Sau 1 năm thi công, biệt thự Pháp cổ được bảo tồn ở vị trí “đất vàng” Hà Nội đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Đây là căn biệt thự có kiến trúc theo kiểu Pháp được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX.
Dự án trùng tu biệt thự mẫu tại số 49 Trần Hưng Đạo (46 Hàng Bài) được nghiên cứu từ năm 2016, trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và Vùng Ile-de-France, quận Hoàn Kiếm và cơ quan hợp tác quốc tế vùng Ile-de-France (PRX). Tháng 4 năm 2022, UBND quận Hoàn Kiếm đã khởi công dự án trên, qua 1 năm thực hiện, đến nay, công trình đã đi vào giai đoạn hoàn thiện.
UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, ngôi biệt thự này nằm trong Dự án bảo tồn biệt thự mẫu nhằm phát huy giá trị di sản văn hoá – lịch sử – kiến trúc của khu phố cũ Hà Nội. Bên cạnh đó, thông qua dự án này sẽ giới thiệu những kỹ thuật cơ bản trong việc bảo tồn, trùng tu một số công trình kiến trúc Pháp, qua đó nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn di sản.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, trong quá trình thi công tu bổ biệt thự, chuyên gia Pháp và chuyên gia Việt Nam đã làm công tác “khảo cổ học công trình” để tìm ra màu sắc, vật liệu và các chi tiết gốc. Trên cơ sở kết quả khảo cổ, nhóm chuyên gia đưa ra quyết định sử dụng lại các vật liệu màu sắc gốc theo như công trình được xây dựng ban đầu.
“Hiện tại, các chuyên gia đang quét thử nghiệm một số màu vôi để lựa chọn ra màu vôi theo đúng màu gốc nhằm đảm bảo tính chân xác tối đa cho công trình. Màu vôi tường hiện nay chưa phải là màu chính thức của công trình”, quận Hoàn Kiếm nêu thêm.
Sau 1 năm trùng tu, bảo tồn, biệt thự Pháp cổ ở 49 Trần Hưng Đạo – 46 Hàng Bài đã hoàn thành tu bổ toàn bộ kiến trúc bên ngoài và đang trong giai đoạn hoàn thiện dự án.
Hiện tại, các chuyên gia đang quét thử nghiệm một số màu vôi để lựa chọn ra màu vôi theo đúng màu gốc nhằm đảm bảo tính chân xác tối đa cho công trình.
Đây là căn biệt thự có kiến trúc theo kiểu Pháp được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ XX, một trong những công trình giữ nguyên được giá trị kiến trúc.
Kiến trúc của căn biệt thự được giữ nguyên lớp sơn vàng, cửa xanh
Hệ thống cửa thiết kế cổ điển, trong cửa kính, ngoài cửa chớp.
Không gian các phòng bên trong biệt thự sau khi được tu bổ.
Cầu thang được phục dựng sau khi thang cũ bị xuống cấp hoàn toàn.
Phần mái của tòa nhà đang được hoàn thiện.
Nền nhà tầng 1 căn biệt thự được giữ nguyên bản, lát bằng những viên gạch đỏ hình bát giác xen lẫn gạch hình tứ giác
Tầng 2 được thi công mặt sàn bằng gỗ.
Các hạng mục đều được thi công tỉ mỉ.
Khu vực tầng hầm của biệt thự được giữ nguyên bản.
Sau khi hoàn thành, biệt thự sẽ được đưa vào khai thác với chức năng là Trung tâm giao lưu văn hóa phố Pháp của Hà Nội. Định hướng khai thác công trình như một thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng là minh chứng rõ nét cho một chiến lược đồng bộ bao gồm cả hai khía cạnh bảo tồn và phát huy giá trị đối với một yếu tố di sản đô thị. Cùng đó, sẽ là nơi giới thiệu các nguyên tắc cơ bản cần lưu ý khi tiến hành một dự án trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị đối với một công trình kiến trúc Pháp cổ. Với chức năng mới như vậy, công trình sẽ trở thành một điểm đến văn hóa mới của quận Hoàn Kiếm nói riêng và toàn thành phố Hà Nội nói chung.
Nguồn: https://tienphong.vn/can-canh-biet-thu-phap-co-duoc-bao-ton-dang-dan-hoan-thien-post1526095.tpoNguồn: https://tienphong.vn/can-canh-biet-thu-phap-co-duoc-bao-ton-dang-dan-hoan-thien-post1526095.tpo
Cây xanh gần như “nuốt chửng” các tòa nhà, muỗi và côn trùng sinh sôi tấn công khiến người dân sợ hãi “bỏ của chạy lấy người”.
Theo Duy Phạm (Tiền Phong)