Biên phòng – Đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố cơ bản quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, vấn đề chất lượng nhân lực của khu vực này được đánh giá là “vùng trũng” của cả nước, cần định hướng ưu tiên để giải quyết tình hình, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.
BĐBP Sóc Trăng chia sẻ kinh nghiệm nuôi dê giúp hộ gia đình người Khmer cải thiện sinh kế. Ảnh: Văn Long
Những rào cản của sự phát triển
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, toàn vùng ĐBSCL hiện có 364 cơ sở dạy nghề, có 119/131 đơn vị cấp huyện có cơ sở dạy nghề công lập đóng trên địa bàn. Công tác xã hội hóa dạy nghề được đẩy mạnh, với nhiều mô hình dạy nghề đa dạng, sáng tạo, như: Dạy nghề tại các doanh nghiệp, dạy nghề cho lao động các khu công nghiệp…, góp phần tạo việc làm cho nhiều người lao động DTTS. Những nỗ lực trong công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS của các tỉnh, thành phố, bình quân là 3-5%/năm.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công tác giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS ở khu vực này vẫn chưa thật sự hiệu quả, khi tỷ lệ lao động DTTS trên 15 tuổi được đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ ở vùng ĐBSCL đạt rất thấp (9%) so với các vùng khác trên cả nước, tỷ lệ người DTTS thất nghiệp ở mức cao.
Lý giải vấn đề trên, có thể kể đến nguyên nhân như: Lao động người DTTS khu vực này làm việc rải rác và trải dài trên các địa bàn rộng (13 tỉnh, thành phố). Đặc điểm này làm cho việc tổ chức hợp tác lao động và việc bồi dưỡng đào tạo, cung cấp, tiếp nhận thông tin cho lao động gặp rất nhiều khó khăn. Người lao động tập trung trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, năng suất lao động còn thấp, phương thức sản xuất chưa tiên tiến, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao…
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do nhận thức, hiểu biết xã hội, kỹ năng sống của phần lớn lao động DTTS được hình thành chủ yếu qua tích lũy kinh nghiệm từ các hoạt động sản xuất, đời sống và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong phạm vi một dòng họ, một cộng đồng, một dân tộc cụ thể. Việc hội nhập nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội bên ngoài rất hạn chế, kỹ năng sống chưa được hoàn thiện và phù hợp với sự phát triển chung của xã hội. Đây là một trong những rào cản của lao động DTTS hiện nay…
Mặt khác, theo ý kiến của một số chuyên gia, việc đào tạo lao động, nhất là lao động DTTS thời gian qua tại khu vực này gặp nhiều khó khăn do công tác giáo dục nghề nghiệp chưa thật sự gắn kết chặt chẽ với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng lao động. Nguồn lao động có kỹ năng, trình độ trung cấp, cao đẳng trở lên còn rất thấp, lao động có chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp trình độ thấp, không có văn bằng, chứng chỉ. Tình trạng dịch chuyển lao động của tỉnh sang các tỉnh, thành phố lớn vẫn xảy ra…
Cần những hướng đi mới
Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, ĐBSCL có 43 thành phần dân tộc; trong đó, chiếm số đông là đồng bào dân tộc Khmer, Hoa, Chăm… Vì vậy, giáo dục chuyên biệt có điều kiện phát triển. Tuy nhiên, toàn vùng chỉ có 47% trường đặc thù đạt chuẩn quốc gia. Do đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai các giải pháp để đồng bào các DTTS có cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng.
Cán bộ Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú An Giang hướng dẫn, đào tạo nghề cho thanh niên đồng bào DTTS Khmer trong tỉnh An Giang. Ảnh: Đức Toàn
Ngành giáo dục tham mưu Chính phủ để đào tạo giáo viên là người địa phương, cơ cấu tỷ lệ giáo viên là người DTTS; cần có chính sách giáo dục đặc thù riêng cho vùng. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong khu vực cần quan tâm việc quy hoạch, phát triển hợp lý mạng lưới, quy mô các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú và dự bị đại học dân tộc. Các bộ, ngành và đơn vị đào tạo đổi mới phương thức cử tuyển nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực cho vùng DTTS.
Cũng tại hội nghị trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, vấn đề giáo dục – đào tạo của vùng đang đứng trước “thách thức kép”, đó là vừa đổi mới, nâng cao theo cả nước, vừa củng cố những tính chất nền tảng tối thiểu. Các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục dân tộc, hỗ trợ học sinh, nâng cao dân trí, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vùng đồng bào DTTS; đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với vùng DTTS để đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện, thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.
Có thể thấy rằng, phát triển nguồn nhân lực DTTS khu vực ĐBSCL không phải là việc một sớm, một chiều mà trước hết, cần tháo gỡ những vướng mắc, cản trở việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn thế, cần nhiều chính sách thiết thực cho quá trình thực hiện, trong đó, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ là cứu cánh.
Một trong những phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 được Đại hội XIII của Đảng xác định, đó là: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn”. Nhằm phục vụ đường lối lãnh đạo, mục tiêu chung đã được Đại hội XIII đề ra trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, Ủy ban Dân tộc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ dự kiến mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục là một nội dung trong mục tiêu tổng quát. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp trên 70%, lao động đến tuổi có việc làm, thu nhập ổn định trên 90%; trên 95% cán bộ, công chức xã có trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở lên…
Cẩm Linh