Cây thuốc quý trên núi Hoàng Liên

Biên phòng – Sau bao nhiêu nỗ lực, trăn trở, nhiều đêm thức, ngủ cùng giống dược liệu quý, giờ đây, ông Lương Văn Hào, nguyên Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên, hiện đang là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Viện Dược liệu (Bộ Y tế) trở thành người đầu tiên di thực thành công trồng sâm Ngọc Linh (vốn có duy nhất ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) lên núi Hoàng Liên.


Nhân giống sâm Ngọc Linh bằng hạt. Ảnh: Thanh Cường

Ông Lương Văn Hào kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện cách đây hơn 10 năm về cơ duyên để sau này giống thuốc quý sâm Ngọc Linh bén rễ trên đất Hoàng Liên. Đó là năm 2011, Khu bảo tồn động, thực vật và cứu hộ Hoàng Liên vinh dự được sư thầy Thích Huệ Đăng trao tặng 200 cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô để trồng thử nghiệm tại Sa Pa. Ròng rã hơn 3 năm, ông Hào và các đồng nghiệp phải thức khuya, dậy sớm với sâm Ngọc Linh, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giống cây quý này. Mọi người phải vất vả thay nhau chăm sóc lô cây sâm Ngọc Linh cẩn thận.

Dồn hết tâm huyết, trí lực như vậy, nên khi nhìn thấy một số cây sâm Ngọc Linh úa vàng lá, nhũn thân lá rễ, rồi chết…, ông Hào và đồng nghiệp tưởng như rơi vào bế tắc. Năm đó, hơn nửa số cây sâm Ngọc Linh tiếp nhận bị chết mà không rõ nguyên nhân và không có cách xử lý. Trong cái khó ló cái khôn, ông Hào quyết định thay đổi cách trồng mới, chuyển từ cốc nhựa sang trồng trong chậu nhựa rộng hơn với giá thể tự nhiên. Thật bất ngờ, sau hơn 2 tháng trời theo dõi từng sự thay đổi trồng theo cách mới, cây sâm Ngọc Linh đã được “cứu” thành công, bén rễ, hồi xanh, không còn tình trạng cây bị chết.

Trong khoảng 2 năm (2013 – 2014), hầu hết số cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô còn lại và gieo từ hạt đã phát triển mạnh. Kể từ đây, nhiều người bắt đầu biết đến sự xuất hiện và khả năng trồng sâm Ngọc Linh tại Sa Pa, khẳng định đây là địa điểm đầu tiên di thực thành công loài sâm quý hiếm này. Từ năm 2014 đến năm 2016, chương trình thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh lớn hơn, bài bản hơn và khoa học hơn từ Viện Dược liệu Trung ương đã được triển khai tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Hoàng Liên, mở thêm cơ hội cho việc đánh giá về khả năng thích ứng của cây sâm Ngọc Linh với vùng đất dưới chân núi Hoàng Liên.

Sâm Ngọc Linh là loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Năm 2019, Vườn quốc gia Hoàng Liên xây dựng mô hình “Trồng thí điểm sâm Ngọc Linh” (thời gian thực hiện 4 năm 2019-2022). Theo đó, mô hình thực hiện trồng thử nghiệm và nhân giống cây sâm Ngọc Linh trong điều kiện nhà lưới tại Sa Pa, nhằm đánh giá chính xác về mức độ phù hợp của sâm Ngọc Linh với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng Sa Pa. Quá trình thực hiện, mô hình đã tuyển chọn được 240 cây giống gốc sâm Ngọc Linh và các cây giống gốc đã ra hoa, cho thu hoạch hạt giống. Năm 2021, mô hình đã nhân giống được 2.000 cây sâm Ngọc Linh bằng hạt.


Ông Lương Văn Hào – người di thực thành công giống sâm Ngọc Linh về Sa Pa, Lào Cai. Ảnh: Thanh Cường

Bên cạnh phương pháp truyền thống từ gieo hạt, Vườn quốc gia Hoàng Liên cũng đã thực hiện mô hình nhân giống sâm Ngọc Linh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật theo công nghệ hiện đại. Phương pháp này có ưu điểm vượt trội như: hệ số nhân giống nhanh, chủ động về thời gian và mùa vụ cần nhân giống…

Là người đầu tiên di thực thành công giống cây thuốc quý, ông Lương Văn Hào đã làm được một việc có ý nghĩa, khẳng định sâm Ngọc Linh đã được trồng thành công tại Sa Pa. Đồng thời, cũng chính ông Hào đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc; tạo ngân hàng giống để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý; cung cấp kiến thức khoa học, tìm ra biện pháp sinh học để chữa trị bệnh cho sâm Ngọc Linh.

“Giờ đây, vườn sâm Ngọc Linh ở Sa Pa không những được thử nghiệm thành công, mà đang tạo ra quần thể lớn hơn, với sức sống mãnh liệt và sẽ sớm được đưa vào trồng đại trà trên núi Hoàng Liên” – ông Lương Văn Hào cho hay.

Có thể khẳng định, Sa Pa có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sinh trưởng, phát triển của loài sâm Ngọc Linh. Theo ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, thì đây là tiền đề quan trọng để phát triển mô hình trồng sâm Ngọc Linh đến nhân dân địa phương nhằm thay thế các loài cây nông nghiệp kém hiệu quả. Đặc biệt, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm dần và đi tới xóa bỏ trồng cây thảo quả dưới tán rừng tự nhiên, góp phần bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học rừng đặc dụng Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Sâm Ngọc Linh đã được Chính phủ phê duyệt là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, là “quốc bảo” của Việt Nam. Các nghiên cứu đều khẳng định sâm Ngọc Linh là loài thảo dược giá trị cao ở Việt Nam, đã được chứng minh có tác dụng tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch, trí nhớ, kháng viêm, chống căng thẳng, chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa. Thân rễ và củ sâm được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, còn lá và thân thì được dùng làm trà sâm.

Lê Thanh Cường