa phù hợp cho định hướng về lĩnh vực đầu tư tạo tác động.

“Tôi cho rằng mình hiểu rất rõ bản thân, nhận ra mình đang thiếu kiến thức chuyên môn ở mảng đầu tư nên nộp hồ sơ đi học và có kế hoạch rất rõ ràng, thực tế để đạt được mục tiêu”, Sơn nói.

Ngoài ra, Sơn giành thêm học bổng của chính phủ Ireland. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc chương trình học, Sơn chọn Đại học Queen Mary London tại Anh, để theo đuổi bằng thạc sĩ về Đầu tư – Tài chính.

Sơn khi mới sang Anh du học, tháng 9/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sơn khi mới sang Anh du học, tháng 9/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 9/2021, Sơn bay sang Anh du học. Học kỳ 1, Sơn học về nghiên cứu tài chính đầu tư, kỳ 2 học tùy chọn với giảng viên thỉnh giảng từ các doanh nghiệp tại London. Ngoài ra, Sơn cũng tham gia điều hành một quỹ đầu tư mạo hiểm tạo tác động tại trường để có thể học hỏi kinh nghiệm thực tế.

Để học tốt, Sơn thường đọc trước bài giảng được ghi sẵn và slide của buổi học trước khi lên lớp.

“Khi lên lớp, tôi phải tập trung 100%, ngồi gần bục giảng càng tốt để có thể tiếp thu tốt hơn, cố gắng trao đổi và đặt câu hỏi những điểm chưa rõ tại lớp, hoặc email hỏi giảng viên”, Sơn chia sẻ.

Ngoài ra, Sơn tích cực học nhóm để có thể tự động viên mình và được bạn bè hỗ trợ khi làm bài tập, giải thích những kiến thức khó và ôn thi. Thêm vào đó, Sơn tham gia các buổi hướng dẫn chữa bài tập, tự ôn luyện theo cấu trúc đề thi các năm trước. Sơn cũng thường viết email cho giáo sư để xin nhận xét và hướng dẫn.

Tổng cộng, Sơn hoàn thành 135 tín chỉ ở 8 môn học và 45 tín chỉ khóa luận. Đề tài của Sơn về định giá doanh nghiệp theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, phương pháp bội số và triển vọng ESG đạt 80/100 điểm.

Mặc dù cường độ học khá căng thẳng, Sơn vẫn sắp xếp được thời gian đi tham quan 34 nước châu Âu ngoài Vương quốc Anh, nâng tổng số quốc gia đã đặt chân đến là 46 nước. Sơn đi du lịch vào các ngày nghỉ giữa học kỳ, các ngày lễ, hoặc trong thời gian viết khóa luận.

“Tôi đã ở nhờ bạn bè khi du lịch qua hơn 15 thành phố, thị trấn ở Anh. Ở các nước khác, tôi sử dụng Couchsurfing – web tìm chủ nhà để xin ở nhờ”, Sơn nói, cho hay đây là cách giúp mình tiết kiệm trong khi các chi phí khác ở châu Âu khá đắt đỏ.

Đến mỗi quốc gia, Sơn thích thú tìm hiểu cách họ vận hành các hệ thống chính trị, giao thông, giáo dục cũng như môi trường sống của người dân.

“Chẳng hạn ở Thụy Sĩ, tôi biết được hệ thống giáo dục của họ có hai hướng riêng biệt về học thuật và dạy nghề rất rõ. Dù lựa chọn con đường nào, mọi người đều được tôn trọng”, Sơn ví dụ, nhìn nhận việc trải nghiệm nhiều nền văn hóa, lịch sử giúp bản thân tư duy rộng mở hơn.

Sơn cùng bạn bè ở hồ Ohrid, North Macedonia, tháng 1/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sơn cùng bạn bè ở hồ Ohrid, North Macedonia, tháng 1/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Kiểm toán tại KPMG, nhận xét Tùng Sơn là người có khả năng suy nghĩ và trình bày ấn tượng. Sơn có khả năng kết nối, ngay cả với các vị trí cấp cao hay người khác ngành. Sơn cũng ham học hỏi và cầu tiến.

“Sơn luôn lập kế hoạch một cách khoa học và tận dụng triệt để thời gian để hoàn thành các mục tiêu trong cuộc đời. Em biết cách huy động mọi nguồn lực xung quanh để đạt được các mục tiêu đó”, chị Hà nhận xét.

Sau khi tốt nghiệp, Tùng Sơn được nhận làm việc tại một công ty tư vấn đầu tư, kiêm quản lý quỹ ở London. Tuy nhiên, với mong muốn trở về cùng cam kết với học bổng Chevening, Sơn hiện có mặt ở Việt Nam, làm việc cho một tổ chức trong lĩnh vực đầu tư tạo tác động có trụ sở tại Singapore.

“Tôi hiện đang hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc chuẩn bị hồ sơ tài chính, các tài liệu huy động vốn và kết nối họ với các nhà đầu tư trên khắp thế giới”, Sơn nói.

Doãn Hùng