Theo Quy hoạch được Phó Thủ tướng phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng. Số vốn nhu cầu lớn sẽ là thách thức với ACV và Bộ GTVT vẫn còn thiếu hơn 130.000 tỉ đồng cần huy động từ nguồn vốn xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự kiến đến năm 2023 toàn quốc sẽ có 30 sân bay. Ảnh minh họa
Các hạng mục quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030
Thời kỳ 2021 – 2030, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 02 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, hình thành 30 cảng hàng không bao gồm:
14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc.
16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa, Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng.
Về hệ thống bảo đảm hoạt động bay, đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay tại tất cả các cảng hàng không.
Bố trí các trung tâm logistics tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải lớn hơn 250.000 tấn/năm. Các trung tâm logistics đảm bảo các điều kiện về kho vận và kết nối các loại hình giao thông thích hợp để vận tải hàng hóa tại các sân bay: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Vân Đồn, Cát Bi, Đà Nẵng, Chu Lai, Long Thành, Cần Thơ,… Hình thành trung tâm logistics trung chuyển hàng hóa quốc tế tại cảng hàng không Chu Lai.
Xây dựng các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay tại các cảng hàng không có nhu cầu. Ưu tiên xây dựng các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay tại các cảng hàng không lớn, có điều kiện tốt về hạ tầng, đường bay quốc tế gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Chu Lai, Cam Ranh, Cần Thơ, Long Thành; Trung tâm sửa chữa lớn của khu vực tại cảng hàng không Chu Lai.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Nhu cầu vốn lên tới 420.000 tỉ đồng
Theo kế hoạch được phê duyệt, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đối với số vốn trên, trong một hội thảo cuối năm 2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã đưa ra mức kinh phí cần thiết để đầu tư kết cấu hạ tầng 28 sân bay trong thời kỳ 2021 – 2023 là 403.000 tỉ đồng. Cơ quan hiện mới chỉ huy động được 275.000 tỉ đồng (ACV tham gia khoảng 265.000 tỉ đồng và Bộ GTVT cân đối 9.800 tỉ đồng). Vẫn còn thiếu hơn 130.000 tỉ đồng. Hiện nay đã có thêm 2 sân bay được bổ sung vào quy hoạch, nâng tổng số sân bay cần đầu tư lên 30, số vốn nhu cầu cũng tăng hơn 17.000 tỉ đồng.
ACV cho biết đơn vị đang quản lý, khai thác 21 cảng hàng không. Trong giai đoạn 2021 – 2025, ACV sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 và các sân bay khác như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Bài, Điện Biên, Cát Bi, Côn Đảo… và xử lý tình trạng quá tải ở một số cảng hàng không hiện nay như Tân Sân Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng.
Đơn vị cho biết việc cân đối nguồn lực để đầu tư phát triển toàn bộ 21 cảng hàng không rất khó khăn, đặc biệt trong thời điểm nguồn thu và lợi nhuận giai đoạn 2020 – 2025 của ACV giảm sút nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để có thể đảm bảo nguồn vốn cần thiết phục vụ công tác phát triển hệ thống hàng không, phía ACV đề xuất nghiên cứu phương án huy động nguồn vốn xã hội. Bộ GTVT cho rằng các địa phương cần phải đẩy nhanh hơn nữa công tác xúc tiến đầu tư, nhân rộng mô hình PPP để giảm nguồn lực ngân sách nhà nước, thu hút vốn tư nhân. Xã hội hoá đầu tư không chỉ đầu tư kết cấu hạ tầng mà cả vận tải.