12/04/2023 19:45
(PLVN) – Cây sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao. Tất cả các bộ phận của cây này từ lá, hạt đến củ đều là sản phẩm được tìm mua với giá ít nhất hàng chục triệu đồng/kg. Đó là lý do mà hiện thị trường đang xuất hiện tình trạng giả mạo xuất xứ cây sâm Ngọc Linh…
Giá trị kinh tế của sâm Ngọc Linh
Sáng 12/4/2023, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã mở cửa phòng trưng bày nhận diện sâm Ngọc Linh – được coi là ‘quốc bảo’ của Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức ở Hà Nội sau khi có những vụ việc giả mạo xuất xứ sâm Ngọc Linh được lực lượng QLTT phát hiện.
Có mặt tại phòng trưng bày, ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 1.710 ha sâm Ngọc Linh, trong đó, có 1.650 ha là của các doanh nghiệp (DN), số còn lại gần 70 ha là của gần 40 nhóm với trên 300 hộ dân cùng cán bộ, viên chức tham gia liên kết trồng sâm với DN. Mô hình liên kết giữa DN với người dân khá hiệu quả, bền vững, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho khoảng 500-700 lao động địa phương.
Ông Võ Trung Mạnh – Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (giữa) và ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (bìa phải) tại phòng trưng bày nhận diện sâm Ngọc Linh.
Trong bản quy hoạch được công bố, đến giai đoạn 2020 và tầm nhìn 2025, tỉnh Kon Tum đã đưa vào quy hoạch gần 32.000 hecta vùng trồng sâm Ngọc Linh. Muốn trồng được sâm thì yếu tố sống còn là phải giữ được rừng, tạo ra vùng đệm an toàn làm môi trường sinh trưởng cho sâm phát triển: Rừng còn thì cây sâm sẽ còn. Do đó, tỉnh đã chú trọng, tạo điều kiện để các hộ dân cùng trồng sâm vừa giữ rừng, vừa có kinh tế.
Cũng theo ông Mạnh, trong 5 năm qua, hàng trăm hộ trên địa bàn huyện đã thoát nghèo nhờ cây sâm Ngọc Linh, cá biệt có hộ, chỉ riêng thu hoạch từ hạt sâm cũng đến hàng chục tỷ đồng. Đó là lý do mà trên địa bàn huyện, nhiều người dân đã tự đi vay tiền (với tổng số tiền khoảng hơn 30 tỷ) để trồng sâm. “Đây là sự chuyển biến rất lớn của đồng bào khi họ nhận thấy giá trị của cây sâm” – ông Mạnh đánh giá.
Cụ thể, chỉ sau 5 năm trồng cây sâm, riêng hạt có thể bán 100.000 đồng/hạt (có cây có đến 90 bông, mỗi bông cho ra hàng chục hạt); lá cây sâm tươi bán được giá khoảng 10-12 triệu đồng/kg; 1 kg lá khô có giá 80 triệu. Riêng củ sâm có giá trị cao nhất và tùy vào kích cỡ của từng củ. Ví dụ, loại nhỏ (tầm 35 củ/kg) giá khoảng 140-160 triệu/kg, loại 20 củ/kg giá hơn 200 triệu/kg, loại 1 củ 1 lạng có giá 350 triệu/kg.
Lá sâm tươi Ngọc Linh được bán đến 12 triệu đồng/kg
Nhiều biện pháp bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh
Hiện nhiều DN đang khảo sát phát triển vùng dược liệu và phát triển sản phẩm để xuất khẩu. Theo ông Mạnh, đã có DN thực hiện trồng và sản xuất sản phẩm OCOP 5 sao để chuẩn bị xuất khẩu những sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh cũng đã được công nhận là sản phẩm quốc gia. Rất nhiều doanh nghiệp tại Kon Tum đã đầu tư mạnh vào ngành sâm, tạo ra bức tranh sôi động về lĩnh vực dược liệu.
Nhiều khách tham quan Phòng trưng bày nhận diện sâm Ngọc Linh
Tuy vậy, thị trường sâm cũng đối diện không ít áp lực từ nạn sâm giả, tình trạng trà trộn các giống sâm ngoại lai từ nơi khác vào gắn mác thương hiệu sâm Ngọc Linh. Thời gian qua, trên thị trường, từ miền Nam, ra miền Bắc, vào đến miền Trung, thậm chí, ngay trên “thánh địa”, “thủ phủ” trồng sâm Ngọc Linh, các lực lượng chức vẫn thường xuyên kiểm tra, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến sâm Ngọc Linh.
Do đó, ông Kiều Hưng – Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Kon Tum cho rằng, việc bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh theo đúng vùng chỉ dẫn địa lý cần phải có nhiều giải pháp và trách nhiệm từ nhiều cơ quan, đơn vị cùng tham gia. UBND huyện cần tăng cường quản lý nguồn gốc giống trồng mới; quản lý vùng trồng, đối tượng trồng theo hướng chặt chẽ hơn đến từng hộ dân, tiểu khu để tránh sự xâm nhập của cây sâm khác vào huyện;
Bên cạnh đó, cần phối hợp kiểm tra và cấp tem truy xuất nguồn gốc đối với sâm củ; đề nghị các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình xây dựng vườn sâm phải có hồ sơ vườn sâm cá nhân để thuận tiện cho việc kiểm tra định kỳ để góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như bảo tồn, phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh tỉnh Kon Tum,
Riêng lực lượng QLTT, thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Kon Tum sẽ chỉ đạo các Đội QLTT tăng cường lực lượng, kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng vào các mặt hàng trọng điểm, trong đó có sản phẩm sâm Ngọc Linh củ, cây tươi và các sản phẩm chiết xuất khác từ sâm Ngọc Linh.
“Lực lượng QLTT tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ đối với việc sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, buôn bán sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất xứ, sâm Ngọc Linh không đảm bảo chất lượng và xử lý hình sự”, Phó Cục trưởng Kiều Hưng nhấn mạnh.