5 năm làm việc trong một bệnh viện tư ở Đà Nẵng nhưng mức lương 5 triệu đồng chỉ đủ sống, Diệu Hiền quyết định đi xuất khẩu lao động.
Người phụ nữ 35 tuổi quê Nghệ An tự nhận mình chăm chỉ bởi ngoài công việc là bác sĩ ngoại khoa, cô cũng bán hàng online để cải thiện thu nhập. Cô cũng muốn nhảy việc để tìm nơi lương cao hơn nhưng một số nơi không nhận, số khác thi tuyển gắt gao.
Khi bố mẹ phải gánh thêm khoản nợ 200 triệu vay ngân hàng, Diệu Hiền quyết định sang Nhật Bản làm công nhân. Gia đình cô phản đối vì tiếc công sức 6 năm học, nghề bác sĩ trong xã hội được đánh giá cao. “Nhưng dựa vào cái bằng sẽ không thể trả hết nợ, nuôi hai em đang học cấp 3 và đại học thay bố mẹ”, Hiền nói.
Đi xuất khẩu lao động Nhật Bản có hai hình thức chính. Một là đi theo dạng kỹ sư cần bằng cấp, hai là đi tu nghiệp sinh (vừa học vừa làm không cần bằng cấp). Sau cân nhắc, cô chọn đi theo cách thứ hai bởi chi phí thấp, thủ tục đơn giản, chỉ tiêu tuyển sinh nhiều.
Khoản phí 200 triệu đồng để chuẩn bị cho chuyến xuất ngoại, cô xin bố mẹ cho thế chấp căn nhà ở quê. Hiện nay Hiền là công nhân chế biến thực phẩm ở Nhật Bản, thu nhập 30 triệu đồng mỗi tháng, gấp 6 lần so với lương bác sĩ.
Tốt nghiệp Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, vợ chồng anh Minh Tiến, chị Thúy Hà, cùng 33 tuổi, ra làm ngân hàng. Nhưng mức lương 4 triệu mỗi tháng cách đây 10 năm chỉ đủ trang trải cuộc sống, không thể thực hiện ước mơ mua nhà, sắm xe.
Mong có vốn làm ăn nhưng sợ vay mượn lãi cao, cả hai nộp đơn đăng ký xuất khẩu lao động Đài Loan ngành điện tử. So với làm văn phòng, anh Tiến nói công việc trong phân xưởng chế tạo mệt mỏi, căng thẳng, nhưng bù lại lương cao gấp 10 lần thời còn làm trong nước.
Đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc cũng là lựa chọn của cử nhân triết học Phương Nhi, quê Sơn La. Cô gái 23 tuổi nói đã nộp đơn xin việc khắp nơi nhưng đều bị từ chối. Để duy trì cuộc sống, Nhi xin làm công nhân trong khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam) với mức lương 7 triệu đồng.
“Cùng là công nhân nhưng bạn tôi đi xuất khẩu lao động có lương 30 triệu đồng mỗi tháng. Nhiều người còn gửi tiền cho bố mẹ tiền xây nhà, mua đất”, Nhi, người chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển dụng để sang Hàn Quốc cuối tháng 5 nói.
Chị Thúy Hà từng bỏ công việc làm nhân viên ngân hàng cách đây 10 năm để đi xuất khẩu lao động Đài Loan, mong cải thiện thu nhập. Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Ít nhất 10% số người đang làm thủ tục đi lao động theo diện visa E9 (lao động phổ thông) là người có bằng đại học, cao đẳng”, bà Nguyễn Quỳnh Trang, giám đốc một công ty dịch vụ hỗ trợ người lao động xuất khẩu sang Đài Loan, Nhật Bản tại Hà Nội, nói.
Dù không có số liệu thống kê chính xác nhưng qua theo dõi bà Trang nhận thấy tỷ lệ người có trình độ đại học làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động phổ thông có xu hướng gia tăng mạnh trong hai năm gần đây.
“Nhiều người giấu vì ngại định kiến xã hội hoặc sợ nhà tuyển dụng nước ngoài đánh trượt bởi cho rằng người học cao thường không chịu được vất vả”, bà Trang nói.
Bà Trần Phương Loan, giáo viên 14 năm giảng dạy tiếng Hàn cho người đi xuất khẩu lao động cũng đưa ra con số 10% học viên từng tốt nghiệp đại học. “Thậm chí có người có hai bằng đại học, người đang là bác sĩ, giáo viên cũng đi xuất khẩu lao động để tăng thu nhập”, bà Loan cho biết.
Khảo sát gần 300 người của VnExpress hôm 4/5 với câu hỏi Nếu có cơ hội bạn có đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc trong thời gian này không?, gần 50% nói “Có” bởi chế độ đãi ngộ tốt, nhu cầu tuyển dụng cao.
Lý giải về sức hút khi của việc xuất khẩu lao động, bà Loan chỉ ra bốn nguyên nhân. Một là chi phí đi rẻ, thủ tục đơn giản. Hai là có thể kiếm 40-50 triệu đồng mỗi tháng hoặc hơn nếu làm chăm chỉ. Ba là nhu cầu tuyển dụng lớn sau hai năm dịch, do nhiều quốc gia đang thiếu lao động nhập cư. Và cuối cùng là tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam tăng.
Đây cũng chính là lý do khiến số học viên đăng ký học lớp cô Loan năm nay tăng hai, ba lần. Trung tâm Lao động ngoài nước cũng cho biết, kỳ thi tuyển lao động đi làm tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, diễn ra từ 8/5 đến 10/6, chỉ chọn 12.000 người, song số đăng ký lên tới gần 23.500, cao nhất trong 10 năm qua.
Người đàn ông 38 tuổi ở Hưng Yên đang học tiếng Hàn chuẩn bị tham gia kỳ thi tuyển lao động đi làm tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS vào cuối tháng 5/2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết lao động có bằng cấp chọn đi xuất khẩu lao động là một thực tế đang diễn ra với nhiều lý do. Có người đi vì thu nhập nhưng không ít trường hợp muốn thử thách bản thân ở một đất nước mới.
Theo ông, những lao động này có trình độ, tay nghề vượt trội chắc chắn sẽ được các công ty mời về làm với chế độ tốt. Nhưng nếu chỉ ở mức trung bình, cơ hội có thu nhập tốt rất thấp bởi thị trường lao động đang có mức cạnh tranh cao. “Đi xuất khẩu lao động cũng là giải pháp giúp cải thiện thu nhập”, ông Thành nói.
Sau bốn năm bôn ba xứ người, vợ chồng anh Tiến, chị Hà đã về nước. Có vốn, người đàn ông 33 tuổi đầu tư kinh doanh bất động sản đồng thời hợp tác làm ăn với các ông chủ Đài Loan từng quen biết. Vợ anh tận dụng khả năng ngôn ngữ để mở trung tâm chuyên đào tạo tiếng Trung cho người đi xuất khẩu lao động. Hiện cặp đôi đã mua nhà, ô tô và sở hữu nhiều tài sản giá trị. “Nếu biết tận dụng cơ hội và nắm bắt thời cơ, 4 năm lao động cực khổ không hề uổng phí”, anh Tiến nói.
Công việc mới cũng giúp Diệu Thu trả hết nợ cũ, mới và tích góp được một khoản riêng. Khi hết hạn hợp động, người phụ nữ 35 tuổi dự định về quê mở cửa hàng chuyên cung cấp đồ gia dụng nội địa Hàn, bởi đã móc nối được với một số thương lái tại đây.
Tuy vậy, ông Vũ Quang Thành cảnh báo không phải ai về nước cũng có thể hòa nhập và phát triển bản thân. “Người lao động cần tính toán, chuẩn bị tốt các kỹ năng nghề nghiệp, tránh bị vỡ mộng”, ông nói.
Trường hợp này đúng với Quốc Anh, 28 tuổi, ở Hà Nam. Cách đây 5 năm, vừa tốt nghiệp ngành kinh tế một trường đại học ở Hà Nội, anh chọn đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc vì muốn kiếm tiền nhanh. Anh về nước cùng khoản tích góp gần 200 triệu đồng.
Tự tin bởi từng làm bên Hàn Quốc lại có bằng đại học kinh tế, chàng trai 28 tuổi luôn yêu cầu mức lương cao, vị trí tốt tại các công ty liên doanh. Nhưng thiếu kinh nghiệm thực tiễn, giao tiếp tiếng Hàn ở mức cơ bản khiến anh liên tục bị từ chối. Tròn một năm về nước Quốc Anh vẫn thất nghiệp. Tiền tiết kiệm đã cạn.
“Quanh quẩn một vòng không có định hướng mới, tôi dự định lại đi xuất khẩu lao động. Hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn”, Quốc Anh thở dài.
Quỳnh Nguyễn