Bắc GiangBà Nguyễn Thị Thúy nhận 4-5 cuộc gọi từ tín dụng đen mỗi ngày, liên tục trong một tháng, đòi trả món nợ công nhân vay.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH GU Vina (KCN Quang Châu), kể câu chuyện bị tín dụng đen “khủng bố” tại buổi đại biểu Quốc hội tiếp xúc công nhân do Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang tổ chức ngày 12/5.
Công nhân ở các khu công nghiệp vay tín dụng đen nặng lãi, không trả đúng hạn, bị người cho vay gọi điện đến doanh nghiệp gây sức ép đòi nợ. Nhiều công nhân thậm chí bị vu khống, bôi nhọ danh dự. Một số công ty đã báo cơ quan công an, nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH GU Vina, hai lần bị tín dụng đen “khủng bố” điện thoại liên quan đến công nhân vay nợ. Ảnh: Gia Chính
Bà Thúy cho biết liên tục nhận các cuộc gọi lạ từ tháng 10/2022. Phía bên kia xưng là người của công ty tín dụng, báo tin “một nam công nhân vay tiền chưa trả” và yêu cầu bà trả khoản vay bởi trong giấy nợ ghi rõ bà Thúy là “người thân”. Công đoàn cơ sở xác minh, nam công nhân này đã nghỉ việc hơn một năm song không liên lạc được do thuê bao điện thoại đã cắt.
“Các anh cần gì thì đến công ty giải quyết rõ ràng”, bà Thúy trả lời sau nhiều lần bị làm phiền.
Một tháng sau đó, bà Thúy đều mỗi ngày đặn nhận 4-5 cuộc gọi làm phiền bất kể giờ hành chính hay nửa đêm. Thậm chí, họ gửi nhiều tin nhắn đe dọa nếu không trả nợ. Căng thẳng kéo dài, bà phải chặn cuộc gọi không có trong danh bạ. Tình trạng “khủng bố” điện thoại chấm dứt sau hơn một tháng do phía đòi nợ không đạt được kết quả.
Đầu năm nay, bà Thúy tiếp tục bị tín dụng đen yêu cầu trả nợ cho một công nhân khác đang làm việc trong công ty. Bà yêu cầu lao động này sao kê giao dịch ngân hàng, xác nhận không vay nợ, nhưng “không hiểu vì sao vẫn bị đòi”.
Theo bà Thúy, cán bộ công đoàn, hành chính, nhân sự thường xuyên bị đòi nợ dù công nhân có vay thật hay không. Bà dẫn chứng đồng nghiệp làm cán bộ nhân sự ở một công ty khác bị ghép ảnh với công nhân vay nợ. Người của tín dụng đen tung tin cán bộ này quan hệ ngoài luồng, bôi nhọ danh dự để ép trả khoản vay.
“Tôi rất bất bình vì thông tin cá nhân của cán bộ công đoàn như căn cước, vị trí việc làm lại bị lộ. Nhà mạng cần có biện pháp quản lý thông tin thuê bao nhằm truy vết số điện thoại rác này để xử lý”, bà Thúy nói, kiến nghị có biện pháp xử lý để lao động yên tâm làm việc.
Tờ rơi cho vay trả góp dán cạnh một khu trọ trong khu công nghiệp ở Hà Nội, cuối năm 2022. Ảnh: Hồng Chiêu
Giải đáp kiến nghị, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, cho hay năm ngoái từng nhận phản ánh tương tự và chỉ đạo công an kiểm tra. Bắc Giang “đánh” rất mạnh tội phạm tín dụng đen bởi xác định đây là một trong ba nhóm “tội phạm gốc” sinh ra các loại “tội phạm con”, bên cạnh cờ bạc, ma túy.
Theo ông Dương, ngoài trấn áp tín dụng đen, ngân hàng chính sách xã hội và các cơ quan ban ngành cần có thêm chính sách giúp công nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vay trong lúc mất việc hay khó khăn.
Tình trạng công nhân vay tín dụng đen khiến nhiều cán bộ công đoàn, lãnh đạo công ty bị “khủng bố” điện thoại diễn ra ở nhiều khu công nghiệp tập trung tại Bình Phước, TP HCM. Theo Bộ Công an, nhiều tổ chức tín dụng đen núp dưới vỏ bọc doanh nghiệp cho vay tài chính, cho vay không thế chấp để lôi kéo công nhân vay tiền trực tiếp qua app, mạng xã hội. Lực lượng chức năng phát hiện có nơi lãi suất 90-100%/tháng, thậm chí 700-1.000%/tháng.
Giai đoạn 2020-2022, Bộ Công an xử lý hơn 2.700 vụ với gần 5.000 đối tượng, khởi tố gần 2.000 vụ với 4.000 bị can, trong đó hơn 1.000 vụ cho vay nặng lãi, nhiều bị hại là công nhân.
Hồng Chiêu – Gia Chính