UBND TP Cần Thơ vừa phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Giai đoạn 1).
Theo đó, khu vực lập quy hoạch liên quan ranh giới hành chính 2 phường gồm: phường Phước Thới và phường Trường Lạc với diện tích lập quy hoạch khoảng 1.619,91ha. Dân số đến năm 2030 khoảng 100.000 – 120.000 người.
Khu vực lập quy hoạch là một phần khu đô thị – công nghiệp Trà Nóc, là vùng kết nối mở rộng cho khu đô thị truyền thống Ninh Kiều – Bình Thủy, định hướng phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ – y tế – giáo dục đào tạo cấp thành phố và cấp vùng nhằm giảm tải cho khu vực trung tâm hiện hữu và tạo động lực, tạo cân bằng về không gian phát triển cho toàn thành phố.
Là khu vực kết hợp khu đô thị và các khu chức năng phát triển mới gắn kết với các trục giao thông thủy bộ quan trọng mang tính liên kết vùng và khu vực như Quốc lộ 91, Quốc lộ 91B, đường tỉnh 917, tuyến đường thủy sông Hậu. Đồng thời, cũng là khu vực tiếp giáp trực tiếp với khu vực phát triển công nghiệp năng lượng và khu công nghiệp hiện hữu của thành phố, đóng vai trò là khu đô thị hậu cần, dịch vụ cho phát triển sản xuất.
Toàn khu vực quy hoạch được chia thành 2 phân khu quy hoạch (ký hiệu: OM 1-01, OM 1-02), các khu quy hoạch tương đương các đơn vị ở, nhóm ở và các khu chức năng. Các khu quy hoạch được phân chia bởi tuyến đường Quốc lộ 91 để kiểm soát phát triển, cụ thể như sau:
Khu OM 1-01: khu vực phía Bắc Quốc lộ 91, diện tích khoảng 570,41 ha. Dân số đến năm 2030 là khoảng 25.000 – 30.000 người. Chức năng là khu vực đô thị phát triển mới thuộc một phần khu đô thị Ô Môn – Trà Nóc theo quy hoạch chung TP Cần Thơ, phát triển đô thị gắn với công nghiệp (khu công nghiệp Trà Nóc 2 hiện có), hệ thống công trình dịch vụ – công cộng, công viên cây xanh và các khu vực nhóm nhà ở hiện có dọc tuyến rạch Cái Chôm, rạch Chùm Hồi, rạch Sang Trắng 1, rạch Sang Trắng 2…
Khu OM 1-02: khu vực phía Nam Quốc lộ 91, diện tích khoảng 1.049,5 ha. Dân số đến năm 2030 là khoảng 85.000 – 90.000 người. Chức năng chính là khu vực đô thị phát triển mới, phát triển khu chức năng mới như giáo dục, y tế cấp quận, cấp thành phố, gắn với phát triển hệ thống công trình dịch vụ – công cộng, các nhóm nhà ở mới và khu vực nhóm nhà ở hiện có dọc tuyến rạch Vạn Lịch Nhỏ, Giáo Dần.
Tiêu chuẩn kỹ thuật và các văn bản pháp lý có liên quan, các chỉ tiêu sử dụng đất đai, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật được xác định như sau: Đất xây dựng đô thị bình quân 90-120 m2/người; Đất đơn vị ở bình quân đầu người: 15-28 m2/người; Diện tích sàn nhà ở bình quân >29 m2 sàn/người; Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị >08 m2/người.
Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ô Môn có giới hạn cụ thể như sau: phía Bắc giáp rạch Cái Chôm và phần diện tích đất còn lại phường Phước Thới; phía Đông Bắc giáp sông Hậu (đến ranh giới Vĩnh Long); phía Nam và Tây Nam giáp ranh giới hành chính quận Bình Thủy (phường Trà Nóc, phường Thới An Đông); phía Tây giáp phần còn lại phường Phước Thới và Trường Lạc.
Theo đồ án quy hoạch quận Ô Môn tầm nhìn đến năm 2030, đô thị Ô Môn quy hoạch gồm 3 Vùng: Vùng 1 phát triển đô thị trung tâm (đô thị Ô Môn 1) với không gian dọc trục giao thông quốc lộ 91 hiện hữu, quy mô khoảng 3.000ha; Vùng 2 phát triển đô thị – công nghiệp (đô thị Ô Môn 2) gồm KCN Trà Nóc 2, Khu Nhà máy điện, Khu công nghệ cao và các đô thị phục vụ khu công nghiệp dọc sông Hậu, quốc lộ 91 và sông Trà Nóc, quy mô khoảng 1.600ha; Vùng 3 phát triển nông nghiệp đô thị kết hợp du lịch sinh thái… gắn kết với đô thị trung tâm Bình Thủy và Ninh Kiều.