Câu chuyện khởi nghiệp với thương hiệu trà Nam Phúc của người phụ nữ Mường

Biên phòng – Từ nguồn nguyên liệu nông nghiệp sạch tại địa phương, sau nhiều nỗ lực khởi nghiệp, người phụ nữ Mường Phạm Thị Bình (sinh năm 1985), ở xã Ia Vê, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã phát triển bộ sản phẩm trà OCOP 3 sao mang thương hiệu trà Nam Phúc, nhận được nhiều đánh giá cao về chất lượng từ người tiêu dùng.


Bộ sản phẩm của cơ sở sản xuất trà Nam Phúc đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2021. Ảnh: Thiên Ân

Cơ duyên khởi nghiệp

Qua lời giới thiệu của một người bạn thuộc lĩnh vực kinh doanh trà, chúng tôi biết đến cơ sở sản xuất trà Nam Phúc tại làng Ó, xã Ia Vê, huyện Chư Prông do chị Phạm Thị Bình làm chủ. Vượt qua quãng đường gần 100km, dưới cái nóng 38 độ C của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi đến tham quan và tìm hiểu cơ sở sản xuất, chế biến trà của chị Bình.

Gặp chị Bình vào buổi trưa nắng nóng, chị mời chúng tôi một ly trà bí đao mát lạnh, kèm mùi thơm đặc trưng của bí đao xen lẫn vị ngọt thanh từ đường phèn, giúp chúng tôi tỉnh táo hơn sau chặng đường dài.

Chia sẻ về cơ duyên khởi nghiệp, chị Phạm Thị Bình cho biết: Năm 2002, chị rời miền quê Thanh Hóa vào tỉnh Gia Lai lập nghiệp tại vùng đất biên giới Chư Prông đầy nắng và gió. Những ngày đầu ở đây, chị vô cùng vất vả, thiếu thốn với công việc làm công nhân cà phê cho một đơn vị Nhà nước, đã nhiều lúc chị muốn bỏ cuộc quay về quê. Nhưng vốn là con nhà nông, cùng nhiều mơ ước và hoài bão nên chị Bình cũng chịu được những khó khăn của miền đất mới.

“Sau hai năm vào miền đất mới, năm 2004, tôi lập gia đình với người đàn ông cùng quê. Đến năm 2005, đứa con trai đầu lòng ra đời, cuộc sống công nhân của hai vợ chồng bình yên, dần đi vào ổn định. Đến năm 2015, con trai tôi bị viêm xoang nặng, phải liên tục đi Bệnh viện Nhi ở thành phố Pleiku để chữa trị. Vốn liếng dành dụm cũng từ đó dành hết cho việc chữa bệnh cho con. Nhờ có chút kiến thức về y học cổ truyền người Mường do ông bà truyền dạy, ngoài những lúc đi làm nương rẫy ra, tôi tranh thủ tìm kiếm các loại cây, lá làm thuốc xông cho con. Sau 3 năm chữa trị thì chứng bệnh viêm xoang của con trai cũng thuyên giảm và khỏi hoàn toàn” – chị Bình tâm sự.

Khi còn làm công nhân tại công ty cà phê, chị Bình có cơ duyên được tiếp xúc với nhiều bạn trẻ khởi nghiệp từ ngành nghề cà phê. Được các bạn trẻ truyền lửa, cộng với niềm ấp ủ phát triển các sản phẩm từ thảo mộc, nhất là sản phẩm thuốc xông, chị Bình quyết định tìm hiểu và học hỏi thêm để khởi nghiệp từ bộ sản phẩm thuốc xông.

Chị Phạm Thị Bình cho hay: “Thời điểm đại dịch Covid-19 xuất hiện, sản phẩm túi thuốc xông được người tiêu dùng quan tâm rất nhiều và lượng hàng xuất bán đi mỗi ngày một lớn, khiến cho cầu vượt cung. Riêng sản phẩm túi thuốc xông, mang lại thu nhập 40 triệu đồng hằng tháng, khách hàng chủ yếu là người địa phương, khách đặt hàng qua mạng cũng khá nhiều”.

Xây dựng thương hiệu trà Nam Phúc

Từ sự ủng hộ của khách hàng, bạn bè và gia đình, năm 2018, chị Bình dốc hết vốn để mua đất, đăng ký kinh doanh, thành lập cơ sở sản xuất trà Nam Phúc và bắt đầu mở rộng sản xuất thêm nhiều loại sản phẩm khác như: Trà sả, trà mãng cầu, trà đậu đen, trà bí đao, bột đậu.

Những nỗ lực của chị đã gặt hái được thành công bước đầu khi bộ sản phẩm trà thảo mộc của cơ sở sản xuất trà Nam Phúc đã được UBND tỉnh Gia Lai công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021, thường xuyên xuất hiện tại nhiều hội chợ, triển lãm… Đây là một vinh dự lớn của người nông dân như chị Bình khi làm ra những sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên từ quê hương thứ hai.


Chị Phạm Thị Bình bên các sản phẩm của cơ sở sản xuất trà Nam Phúc. Ảnh: Thiên Ân

Không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân, mà chị Bình còn mang lại đời sống kinh tế cho bà con nhân dân tại địa phương. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, chồng chị Bình – anh Nguyễn Đức Lâm cũng xin nghỉ làm công nhân ở nhà trồng thêm hơn 6 sào sả trên mảnh đất của gia đình, đồng thời thu mua nguyên liệu cho vợ.

Anh Lâm trầm tư, tâm sự với chúng tôi: “Những ngày đầu nhìn vợ tôi khởi nghiệp rất vất vả, phải dậy sớm, thức khuya, chạy khắp nơi để học thêm kiến thức và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Tôi không giúp được gì nhiều, chỉ biết chia sẻ, động viên vợ. Vừa rồi, tôi quyết định nghỉ việc để đỡ đần vợ trong công việc và trồng thêm ít nguyên liệu nhằm giảm chi phí”.

Từ sự đồng tâm hợp lực của hai vợ chồng chị Bình đã góp phần giúp cơ sở sản xuất trà Nam Phúc có chỗ đứng trên thị trường, trong đó, địa bàn tỉnh Gia Lai là thị trường chủ lực hiện nay. Ngoài ra, chị Bình cũng mở bán trên các trang mạng xã hội với giá cả phải chăng. Nguồn nguyên liệu được cam kết không dùng hóa chất, do đó được khách hàng tin tưởng thường xuyên đặt mua.

Hiện nay, cơ sở sản xuất trà Nam Phúc đã được đầu tư thêm 2 máy sấy trà, đảm bảo màu sắc và hương vị tự nhiên. Mỗi tháng cơ sở bán ra thị trường khoảng 50kg trà các loại, đem về thu nhập khoảng 30 triệu đồng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu làm sao đưa sản phẩm lên OCOP 5 sao, để giúp nông dân có thu nhập tốt hơn và ổn định hơn” – chị Phạm Thị Bình nói lên quyết tâm trong tương lai.

Chị Phạm Thị Bình chia sẻ thêm về những dự định đang ấp ủ: Cơ sở sản xuất của gia đình đang nhập phần lớn nguyên liệu từ địa phương. Do đó, thời gian tới, tôi sẽ mở rộng vùng nguyên liệu để đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất, điều này rất cần sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương cũng như huy động thêm nguồn vốn sản xuất. Ngoài ra, cơ sở sản xuất trà Nam Phúc sẽ cố gắng hoàn thiện các quy trình để sản phẩm trà có nguồn gốc từ thiên nhiên đủ điều kiện được bán tại các siêu thị, cửa hàng trong cả nước.

Chặng đường xây dựng đã khó, phát triển và nâng tầm thương hiệu càng khó hơn. Để giữ vững niềm tin của khách hàng và người tiêu dùng, chị Bình và cơ sở sản xuất trà Nam Phúc luôn trong tâm thế của một đơn vị khởi nghiệp, không ngừng học hỏi, tìm tòi, mong muốn tạo ra các sản phẩm vừa chất lượng, giá trị, vừa thân thiện với môi trường để phục vụ người tiêu dùng.

Thiên Ân