Vừa học đại học vừa tập luyện pencak silat chuyên nghiệp
Nếu như những vận động viên khác được huấn luyện trong các trung tâm thể dục thể thao từ nhỏ, thì chàng sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Phạm Hải Tiến chỉ mới đến với việc thi đấu thể thao chuyên nghiệp từ năm 2020. Lần đầu tiên thi đấu SEA Games và đạt được huy chương đồng là điều mà Hải Tiến chưa bao giờ dám nghĩ tới trước đây.
Phạm Hải Tiến (giữa) tự hào trong giây phút nhận huy chương đồng tại SEA Games 32
Theo lời Tiến, năm 10 tuổi do thể trạng yếu ớt, thân hình thấp bé nên bố mẹ cho đi học võ cổ truyền để cải thiện sức khỏe. Vốn có năng khiếu nên trong những năm tháng tuổi thơ của mình, gen Z này đã thường xuyên tham gia các giải đấu phong trào và đạt được một số thành tích. Năm lớp 9, Tiến được huấn luyện viên trong một đội tuyển gọi lên TP.Hà Nội để tập luyện chuyên nghiệp nhưng thời điểm đó gia đình vận động viên này đã từ chối vì mong muốn con trai này tập trung cho việc học văn hóa.
“Thời gian đó không được lên TP.Hà Nội tập luyện chuyên nghiệp thật sự mình có chút buồn, tiếc nuối. Nhưng mình hiểu bố mẹ sợ theo thể thao thì tuổi nghề không dài, muốn con mình tìm kiếm một công việc ổn định, an nhàn về sau”, Tiến chia sẻ.
Phạm Hải Tiến
Đến khi đạt được 2 huy chương vàng tại giải pencak silat học sinh TP.Hà Nội năm học 2018-2019, Hải Tiến đã lọt vào mắt xanh của một huấn luyện viên tại Trung tâm huấn luyện thể thao Bộ Công an (Hà Nội) và được gọi về tham gia tập luyện, thi đấu chuyên nghiệp. Lúc này, do niềm đam mê quá lớn và cũng được ban huấn luyện tạo điều kiện vừa học, vừa tập nên Tiến đã mạnh dạn tham gia.
Lần đầu thi đấu tại một sân chơi như SEA Games 32, Hải Tiến có phần hồi hộp và lo lắng. Chàng trai cho biết ban huấn luyện luôn tạo điều kiện và động viên để vận động viên này giữ được tinh thần thoải mái, không đặt nặng vấn đề thành tích. Ở trận thi đấu đầu tiên tại vòng loại, không ai nghĩ Hải Tiến có thể thắng được vận động viên rất mạnh đến từ Indonesia. Nhưng bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao độ, chàng trai này đã vượt qua đối thủ với cách biệt 2 điểm.
Phạm Hải Tiến (góc phải) vừa phải tập luyện pencak silat song song với việc làm đồ án ngành thiết kế nội thất
Trước khi đạt huy chương đồng môn pencak silat nội dung seni tunggal tại SEA Games 32, Hải Tiến từng đạt một số thành tích nổi bật như: Huy chương vàng Đại hội thể thao toàn quốc năm 2022 môn pencak silat (tổ chức tại Quảng Ninh ), huy chương vàng Giải vô địch các câu lạc bộ pencak silat quốc gia 2023…
Ngoài giỏi võ, Hải Tiến còn làm văn hay, vẽ đẹp. Năm 2020, chàng trai này thi vào đậu vào ngành thiết kế nội thất của Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, với số điểm 25 khối H00, trong đó điểm 2 môn năng khiếu đều đạt 8.5 điểm.
Phải từ bỏ những niềm vui riêng
“Những bạn khác thì chỉ cần tập trung cho tập luyện còn mình phải lo thêm việc học ở trường. Nếu sáng đi học thì chiều mình sẽ tranh thủ đi tập, ca tối tập xong thì sẽ tiếp tục làm đồ án đến khuya. Để cân bằng được việc này mình phải mất nhiều thời gian và bỏ qua các mối quan hệ bạn bè… Tuy nhiên, đây là niềm đam mê và mình đã chọn con đường này nên sẽ luôn sẵn sàng để nỗ lực 100% khả năng”, Tiến nói.
Cựu vận động viên pencak silat Vũ Thị Thảo, huấn luyện viên của Hải Tiến cho biết: “Tiến là một vận động viên bán chuyên vừa phải hoàn thành chương trình đại học vừa phải tập luyện thi đấu, nhưng em luôn biết sắp xếp thời gian, nghiêm khắc với bản thân để có được kết quả tốt nhất. Tiến là một hình mẫu vận động viên mà các thế hệ trẻ hơn cần noi theo về tinh thần vượt khó”.
Chị Thảo nói thêm: “Tuy chỉ mới đảm nhận việc huấn luyện Hải Tiến cách đây 2 tháng để chuẩn bị cho SEA Games 32 nhưng em ấy đã tiến bộ vượt bậc. Thời gian đầu hầu như em ấy chỉ thuộc bài mà chưa chú ý tới kỹ thuật nên còn nhiều thiếu sót. Tuy nhiên, sau khoảng thời gian đồng hành khá ngắn nhưng em đã cho thấy được sức bật của mình. Khoảnh khắc Tiến vượt qua đối thủ người Indonesia đã khiến mình vỡ òa cảm xúc vì tự hào, nếu có thêm một chút may mắn nữa chắc chắn em ấy còn tiến xa hơn”.