Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng sự sụt giảm số lượng môi giới sẽ gây khó khăn cho việc kết nối nguồn cung bất động sản với nhu cầu của khách hàng, do có cần có cơ chế chính sách cho các cá nhân làm nghề.
Tham dự hội thảo “Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” của báo Thanh Niên, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn DKRA, đã chia sẻ góc nhìn về tương quan giữa diễn biến thị trường bất động sản và hoạt động của nhân sự làm việc trong ngành bất động sản ở thời điểm hiện tại.
Dẫn số liệu thực tế về thị trường, ông Lâm cho biết trong quý 1/2023, thị trường bất động sản chứng kiến sự sụt giảm đáng kể cả về nguồn cung và sức tiêu thụ. Trong đó, phân khúc đất nền giảm mạnh nhất khi quý này chỉ có 385 sản phảm mới được tung ra thị trường (giảm 79% so với cùng kỳ năm trước). Cùng với đó lượng tiêu thụ giảm đến 94% khi chỉ có 78 giao dịch thành công trong 3 tháng.
Sự sụt giảm về cả nguồn cung lẫn sức tiêu thụ đối với phân khúc đất nền. Ảnh: DKRA
Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp đưa ra nhiều chương trình chiết khấu, giảm giá, thanh toán chậm. Thậm chí có dự án chiết khấu, giảm giá đến 40% nhưng cũng khó bán hàng.
Ông Lâm nhận định đây là hệ quả của tình trạng lệch pha cung cầu khi các sản phẩm được phần đông người mua quan tâm là nhà ở xã hội và nhà bình dân ít, thậm chí tuyệt chủng.
Những biến động của thị trường giao dịch cũng gây tác động lớn đến nhân sự ngành bất động sản. Ông Lâm cho biết, thời điểm sôi động nhất của thị trường bất động sản, có đến 300.000 môi giới hoạt động trên toàn quốc, trong đó ở TP.HCM chiếm đến 1/3.
Tuy nhiên, đến nay chỉ còn khoảng 1/5 môi giới còn hoạt động và hoạt động không ổn định. Điển hình như tại Tập đoàn DKRA, dù đã rất cố gắng giữ chân nhân viên, nhưng từ 1.000 nhân sự giờ còn 600 nhân viên, sụt giảm 40% lượng nhân sự chỉ trong một năm.
Làn sóng thuyên giảm nhân sự ngành bất động sản cũng gây tác động ngược lại đối với thị trường giao dịch khi thiếu vắng môi giới thì sẽ khó kết nối nguồn cung và nhu cầu, người bán sẽ khó tìm được người mua phù hợp.
“Chúng ta cần quan tâm đến cơ chế, chính sách dành cho người làm môi giới bất động sản sao cho hợp lý hơn, đánh giá đúng vai trò của các môi giới, để đảm bảo hoạt động ngành bất động diễn biến bền vững hơn”, ông Lâm chia sẻ.
Giải pháp để vực dậy thị trường bất động sản cũng như cải thiện hoạt động của môi giới, đầu tiên là củng cố niềm tin của người mua. Theo đó, ông Lâm phân tích các khó khăn của người mua khi tiếp cận với các gói tín dụng.
“Trước đây, gói 30.000 tỉ đồng với lãi suất thấp đã kích hoạt phân khúc nhà ở xã hội và lan tỏa ra cả thị trường bất động sản hồi phục nhanh chóng. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tung gói 120.000 tỉ đồng nhưng không ăn thua vì lãi suất còn cao so với thu nhập của người dân đang giảm sút thê thảm”, ông Lâm phát biểu.
Ông Phạm Lâm
Ông Lâm đề xuất giảm lãi suất về mức 5-6% đối với người mua nhà, không chỉ với nhà ở xã hội mà có thể xem xét áp dụng với người mua nhà ở thương mại như thời điểm 2008-2012. Mục tiêu là thu hút, kéo người mua tham gia thị trường. Bên cạnh đó có các cơ chế giới hạn tỷ lệ vay, thay vì cho vay 70-80% giá trị sản phẩm bất động sản thì chỉ cho vay khoảng 50%.
“Hiện hàng tồn kho rất nhiều, nhiều dự án đủ điều kiện bán hàng nhưng không bán được. Phương án gỡ vướng pháp lý sẽ tạo ra thêm nhiều nguồn cung mới nhưng sẽ khó cải thiện sức tiêu thụ nếu chưa giải quyết được bài toán về tiếp cận nguồn cầu”, ông Lâm nêu thực trạng.
Chủ tịch DKRA đưa ra một giải pháp để tiếp cận nguồn cầu là đưa ra gói tín dụng cụ thể đối với các dự án nhà ở thương mại, cho phép khách hàng tiếp cận được vốn vay với lãi suất thấp, giúp thị trường vận động, nhất là kích cầu tiêu dùng. Cần gói tín dụng tiếp cận cụ thể đến khách hàng mới khơi thông được thị trường. Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế giúp các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường.
“Những doanh nghiệp bất động sản còn đang tồn tại đến thời điểm này là những doanh nghiệp có năng lực. Sự phát triển bền vững cần dựa trên nền tảng của các doanh nghiệp có năng lực. Để phát triển tiếp, chúng ta không thể tạo ra các doanh nghiệp có năng lực khác mà nên có giải pháp để các doanh nghiệp này tiếp tục hành trình kiến tạo nên sự phát triển bền vững”, ông Lâm chia sẻ.